Gỡ nút thắt thiếu vốn cho doanh nghiệp giao thông, xây dựng

Đại diện cho các doanh nghiệp giao thông, xây dựng, các chuyên gia cho rằng cần sớm mở nút thắt để các dự án PPP và các dự án xây dựng được phát triển.

Tại Diễn đàn “Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021-2025" do Phòng Công nghiệp và Thương mại tổ chức mới đây, các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, xây dựng đã phát biểu và chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Sớm tìm nguồn vốn

Theo đánh giá của PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), chủ trương hút vốn tư nhân theo phương thức đối tác công tư (PPP) để xây dựng hạ tầng giao thông là cần thiết trong bối cảnh vốn ngân sách hạn hẹp.

“Qua theo dõi và tổng kết một số dự án đầu tư theo phương thức PPP trong vòng 10 năm qua, có thể thấy các công trình được đầu tư theo PPP như: Sân bay Vân Đồn, đã khắc phục được 3 “căn bệnh nan y” của đầu tư công là: chậm tiến độ, đội vốn và chất lượng cũng còn những nghi ngại. Phương thức đầu tư PPP đã thực sự mang lại hiệu quả”, ông Chủng nhận xét.

Tuy nhiên, đại diện VARSI cho rằng, hiện nay môi trường đầu tư PPP lại rất “lạnh nhạt”, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Trong đó, rào cản lớn nhất đối với các dự án PPP hiện nay đó là thị trường vốn và hoàn lãi vay.

Cụ thể, nguồn vốn dự án PPP phụ thuộc hoàn toàn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại. Trong khi các ngân hàng thương mại thường huy động vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, nhưng những dự án giao thông thường huy động 15-20 năm nên có những rủi ro nhất định và hạn mức cho vay cũng rất thấp nên các doanh nghiệp không mặn mà.

Tại Diễn đàn Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 nhiều chuyên gia đã chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị các giải pháp cần tháo gỡ.
Tại Diễn đàn Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 nhiều chuyên gia đã chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị các giải pháp cần tháo gỡ.

Giai đoạn từ năm 2016-2020, có 8 dự án đầu tư theo phương thức PPP của đường cao tốc Bắc – Nam, nhưng 5 dự án không tìm được nhà đầu tư vì không có ngân hàng tài trợ, còn lại 3 dự án đã ký thì có 2 dự án: Diễn Châu – Bãi Vọt và dự án Nha Trang – Cam Lâm đang gặp nhiều khó khăn. Đến ngày 16/12/2021 những dự án không kỳ được hợp đồng tín dụng thì theo Luật đầu tư PPP thì dự án sẽ vô hiệu hoá.

Nút thắt thứ hai được ông Trần Chủng nêu là việc hoàn lãi vay. Theo đó, đầu tư cho công trình giao thông phải thu hồi vốn thông qua phí để tích luỹ lại để nộp lãi vay, nhưng thời gian thu hồi vốn của các dự án này lâu, những năm đầu doanh thu thấp, sau đó mới tăng dần nhưng phải trả lãi suất những năm đầu cao rồi giảm dần theo các năm.

“Bài toán này cần làm ngược lại để tránh cho nhiều dự án BOT đã làm đang gặp khó khăn, có nguy cơ phá sản”, ông Chủng kiến nghị và nhấn mạnh: “Nút thắt lớn nhất hiện nay là vốn, nếu không tạo ra môi trường vốn ổn định thì dự án PPP không “có cửa” để phát triển”.

Để giải quyết triệt để bài toán vốn, đại diện VARSI cho rằng, Nhà nước cần nghiên cứu để có chính sách phù hợp cho các dự án hạ tầng giao thông (giảm lãi suất các khoản vay, gia hạn thời gian, điều chỉnh phương án trả nợ gốc/lãi ngân hàng).

