Trước đó trưởng nhóm chia sẻ bức ảnh cái lốp của xe máy được quấn tăng cường những vòng xích xe đạp để leo núi mùa mưa. Chúng tôi vẫn chưa thể hình dung được con đường lên vùng ruộng bậc thang đẹp bậc nhất Việt Nam này lại hiểm trở đến thế. Một bản thuộc Mù Cang Chải nơi có 150 hộ dân sinh sống bằng những thửa ruộng bậc thang này. Mọi người kháo nhau rằng đường đi lên đó gian nan và nguy hiểm lắm. Nhưng nhóm chúng tôi tặc lưỡi: Người ta đi được thì mình cũng đi được!
Gian nan đi săn “con nghệ thuật”
Đó là một ngày chính hội, sáng mưa, trưa tạnh, chiều nắng to.
Mỗi một người cùng ba lô máy ảnh bám xe ôm leo núi. Đường lên là những lối mòn nhỏ, dốc ngược, quặt bất ngờ chỉ hai xe máy tránh nhau với bao vết xe lằn sâu thành rãnh, đường đất! Mạnh ai nấy đi, không theo đoàn được. Chúng tôi gọi những anh xe ôm là những tay lái “bố của khủng”, vô cùng chắc và chính xác, chẳng kém những tay đua địa hình!
Mỗi người tỏa đi một hướng theo sở thích, điểm hot nhất đó là những thửa ruộng bậc thang - mà dân nhiếp gọi là “điểm quốc dân”. Chiều ấy có hàng trăm tay máy bắc chân trực hoàng hôn. Nhóm chúng tôi có cả những cô gái theo lên để chụp ảnh, do đó mấy nhiếp ngoài chụp ảnh phong cảnh còn kiêm luôn cả việc chụp ảnh cho mẫu. Nhưng đứng trước phong cảnh hữu tình, tôi không còn tâm trạng nào để chụp mẫu nữa. Tôi tách đoàn và cuối cùng đã có một trải nghiệm không quên cho một buổi chụp phong cảnh địa hình khó của dân nhiếp miền xuôi.
Tôi máu đi săn cảnh độc nên chịu khó lặn lội. Ban đầu tôi men theo bờ bậc thang tiến xuống ruộng sâu. Nhưng càng xuống thì các bậc càng cao dựng đứng với độ cao tầm 1,5- 2 mét. Với độ cao này tôi khó mà tìm đường lên xuống các bậc, phải đi vòng thúng quanh bờ ruộng có chừng 25-30 cm quanh co như đi trên bờ tường, trong khi đó đất ruộng lại còn nhão nhoét bởi trận mưa sáng.
Sau khoảng 2 tiếng phải phải gồng mình đi theo một đường hẹp khá dài, tôi đã thấm mệt và rất chóng mặt. Tuy nhiên tôi cũng kịp dừng lại để bấm vài kiểu ảnh ngay trong tầm mắt với những góc ảnh khác lạ.
Rồi tôi cũng tìm được đường để tụt xuống, thả người theo bậc thang ở một chỗ có độ cao thấp hơn và có dấu chân người. Tôi hướng về phía một thanh niên đang vác lúa để quan sát đường lên và khi gặp anh ấy, tôi đã phải nhờ anh ấy kéo lên mới có thể thoát được qua khúc quanh co như trận đồ bát quái này.
Vác thóc về lều
Ruộng bậc thang ở Sán Nhù chỗ Móng Ngựa Con cao chừng 1,5-2m và thẳng đứng. Dốc chỗ chàng thanh niên leo bằng cách bấu chân vào thành ruộng. Ấy thế mà cậu leo băng băng trong khi tôi phải nhờ cậu kéo mới lên được.
Sau đó tôi đã theo cậu vào thăm lều chứa thóc. Tại lều chứa thóc tôi gặp mẹ cậu. Mẹ cậu mới 55 tuổi nhưng trông già cỡ bà cụ bảy mươi dưới xuôi. Trong lều có xong nồi, bát đĩa, củi nấu cơm.
Cậu kể, đưa được lúa về kho đã gian nan nhưng đưa lúa về nhà còn gian nan nữa, đấy là chưa kể cấy cày, chăm bón. Bù lại trời cho, lúa ở đây rất đẹp và mẩy.
Về tới Homestay
Mỗi người về tới Homestay mỗi giờ khác nhau nhưng sau đó nhanh chóng tụ lại để chia sẻ cảm xúc của chuyến đi vừa qua. Một chị oang oang kể: Cả đời mình chưa bao giờ ôm ai chặt như ôm xe ôm lên Sán Nhù làm cả phòng cười vang.
Một anh nhiếp vào hàng thợ săn khủng cũng lần đầu lên Sáng Nhù. Anh có ảnh của chiếc xe máy lốp quấn thêm xích xe đạp kể: "Tôi sợ quá sức tưởng tượng, vội bảo xe ôm: Cho chú xuống đi đi vệ sinh... rồi trả ngay tiền xe, và lò dò chấp nhận đi bộ".
Anh đã không ân hận vì lúc xuống anh có những bức hình độc đáo của sắc hoàng hôn chiều lẫn trong rừng thông với ruộng bậc thang – sắc nâu hồng tía trên nền trời xanh mây trắng chiều tà như họa đồ.
Một nhiếp bạo đi săn cảnh Tây Bắc nhưng chưa đến đây bao giờ cũng hồ hởi kể: “Tôi nghĩ người ta đi được mình cũng đi được, nhưng khi thấy đường có những rãnh xe thì thấy “ghê răng” quá. Sợ nhất lúc xuống, tôi ôm thằng bé xe ôm chặt thế mà người cứ dồn về phía trước, muốn đẩy nó ra khỏi xe, không gồng mình về sau được, phải hối thúc nó dừng ở những chặng bớt dốc. Đúng là phải có cả kỹ năng ngồi sau xe máy đồng đội ạ!”.
Một nhiếp bỏ cuộc khi nhìn thấy cảnh một xe vừa bắt đầu leo dốc thì lộn ngược, cả người và xe văng ra, chắc là khá đau!
Qua chuyện trò với cậu xe ôm cậu cho biết trên đỉnh Sán Nhù này có 150 hộ dân ở, đường đi lại vô cùng hiểm trở, vậy mà dọc đường vẫn gặp các bà, các chị địu con leo dốc đi hội Mùa Vàng. Họ diện quần áo đẹp, thần thái an nhiên của những con người thuộc về thiên nhiên, dáng vẻ lam lũ, vất vả nhưng khỏe mạnh, rắn rỏi của bà con thật đáng yêu! Người xuôi chắc khó ai đi bộ lên đỉnh này được với khoảng 2km đường đèo dốc ngược, quanh co, hiểm trở.
Chúng tôi còn muốn đến bản làng, nơi sinh sống của bà con Sán Nhù Mù Cang Chải và….tìm hiểu về đường dẫn nước tới ruộng bậc thang nơi đây!
Bài: Nguyễn Thúy Vân
Ảnh: Nhóm ảnh HD - Bờ Hồ