Những thay đổi về chứng minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu vào EU
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) hiện tại của EU sẽ hết hiệu lực trong thời gian ngắn tới. Việc các nước EU rút lại quyền lợi GSP đối với một số ngành hàng sẽ tác động đến việc xuất khẩu các mặt hàng này sang EU của nhiều nước.
Đây là một thông tin mà rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đang quan tâm. Vậy từ ngày 1/1/2023, khi GSP hết hiệu lực, cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu vào EU, doanh nghiệp sẽ thực hiện như thế nào?.
Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, từ ngày 01/01/2023 cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa vào EU sẽ theo quy định và theo cơ chế chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA).
Cụ thể, đối với những lô hàng có trị giá từ 6.000 Euro trở xuống, doanh nghiệp sẽ thực hiện tự chứng nhận xuất xứ đối với những lô hàng đó, không cần phải có văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương. Được phép tự chứng nhận xuất xứ nên doanh nghiệp không cần phải có những mã số tương tự như là mã số chứng nhận thương nhân đăng ký để thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP (mã số REX) về đăng ký tự chứng nhận xuất xứ của EU…
Còn đối với những lô hàng trên 6.000 Euro doanh nghiệp sẽ thực hiện nộp bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu giấy chứng nhận xuất xứ của EVFTA (mẫu EUR.1) đối với các lô hàng xuất khẩu đi EU, bà Hiền thông tin.
Bà Hiền nhấn mạnh một điểm là không phải cứ hàng từ 6.000 Euro trở xuống thì bắt buộc phải tự chứng nhận xuất xứ, mà nếu doanh nghiệp vẫn muốn có chứng từ C/O EUR.1 thì doanh nghiệp vẫn nộp một bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ đối với những lô hàng dưới 6.000 Euro trở xuống, tương tự như hồ sơ mà đề nghị cấp đối với lô hàng trên 6.000 Euro.
Bà Hiền lưu ý là khi hàng hóa có giấy chứng nhận xuất xứ, hay là có những chứng từ tự chứng nhận xuất xứ thì không phải tại thời điểm nộp các chứng từ đó cho cơ quan Hải quan nước nhập khẩu đã là xong việc. Mà sau đó còn câu chuyện liên quan đến kiểm tra sau thông quan của bên Hải quan nước nhập khẩu. Đó là câu chuyện liên quan đến hậu kiểm.
Cho nên các doanh nghiệp có hệ thống lưu trữ chứng từ lưu ý, hồ sơ phải rất cẩn thận để đề phòng trường hợp sau này nếu như có xác minh xuất xứ, hoặc hậu kiểm thì chúng ta hoàn toàn có đầy đủ khả năng để mà chứng minh xuất xứ hàng hóa cho những lô hàng mà mình đã xuất khẩu.
Cần thực hiện đúng quy định để tận dụng ưu đãi từ EVFTA
Chia sẻ về một số vướng mắc của doanh nghiệp trong giai đoạn đầu thực thi EVFTA của các doanh nghiệp Việt Nam, bà Đặng Thị Hải Bình, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hoá và Sở hữu trí tuệ - Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan cho biết, thực tế doanh nghiệp gặp rất nhiều vướng mắc. Chúng tôi có nhận được phản ánh từ doanh nghiệp và các cơ quan Hải quan ở các địa phương về việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Bà Bình cho rằng, khi EVFTA được thực thi, các quy định luật pháp đều được luật hóa tại các văn bản pháp quy rất cụ thể, các cam kết của EVFTA đều được cụ thể hóa hết. Có thể do mới triển khai thực hiện, doanh nghiệp cũng đã chưa được tiếp cận, nên nhiều khi cũng không đáp ứng được các quy định.
Do đó, bà Bình đưa ra lời khuyên, trong lĩnh vực Hải quan doanh nghiệp cần lưu ý một số quy định để áp dụng hoặc tận dụng ưu đãi của hiệp định này.
Đầu tiên, doanh nghiệp cần xác định xem trường hợp hàng hóa, ví dụ là hàng hóa nhập khẩu thì hàng hóa đấy có thuộc trường hợp, đối tượng cần phải nộp chứng từ cho cơ quan Hải quan hay không. Một trong những trường hợp phải nộp đó là doanh nghiệp muốn được áp dụng mức thuế ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ hiệp định.
Như vậy để được áp dụng thuế ưu đãi đặc biệt trong EVFTA, doanh nghiệp cần phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng hóa nhập khẩu.
Trường hợp hàng hóa xuất khẩu không thuộc trường hợp phải nộp chứng từ Hải quan, doanh nghiệp cần xin Giấy chứng nhận xuất xứ hàng (C/O) theo quy định được cấp bởi cơ quan thẩm quyền để có thể gửi cho người nhập khẩu để được áp dụng ưu đãi đặc biệt.
Tuy nhiên bà Bình lưu ý là thông tin về xuất xứ hàng hóa là thông tin bắt buộc khai báo trên tờ khai xuất khẩu, mặc dù không phải nộp chứng từ này cho ngành Hải quan, nhưng đó là thông tin bắt buộc.
Bà Bình lưu ý thêm, trong EVFTA hàng xuất khẩu có thuế xuất khẩu ưu đãi, nhưng có thể doanh nghiệp của chúng ta chưa tận dụng được. Vì thế, có sự chênh lệch giữa thuế xuất khẩu ưu đãi và thuế xuất khẩu bình thường. Vì thế, để có thể được hưởng mức thuế chênh lệch đấy, doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị hồ sơ theo đúng quy định, là phải chú ý chứng từ hồ sơ cần nộp gồm những gì và thời hạn nộp hồ sơ trong khoảng thời gian nào đã được quy định rất rõ ở văn bản pháp quy.
Theo bà Bình, doanh nghiệp phải xác định rõ thời điểm nộp chứng từ hàng nhập khẩu vì mỗi hiệp định sẽ có các quy định khác nhau. Trong EVFTA hiện tại đang tạo ra thuận lợi nhất về thời điểm nộp là doanh nghiệp có thể nộp tối đa trong thời gian không quá hai năm, kể từ ngày đăng kí tờ khai nhập khẩu. Như vậy là doanh nghiệp có mốc thời gian rất dài.
Lưu ý tiếp theo bà Bình muốn nhấn mạnh, đó là doanh nghiệp khi nộp chứng từ này cho cơ quan Hải quan cần phải tìm hiểu kỹ quy định của EU và quy định Việt Nam là gì.
Nếu muốn chứng từ được chấp nhận và kiểm tra thì cần phải khai báo thông tin về chứng từ này trên tờ khai quan nhập khẩu và cũng lưu ý hình thức chứng từ này là gì?.
Đúc kết lại, bà Bình cho rằng doanh nghiệp cần phải đọc rất kỹ các văn bản pháp luật liên quan và thực hiện đúng các quyết định đã được hướng dẫn rất rõ.