Mặt khác cần tạo cơ chế để nhà đầu tư dự án cao tốc hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư các dự án bất động sản đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch và nghỉ dưỡng, các cơ sở của hệ thống logistics được hình thành do chính con đường cao tốc tạo ra để có nguồn vốn ổn định cho dự án.

Ngoài những giải pháp này, ông Trần Chủng kiến nghị, tháo gỡ được rào cản khó khăn trong công tác tạo mặt bằng sạch cho dự án và tạo được chuyển biến, nên tách GPMB thành một dự án độc lập. Đồng thời, giao các địa phương thực hiện tiểu dự án GPMB, giao chỉ tiêu cụ thể, cấp vốn kịp thời và địa phương phải cam kết tiến độ bàn giao “mặt bằng sạch” đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự án.

4 vấn đề cần xử lý của lĩnh vực xây dựng

Đại diện cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết ngành xây dựng hiện đóng góp 8% GDP của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong duy trì, thúc đẩy tăng trưởng GDP của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, các doanh nghiệp xây dựng đang đối mặt với 4 vấn đề cần vượt qua: vốn; công nghệ; lao động; thị trường.

Theo ông Hiệp, lĩnh vực xây dựng cần tháo bỏ 4 nút thắt, trong đó có nút thắt về vốn.
Theo ông Hiệp, lĩnh vực xây dựng cần tháo bỏ 4 nút thắt, trong đó có nút thắt về vốn.

Vấn đề về công nghệ, ông Hiệp cho biết, cách đây 15-20 năm công nghệ của xây dựng Việt Nam hết sức lạc hậu, chúng ta chỉ làm thầu phụ cho nước ngoài. Hiện nay, vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đã thay đổi theo hướng làm chủ công nghệ. Năm 2019, Coteccons bằng tất cả công nghệ đã xây dựng được tòa Land Mark 81 tầng - nhà cao thứ 10 thế giới. Gần đây, Newteccons đã chủ trì xây dựng nhà máy Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát với quy mô cực kì lớn sản xuất thép làm ô tô với những máy móc, công nghệ tiên tiến.

Về vấn đề lao động, đặc thù ngành xây dựng Việt nam có tới 70% lao động nông nhàn, 25-30% doanh nghiệp có qua các trường lớp đào tạo, có bằng cấp. Đặc thù của lao động ngành xây dựng là lao động làm sao đáp ứng được sự phát triển của công nghệ mới là cả một vấn đề. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tự xây dựng các trường đào tạo của riêng mình. Chỉ một số doanh nghiệp lớn mới xây dựng được trường đào tạo.

Về vốn, ông Hiệp cho biết, nếu tính vốn đăng kí điều lệ 200 tỷ đồng trở lên là doanh nghiệp lớn thì hiện mới có 3% doanh nghiệp xây dựng là doanh nghiệp lớn, còn lại là doanh nghiệp nhỏ có vốn dưới 100 tỷ đồng. Đây là vấn đề khó trong cạnh tranh, phát triển của doanh nghiệp xây dựng.

Để tìm cách gỡ khó về vốn, ông Hiệp thông tin, Hiệp hội cố gắng động viên và xây dựng cơ cấu để doanh nghiệp có thể lên sàn niêm yết hay tiếp cận với các kênh huy động vốn để doanh nghiệp làm sao đạt được vốn khoảng 50-100 tỷ đồng và ở mức độ doanh nghiệp vừa.

Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng mình rất kỳ với sự hồi phục nền kinh tế trong quý IV/2021 cùng với chương trình khuyến khích, hỗ trợ của Chính phủ, Quốc hội với nền kinh tế nói chung, năm 2022, doanh nghiệp xây dựng sẽ phải tăng tốc thật nhanh. “Chúng tôi tin ngành xây dựng sẽ đáp ứng được và đóng góp cho GDP chắc chắn sẽ vượt qua năm 2021", ông Hiệp tin tưởng.

Có thể bạn quan tâm