Hệ thống trạm sạc cho xe điện: Đừng bắt doanh nghiệp... tự "mò"!

Hạ tầng trạm sạc xe điện là vấn đề hết sức căn bản và cốt lõi trong việc chuyển đổi sang phương tiện điện. Thực tiễn thế giới đã cho thấy đây là vấn đề quan trọng nhất, quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi sang phương tiện sử dụng điện...

Việt Nam đã là một trong số ít quốc gia tự sản xuất được ô tô điện. Nhưng ngay tại thị trường trong nước, vấn đề về phát triển hạ tầng phục vụ xe điện, dường như vẫn mới chỉ ở mức... khởi đầu, và cho tới thời điểm này, vẫn mới chỉ có Vinfast đang một mình một đường.

Một chính sách của Mỹ

Ngày 16/2, ông lớn xe điện Tesla đã phải chấp nhận thiết kế thêm các cổng sạc xe điện tiêu chuẩn bên cạnh các cổng sạc độc quyền của hãng, vào các trạm sạc của mình.

Nguyên nhân là trước đó, Bộ Giao thông Hoa Kỳ đã gửi tối hậu thư tới Tesla với nội dung: Hoặc phải thiết kế thêm cổng sạc khác bên cạnh các cổng sạc độc quyền hãng đã xây dựng, hoặc không nhận được nhận bất kỳ lợi ích gì từ nguồn trợ cấp của chương trình trợ cấp Cơ sở hạ tầng xe điện quốc gia (National Electric Vehicle Infrastructure (NEVI) Formula Program) trị giá 7,5 tỷ USD mà chính quyền Tổng thống Biden ban hành.

Chương trình trợ cấp Cơ sở hạ tầng xe điện quốc gia là chương trình nhằm thúc đẩy người dân Mỹ tăng cường sử dụng xe điện thay cho xe sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Mục tiêu chính của chương trình là xây dựng hệ thống trạm sạc khắp nước Mỹ.

trạm sạc xe điện
Một trạm sạc của Tesla

Theo đó, Bộ Giao thông Hoa Kỳ dự tính xây dựng một mạng lưới sạc công cộng với số lượng trạm sạc lên tới 500.000 trước năm 2030. Các trạm sạc có khoảng cách tối đa 50 dặm và được đặt cạnh một trạm xăng truyền thống. Mỗi trạm sạc "tiêu chuẩn" có ít nhất 4 cổng sạc thường cho phép người dùng sạc 4 xe cùng lúc và 4 cổng sạc nhanh. 

Chương trình trên của Mỹ sẽ giúp các hãng xe điện khác, như VinFast, có thể sử dụng hệ thống trạm sạc của Tesla, vốn đã được xây dựng trên khắp nước Mỹ, (hiện tại có khoảng 3.000 trạm sạc nhanh và hơn 15.000 trạm sạc thường trên toàn nước Mỹ) đồng thời cũng là cách nhanh nhất để “mở cửa” nước Mỹ đón nhận xe điện.

Những chính sách này của Mỹ cũng nhằm mục tiêu gián tiếp thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ phát triển xe điện, để cạnh tranh với những thế lực mới đến từ Trung Quốc như BYD hay CALT...

Rõ ràng, ở các quốc gia trên thế giới, muốn thúc đẩy xe ô tô điện, vai trò của Chính phủ là rất quan trọng, bao gồm cả các gói hỗ trợ tài chính, lẫn những chính sách định hướng.

Chuyện của VinFast

Ngày 13/02/2023, Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại & Dịch vụ VinFast thông báo sẽ mở rộng triển khai dịch vụ Sạc pin lưu động 24/7 (Mobile Charging) và Sửa chữa lưu động (Mobile Service) trên toàn quốc.

Nội dung chính trong thông báo này của Vinfast là doanh nghiệp sẽ nỗ lực đưa vào vận hành tổng cộng 100 xe Sạc pin lưu động tại 63/63 tỉnh, thành trên cả nước, thời gian từ tháng 6/2023.

Thông báo này cho biết, chi phí cho mỗi lần sạc lưu động là 50.000 đồng/15phút. 15 phút sạc này sẽ giúp xe có thể di chuyển được từ 30km (đối với VF8) đến 40km (đối với VF e34).

trạm sạc xe điện
Đội ngũ xe lưu động của VinFast

Theo kỳ vọng của lãnh đạo VinFast, các xe sạc điện lưu động này, kết hợp với mạng lưới 150.000 cổng sạc, đặt tại các trạm dừng nghỉ cao tốc, trung tâm thương mại, chung cư, trường học, hệ thống cây xăng... trên 63 tỉnh thành trên cả nước, sẽ hoàn thiện thêm hệ sinh thái hỗ trợ xe ô tô điện tại thị trường Việt Nam.

Những nỗ lực của VinFast trong phát triển hệ thống xe ô tô điện trong thời gian qua cũng đã khiến doanh số bán xe điện của hãng đạt những mốc tăng đáng kể. Trong tháng 12/2022, doanh số xe VF8 ghi nhận ra 2.730 chiếc, lọt top 3 xe bán chạy nhất tháng (chỉ sau Hyundai Accent và Toyota Vios).

So về cùng phân khúc gầm cao hạng D, VF8 là mẫu xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam, vượt qua những dòng xe như Ford Everest, Santa Fe, Fortuner hay Mazda CX-8… Mẫu VF e34 cũng ghi nhận bán ra 1.548 chiếc, đứng vị trí thứ 8 trong top 10 xe bán chạy nhất tháng 12/2022.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, cũng có thể nhận xét việc VinFast đa dạng hóa các dịch vụ hỗ trợ sạc cho thấy vấn đề lớn nhất của ô tô điện – hệ thống trạm sạc – vẫn cần thêm nhiều thời gian để có thể khắc phục.

Hiện nay, cả VF8 lẫn VF e34 đang sử dụng công nghệ Pin Lithium – ion tiên tiến công suất lớn. Theo giới thiệu của nhà sản xuất, công nghệ pin Lithium – ion giúp VF e34 có phạm vi hoạt động 285km và VF8 là từ 460 – 510km cho mỗi lần sạc đầy – tương đương với phạm vi hoạt động của các xe nhiên liệu hóa thạch cùng phân khúc khi đổ đầy bình.

trạm sạc xe điện
Nếu không có các chính sách trợ giá, VinFast 8 khó trở thành lựa chọn ưa thích của người Việt

Nhưng trong khi các loại xe nhiên liệu chỉ cần vài phút để đổ đầy bình, thì thời gian sạc đầy pin của xe ô tô điện rất dài – khoảng 8h đồng hồ cắm sạc liên tục. Mặt khác, chưa nhà sản xuất xe điện nào công bố mức giảm quãng đường đi được của xe trong các điều kiện tải trọng khi vận hành. 

Yếu điểm sạc lâu đầy của Pin Lithium – ion kéo theo những thách thức trong xây dựng hệ thống trạm sạc. Bởi không phải lúc nào người sử dụng cũng chủ động được nguồn năng lượng pin, và thực tế hiện nay, không phải chỗ nào cũng có trụ sạc cho xe ô tô điện.

Do vậy, xe điện vẫn chủ yếu là lựa chọn của những khách hàng đô thị, chuyên di chuyển chặng ngắn (dưới 100 km/lần), và đặc biệt cư trú tại những khu vực sẵn các trạm sạc như chung cư, nhà riêng...

Điều này lý giải tại sao VinFast lại chấp nhận đầu tư mạng lưới cổng sạc và phát triển các loại hình hỗ trợ người sử dụng xe điện, như đổi pin, cho thuê pin, và giờ là Sạc pin lưu động 24/7.

Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển hệ thống này sẽ chiếm dụng khoản đầu tư khổng lồ cho thiết bị, pin, và chi phí nhân công phục vụ, các chi phí khác. Do đó, không khó để nhận xét, các loại dịch vụ chăm sóc xe điện tại Việt Nam sẽ mất rất nhiều năm chỉ để đạt tới ngưỡng hòa vốn vận hành, chứ chưa bàn tới lãi. 

Khi doanh nghiệp... tự mò

Ngày 18/2/23 một thỏa thuận hợp tác giữa Liên doanh GM (General Motors)- SAIC-Wuling (SGMW) đến từ Trung Quốc và đối tác tại Việt Nam- Công ty Cổ phần ô tô TMT đã dược ký. Theo đó liên doanh Trung Quốc sẽ cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam.

Mẫu xe sẽ được lắp ráp tại nhà máy ô tô của TMT tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên với công suất 30.000 xe/năm. Trong tương lai, quy mô nhà máy có thể được mở rộng thêm theo lộ trình hợp tác chiến lược với liên doanh GM-SAIC-Wuling. 

Như vậy, thị trường Việt Nam sẽ chính thức có 2 thương hiệu xe điện là Wuling và Vinfast. Các dòng sản phẩm ô tô điện Vinfast hướng tới phân khúc tầm trung và hạng sang, trong khi Wuling định vị là phân khúc ô tô điện giá rẻ với mức giá... rẻ nhất thế giới. 

Ngoài Wuling, hàng loạt thương hiệu lớn khác của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc như Chery, BYD hay cả Hàn Quốc với thương hiệu Cevo cũng đã và đang thăm dò và bày tỏ kế hoạch sẽ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất ô tô. 

