Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới không có nhiều phản ứng trước dữ liệu lạc quan về doanh số bán nhà của Mỹ. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 giao dịch lần cuối quanh mức 1.900 USD/ounce. Vàng giao ngay chốt phiên giao dịch của tuần neo ở mức 1.899,2 USD/ounce.
Cụ thể, Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ (NAR) mới đây công bố doanh số bán nhà của nước này đã tăng 6,7%, lên mức được điều chỉnh theo mùa và hàng năm là 6,50 triệu căn so với tháng trước. Dữ liệu đã tăng hơn nhiều so với mức dự báo là khoảng 6,1 triệu căn.
Các thị trường khác chứng kiến giá dầu thô giảm liên tục và giao dịch quanh mức 89,5 USD/thùng. Chỉ số US Dollar Index ổn định hơn. Lợi tức trên trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ hiện đạt 1,975%, giảm so với mức hơn 2,0% vào đầu tuần.
Sự bứt phá của vàng trong tuần qua khi có thể đạt mức cao nhất trong vòng 8 tháng qua đã khiến các chuyên gia thêm lạc quan về thị trường kim loại quý. Nhiều ý kiến cho rằng, trước căng thẳng địa chính trị và lạm phát gia tăng, giá vàng sẽ tiếp tục kiểm tra ngưỡng mới trong thời gian ngắn tới.
Giá vàng thế giới rạng sáng 18-2 (giờ Việt Nam) niêm yết tại Kitco là 1.899,2 USD/ounce, tương đương gần 52,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước
Sau một ngày tăng mạnh, giá vàng trong nước rạng sáng 19-2 lại chững lại và không có nhiều biến động. Các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý chỉ điều chỉnh tăng – giảm nhẹ giá vàng từ 50.000 đến 350.000 đồng/lượng.
Cụ thể, DOJI Hà Nội đã điều chỉnh tăng 100.000 đồng ở cả hai chiều đưa giá vàng ở đây lên mức 62,3 triệu đồng/lượng mua vào và 63,1 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, giá vàng DOJI đã tăng 150.000 ở chiều bán ra lên mức 63,1 triệu đồng/lượng nhưng giảm 50.000 ở chiều mua vào xuống còn 62,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC là ít biến động nhất khi ở cả ba khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh giữ mức giá mua vào của ngày hôm trước là 62,55 triệu đồng/lượng và chỉ điều chỉnh tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra lên mức 63,22 triệu đồng/lượng ở khu vực Hà Nội và 63,2 triệu đồng/lượng ở khu vực TP Hồ Chí Minh.
Sau khi tăng 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều vào ngày hôm trước, giá vàng PNJ rạng sáng 19-2 tiếp tục tăng 100.000 lên mức 53,8 triệu đồng/lượng mua vào và 54,6 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng của Maritime Bank tiếp tục biến động trái chiều với giá vàng ở các cơ sở kinh doanh khác. Trong sáng 19-2, trong khi các cơ sở kinh doanh điều chỉnh nhẹ giá vàng thì giá vàng Maritime Bank tăng mạnh nhất với mức tăng 350.000 đồng/lượng mua vào và 200.000 đồng/lượng bán ra lên lần lượt 62,45 triệu đồng/lượng và 63,7 triệu đồng/lượng. Trước đó, giá vàng Maritime Bank “dậm chân tại chỗ” khi giá tại các cơ sở khác tăng vọt. Hiện tại giá vàng bán ra của Maritime Bank vẫn đang cao nhất thị trường và chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra cũng lớn nhất là 1,3 triệu đồng/lượng.
Với giá vàng trong nước ít biến động và giá vàng thế giới chạm mốc cao nhất trong vòng 8 tháng qua là 1.899,2 USD/ounce, (tương đương 52,1 triệu đồng/lượng), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã được rút xuống khoảng 11 triệu đồng/lượng.
Dự báo tiềm năng
Tuần qua, bất ổn địa chính trị và lạm phát tiếp tục chi phối tâm lý thị trường. Thị trường vàng đã vượt qua làn sóng sợ hãi và leo lên mức cao nhất trong vòng 8 tháng qua là 1.900 USD/ounce.
Các chuyên gia cho rằng, những yếu tố này sẽ tiếp tục tác động đến thị trường, đặc biệt là thị trường kim loại quý.
Theo Florian Grummes, Giám đốc điều hành của Midas Touch Consulting, việc lạm phát ở Mỹ đạt mức 2 con số chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Điều này có thể đẩy giá vàng lên ngưỡng 2.000 USD/ounce trong thời gian tới.
Florian Grummes cho rằng giá vàng sẽ đạt 1.975 USD/ounce trong vài tuần hoặc có thể 1-3 tháng tới. Thậm chí, giá kim loại quý này có thể “nhảy vọt” lên ngưỡng tâm lý 2.000 USD trong ngắn hạn.
Chuyên gia này cũng nhận định nếu vàng đạt được ngưỡng 2.000 USD/ounce trong vài tuần hoặc vài tháng tới, rất có thể sẽ dẫn đến việc khai thác quá mức kim loại này và đẩy giá vàng xuống. Tuy nhiên, kim loại quý này sẽ tiếp tục bứt phá một lần nữa và kiểm tra lại ngưỡng này.