Giá nông sản “vàng đen” bùng nổ sau giai đoạn trầm lắng

Trước khi có những tín hiệu tích cực, thị trường hồ tiêu Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi nguồn cung khan hiếm, giá thu mua nội địa tăng cao, doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt áp lực lớn…

Giá hồ tiêu tăng trong bối cảnh nguyên liệu khan hiếm

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu hồ tiêu đã bật tăng trở lại, chỉ tính riêng tháng 9, giá xuất khẩu hồ tiêu đã “xô đổ” mọi kỷ lục trong nhiều năm qua.

Thống kê sơ bộ, trong tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu 20 nghìn tấn hồ tiêu, thu về 125 triệu USD, tăng 10,4% về sản lượng. Nhưng về giá trị kinh tế thu lại đã tăng đột biến ở mức gần 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 9 tháng năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu đạt 203.000 tấn, thu về hơn 1 tỷ USD, giảm 1,5% về lượng nhưng tăng 46,9% về giá trị. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự chênh lệch đó là sự khan hiếm nguồn cung dẫn đến giá thành tăng cao. Giá hạt tiêu xuất khẩu tăng mạnh 49,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 4.941 USD/tấn.

Đáng chú ý, tháng 9 vừa qua, giá trung bình mặt hàng “vàng đen” xuất khẩu đạt 6.239 USD/tấn, tăng 67,5% so với tháng cùng kỳ năm ngoái và đây cũng là tháng ghi nhận mức giá xuất khẩu cao nhất trong 8 năm qua.

Một trong những yếu tố tác động đến xu hướng tăng giá hồ tiêu là nhu cầu của thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Trung Quốc đã tăng mua trở lại đối với tiêu trắng trong bối cảnh khu vực trồng tiêu trắng tại đảo Hải Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Yagi vừa qua. Đảo Hải Nam là một trong những nguồn cung tiêu trắng chủ chốt của Trung Quốc. Dự báo nguồn cung tiêu trắng tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ trở nên căng thẳng hơn khi nhu cầu dự kiến sẽ tăng lên trong quý 4 và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán truyền thống sắp tới.

Cơ quan Hải quan Trung Quốc thống kê, nhập khẩu tiêu của Trung Quốc trong tháng 7 vừa qua đạt 1.965 tấn, trị giá hơn 9 triệu USD, tăng gấp 2 lần về lượng và 2,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn về nguyên nhân dẫn đến nguồn cung nguyên liệu trong nước sụt giảm suốt thời gian qua, một số doanh nghiệp sản xuất nhận định, vì thời tiết và xu hướng chuyển đổi cây trồng. Điển hình, tại khu vực Tây Nguyên, vùng trọng điểm sản xuất hồ tiêu của Việt Nam, đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các nhà đầu cơ cũng góp phần đẩy giá lên cao. Tuy giá tăng, doanh nghiệp xuất khẩu đang đối mặt áp lực lớn do sức mua yếu, trong khi giá thu mua tại thị trường nội địa vẫn cao nhưng hàng hóa khan hiếm.

Thông tin từ báo cáo Nedspice, Việt Nam đã xuất khẩu 186 nghìn tấn hồ tiêu tính đến tháng 8, bằng với sản lượng và nhập khẩu của năm nay. Xuất khẩu trong quý IV sẽ phụ thuộc vào việc giải phóng lượng tồn kho chuyển tiếp nhiều năm được nắm giữ bởi các nhà đầu tư lớn và khối lượng nhập khẩu bổ sung.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dự báo, giá hồ tiêu thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong ngắn hạn do nguồn cung hạn chế. Brazil và Indonesia đang vào vụ thu hoạch, trong khi nhu cầu thế giới không tăng mạnh, cùng với việc Trung Quốc không mua nhiều dẫn đến giá chỉ có khả năng tăng nhẹ. Tuy nhiên, về dài hạn, giá hồ tiêu xuất khẩu sẽ vẫn được hỗ trợ, bởi sản lượng mặt hàng này của Việt Nam trong vụ mùa 2025 dự kiến giảm. Vụ hồ tiêu năm 2025 tại Việt Nam sẽ thu hoạch gần như toàn bộ vào tháng 2, một số vùng kéo dài đến tháng 3 và tháng 4, chậm hơn 1-2 tháng so với những năm trước do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài khiến nguồn cung hồ tiêu ngày càng khó khăn.

Bên cạnh đó, chính do nguồn cung hạn chế, ngành hồ tiêu Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ giá xuất khẩu ở mức cao. Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), lượng hồ tiêu trong dân gần như không còn, chỉ còn ở trong các đại lý và kho của doanh nghiệp. Tồn kho vụ 2023 chuyển sang cộng với lượng nhập khẩu năm 2024 vào khoảng 40.000 - 45.000 tấn (kể cả nhập khẩu tiểu ngạch), cho thấy nguồn hàng xuất khẩu cho tới cuối năm sẽ thấp hơn mọi năm và cho đến tháng 3/2025 khi vụ mùa 2025 dự kiến sẽ thu hoạch. Giá tiêu thị trường nội địa ở thời điểm hiện tại dao động 148.000-149.000 đồng một kg.

Có thể bạn quan tâm