Trái với sự sôi động của thị trường xe điện, vẫn chưa có một động thái rõ ràng từ các cơ quan quản lý nhà nước thể hiện tầm nhìn xa về việc chuẩn bị cho một hệ thống hạ tầng trạm sạc cho số lượng xe điện chắc chắn sẽ tăng rất nhanh.

Cho tới nay, theo đại diện của Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) thì bên cạnh Quyết định 876 về phát triển xanh, “Chính phủ còn ban hành Quyết định 888 về kế hoạch thực hiện cam kết trong COP26, trong đó giao cho Bộ GTVT phối hợp với các địa phương phát triển hạ tầng sạc trên các đường quốc lộ và các đô thị”. Thế nhưng, cho tới nay vẫn chưa có một chương trình, kế hoạch cụ thể được công bố, chính vì thế dẫn tới tình trạng doanh nghiệp phải tự .."mò".

“Khó khăn đầu tiên là hiện nay chưa có bộ tiêu chuẩn về xây dựng trạm sạc, ví dụ về hệ thống đấu nối điện của trạm sạc hay hệ thống thiết bị bảo vệ cho trạm sạc, chưa có bộ quy chuẩn rõ ràng. Thứ hai là những khó khăn liên quan đến khuôn khổ pháp lý hướng dẫn lắp đặt trạm sạc ở từng địa phương cụ thể, vì mỗi địa phương sẽ có cách hiểu khác nhau và hướng dẫn khác nhau. Ngoài ra, còn hạn chế về nguồn điện cấp cho trạm sạc, hiện nay không phải ở nơi nào cũng có sẵn nguồn điện đó, cũng như mức độ nguồn điện không đồng đều”, đại diện Vinfast chi sẻ về những khó khăn khi phát triển hệ thống trạm sạc.

ô tô điện
Hạ tầng sạc điện của VinFast

Việc thiếu quy chuẩn này dẫn đến những phản đối của người dân đối với các trạm sạc của VinFast xây trong khu dân cư, do lo ngại dẫn đến cháy nổ, áp lực lên phụ tải truyền điện…

Đồng thời, thiếu các tiêu chuẩn này, cộng thêm thiếu chính sách hỗ trợ phát triển trạm sạc, cũng khiến các doanh nghiệp chuyên phát triển ô tô như Toyota, Honda... ngần ngại khi phát triển thị trường ô tô điện tại Việt Nam.

“Hiện nay Honda Việt Nam đang thử nghiệm xe máy điện, nhưng chưa bán ra thị trường vì một số lý do, bao gồm việc cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được, trong khi xe điện có đặc thù về trạm sạc, thời gian sạc”, đại diện Honda Việt Nam chia sẻ trong hội thảo trực tuyến “Hạ tầng cho xe điện Việt Nam” diễn ra vào tháng 9/2021.

Vấn đề đặt ra là, nếu không sớm có một chương trình quốc gia về phát triển hệ thống trạm sạc để đưa ra những quy chuẩn, tiêu chuẩn chung thì chúng ta sẽ phải chấp nhận "mất" khá nhiều: Doanh nghiệp mất thời gian và nguồn lực để tự mò mẫm xây dựng hệ thống trạm sạc riêng của mình; Nhà nước mất cơ hội đi tắt đón đầu cuộc cách mạng xe điện khi mà hạ tầng phục vụ không sẵn sàng cho sự phát triển; Người tiêu dùng mất cơ hội được lựa chọn giữa xe điện và xe chạy xăng/dầu khi mà xe điện vẫn phải chịu những hạn chế về quãng đường, trạm sạc...

Một câu hỏi khác cũng rất quan trọng, nếu không sớm có sự quản lý, định hướng của nhà nước về tiêu chuẩn, hạ tầng, giá cả... liệu có xảy ra tình trạng loạn trạm sạc xe điện? Để khi các doanh nghiệp phát triển xong hệ thống trạm sạc của mình rồi lại phải tự "gọt" mình cho "chuẩn" với các tiêu chuẩn, quy chuẩn... chạy theo sau?

Theo bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) thì “Hạ tầng là vấn đề hết sức căn bản và cốt lõi trong việc chuyển đổi sang phương tiện điện. Với kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đây là vấn đề quan trọng nhất, quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi sang phương tiện sử dụng điện”.

Trong 1 diễn biến khác, tới đầu tháng 1/2023 Bộ Công Thương và Bộ Khoa học công nghệ vẫn đang bàn nhau về vấn đề liên quan đến hạ tầng xe điện. Theo đó, để phản hồi công văn số 3440/BKHCN-TĐC ngày 21/11/2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc bổ sung trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện (cột đo điện năng sạc xe điện) vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2. Ngày 9/1/2023 Bộ Công thương đưa lại đề nghị là Bộ Khoa học và Công nghệ... sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với trụ/trạm sạc xe điện...

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm