Gập ghềnh chặng đường nâng hạng thị trường

Mới đây FTSE Russell đã công bố đánh giá phân loại thị trường và theo kết quả, Việt Nam tiếp tục được giữ lại trong danh sách theo dõi đánh giá thị trường mới nổi loại 2 (Secondary Emerging).
Gập ghềnh chặng đường nâng hạng thị trường

Tại kỳ đánh giá này, FTSE Russell cho biết Việt Nam tiếp tục không đáp ứng tiêu chí chu kỳ thanh toán và đang bị đánh giá "Hạn chế" vì quy định thị trường chỉ chấp nhận giao dịch khi tài khoản có sẵn tiền. Ngoài ra, tiêu chí "Tỷ lệ các giao dịch thất bại hiếm" không được đánh giá vì FTSE Russell chưa đủ thông tin đánh giá.

Lý giải về những vướng mắc chưa được giải quyét trong quá trình nâng hạng của Việt Nam, Chứng khoán KBSV cho rằng, cơ chế thanh toán bù trừ là rào cản đối với nâng hạng hiện tại của Việt Nam.

Hiện tại, hoạt động thanh toán của Việt Nam nhìn chung vẫn dựa trên quy tắc phải có tiền trong tài khoản mới được giao dịch (pre-funding). Theo FTSE Russell, Việt Nam cần theo thông lệ quốc tế là thực hiện nhận cổ phiếu thì trả tiền (DvP), tức là chỉ cần kiểm tra số dư tiền vào ngày T+2 rồi thực hiện chuyển giao cổ phiếu và thanh toán, thay vì việc kiểm tra tài khoản và trừ tiền ngay tại thời điểm T+0 như hiện nay.

KBSV cho rằng cơ sở pháp lý của Việt Nam (theo thông tư 203/2015/TT-BTC) về cơ bản mang tới phương án giải quyết tạm thời cho nhà đầu tư tổ chức tổ chức (có tài khoản tại ngân hàng lưu ký) chỉ cần có bảo lãnh thanh toán/xác nhận từ phía ngân hàng là có thể giao dịch ngay.

Dù vậy, trên thực tế, lợi ích từ phía ngân hàng còn hạn chế, khiến việc thực thi thông tư trên chưa hiệu quả. KBSV cho biết hiện một số CTCK đã chủ động tham gia cung cấp dịch vụ bảo lãnh/thanh toán với tổ chức nước ngoài.

Tuy nhiên, việc loại bỏ quy định T+2 có thể sẽ bị trì hoãn sang năm sau bởi những rủi ro liên quan tới thành viên của thị trường và mức độ tín chấp của NĐT.

Cụ thể, thống kê của UBCKNN cho thấy vẫn còn có trường hợp các CTCK phải sửa lỗi sau giao dịch, xử lý lỗi, thậm chí, có trường hợp CTCK phải lùi thời hạn thanh toán hoặc loại bỏ thanh toán do kiểm soát không tốt ký quỹ của khách hàng.

Bên cạnh đó, nếu bỏ quy định 100% tiền và chứng khoán tại thời điểm giao dịch, đến T+2 nhà đầu tư không có đủ tiền thì xử lý lệnh giao dịch đã khớp trước đó sẽ rất phức tạp.

Bởi vậy, việc triển khai giao dịch DvP sẽ chỉ được thực hiện khi đáp ứng được những điều kiện: các thành viên thị trường xây dựng được quy trình quản trị rủi ro một cách nghiêm túc, chặt chẽ; cơ quan quản lý hoàn thiện hơn cơ chế giám sát và chế tài xử phạt các CTCK vi phạm; TTCK phát triển hơn và ý thức nhà đầu tư được nâng lên.

Trong bối cảnh khối ngoại đẩy mạnh bán ròng ở TTCK các nước mới nổi, bao gồm Việt Nam trước nỗi lo về dịch bệnh Covid-19 có thể đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Kỳ vọng về các đánh giá tích cực hơn của FTSE về triển vọng nâng hạng thị trường giúp kiềm chế hoạt động bán ròng của khối ngoại đã không xảy ra.

Trong bối cảnh bất ổn hiện tại, cùng việc thiếu vắng các thông tin hỗ trợ trong nước (liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, IPO các doanh nghiệp lớn…), KBSV cho rằng áp lực bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm