Gyeong Ju - Nhật ký một chuyến đi

Một ngày đẹp trời tôi nhận được thư của Ha-Jea Hong - một dịch giả nổi tiếng, đã dịch một loạt các tác phẩm văn học của Việt Nam sang tiếng Hàn Quốc như: Chí Phèo của Nam Cao. Nỗi buồn chiến tranh của

Bức thư viết: “Từ mồng 2 tháng 10 đến 6 tháng 10. 2018 có chương trình hội thảo giữa nhà văn Việt Nam và nhà văn Hàn Quốc tại Gyeong Ju, Hàn Quốc.

Gyeong Ju cách sân bay Incheon 5 giờ xe chạy, đoàn nhà văn ăn sáng ở sân bay. Tôi chọn món cơm trộn cho an toàn và chắc dạ. Chiếc xe ô tô màu đỏ đun to uỳnh oàng 45 chỗ chỉ để chở đoàn nhà văn 8 người và 2 phiên dịch. Thời tiết rất đẹp, nắng rờ rỡ, se se lạnh.

Sự háo hức thưởng ngoạn vùng đất mới có gì đó thật thân thương nữa, cánh đồng lúa đang chín vàng trong nắng vàng trong veo, xa xa là sườn núi xanh. Hàng cây bên đường nhất loạt được mặc váy, chuẩn bị cho mùa lễ hội.

Lịch trình của buổi chiều ngày đầu tiên, 14h30 đến thăm thị trưởng thành phố. 13h mới lục tục nhận phòng. Đoàn đến chậm mất 30 phút, Thị trưởng không chờ được, Phó thị trưởng tiếp thay. Thân thiện và có vẻ nhún nhường đó là phong cách của quan chức Hàn Quốc tiếp khách? Hay chỉ với khách Việt Nam? Tôi rất vinh dự là nhà văn Việt Nam được đến Hàn Quốc những 4 lần. Tôi đã biết được câu trả lời, có lẽ do người Hàn luôn muốn gửi đến Việt Nam một lời xin lỗi.

Gyeong Ju là kinh đô của nước Silla xưa tại bán đảo Triều Tiên, ở đó có một nhà tưởng niệm Dongni - Mogwol. Dongni là tên nhà văn, Mogwol là tên nhà thơ xuất thân từ Gyeong Ju. Nhà tưởng niệm đó mỗi năm tổ chức hội thảo văn học một lần.

Ông Park Ri Won – Giám đốc nhà lưu niệm Dongni-Mogwol có nhiệm vụ đưa đoàn nhà văn Việt Nam đi tham dự các chương trình lễ hội, điều này khiến chúng tôi ngạc nhiên thích thú vì không được biết trước, những ngày chúng tôi ở đây trùng với ngày Quốc khánh của Hàn Quốc, nói:

- Mọi người có vẻ hứng thú chụp ảnh. Tôi sẽ đưa các bạn đến một nơi rất đẹp để các bạn chụp ảnh. Một công viên không lớn lắm, sát với một đồng lúa đang chín vàng. Trong công viên không nhiều cây, cỏ xanh mướt. Có một gò đất như một quả đồi con con tròn thoai thoải cả bốn phía, cỏ trên quả đồi cũng xanh mướt và đều tăm tắp. Nắng chiều xiên qua vòm cây. Bốn nhà văn nữ váy áo xúng xính mê mải chụp ảnh, khi đã thỏa cơn thích chụp ảnh mới hỏi về quả đồi con con kia.

Thì ra đó chính là lăng vua. Hỏi sao không lạ chứ? Cứ tha hồ tưởng tượng ra lăng vua theo trí mòn quen thuộc khi đã từng được chiêm ngưỡng những lăng tẩm đền đài lộng lẫy xa hoa. Tại sao lăng vua trên đất này giản dị đến vậy chứ, chỉ có đất và đất thôi sao? Nhưng là đất rồi thì trường cửu mãi mãi, đã là đất rồi thì có bao giờ bị sụp đổ và bị phá hủy như những đền đài lăng tẩm? Đã là đất rồi thì có bao giờ phải trùng tu? Đã là đất rồi thì sẽ không bao giờ phải sợ khi phải về với đất nữa…

Tôi xin cúi đầu ngưỡng mộ các vị vua ở đất này, thực là một lòng nghĩ đến hậu thế, để cho tất cả mọi người dân, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo mà cùng đến đây thăm lăng vua và thưởng thức một không khí thân ái nhất bên những cành cây ngọn cỏ.

Ánh chiều đã sắp khuất sau rặng núi xiên những tia nắng ấm áp qua hoa lau bên bờ ruộng lúa, hoa xuyến chi cũng đang xòe những cánh trắng rực rỡ cuối thu..

Đêm êm ru không bị xóc bởi mộng mị.

Ngày thứ hai

Buổi sáng càng rực rỡ hơn khi Ha-Jea Hong đưa cho tôi cuốn tạp chí in "I am Đàn bà" được dịch sang tiếng Hàn, người dịch chính là Ha-Jea Hong, trong đó có phong bì bản quyền tác giả. Đoàn nhà văn đi thăm Phật quốc tự. Ngày nghỉ lễ nên khá đông người đến thăm chùa. Ở đây không có ông thiện và ông ác mà có bốn ông: Đông, Tây, Nam, Bắc. Dưới chân bốn ông kẹp bốn con quỷ, với ý nghĩa rằng, người xấu sẽ không đi qua được đây. Trong Phật quốc tự có nhiều bảo vật quốc gia được đánh theo số. Một trong số bảo vật quốc gia là một tháp nhỏ bằng đá, trong đó đặt xá lợi của một vị sư. Khi chiến tranh, bị Nhật chiếm đóng, người Nhật đã mang bảo vật này về Nhật. Kết thúc chiến tranh Hàn Quốc đã đàm phán để đòi lại.

Các sư đang hành lễ bên trong, người đến lễ chỉ thành tâm đứng phía ngoài chắp tay niệm phật. Tịnh không có một ai cầm tiền dứ dứ rồi ấn vào tay Phật hay đặt lên ban thờ như ở ta. Nhưng vẫn có các bàn để phúng tiền công đức.

Nước trong vắt chảy ra từ các mạch núi, có thể uống trực tiếp với lời đồn rằng có thể chữa được bách bệnh. Nước lạnh và để lại vị ngọt lưu lại ở cuống họng.

Rồi thì người ta cũng tìm ra được một con vật linh thiêng, đó là một chú ỉn, nhiều người xoa vào lưng chú để cầu may khiến cho lưng chú nhẵn thín.

Sau khi thăm chùa, đoàn đến thăm nhà lưu niệm Dongni-Mogwol. Ở Hàn Quốc có 80 hội lưu niệm các nhà văn, nhà thơ, hội lưu niệm Dongni-Mogwol là lớn nhất. Hàng năm hội đồng hội lưu niệm Dongni-Mogwol sẽ tìm ra một tác phẩm văn chương để trao giải, giá trị giải thưởng lên đến 63.000 USD.

Chủ tịch Hội lưu niệm Dongni-Mogwol là nhà thơ Joo Han Tea, ông tặng chúng tôi cuốn thơ ông vừa xuất bản. Ông cũng đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ của ông. Chúng tôi uống trà ăn bánh ngọt và trò chuyện. Một cảm giác ấm cúng và thân thuộc như trong ngôi nhà của mình. Sau đó chúng tôi vào phòng chiếu phim để xem hai bộ phim tài liệu về cuộc đời của nhà văn Dongni và nhà thơ Mogwol. Sau cùng chúng tôi mới xem hiện vật. Xem rồi cũng có chút chạnh lòng dẫu biết rằng bì phấn mới vôi..

Trong cùng khuôn viên với nhà tưởng niệm chúng tôi được đi thăm nhà tưởng niệm 10 người đàn ông nổi tiếng đã mang tôn giáo và văn hóa đến cho nền văn hóa Silla rực rỡ. Ngay bên cạnh là nhà bảo tàng nhỏ về thời Silla, 155 vị vua đã có công xây dựng và phát trển nước Silla rực rỡ. Gyeong Ju là kinh đô của nước Silla, người ta gọi đây là thủ đô của những lăng vua, có cả thảy 155 lăng vua, trong đó có một lăng vua được táng dưới đáy đại dương. Trên thế giới khi khai quật những ngôi mộ vua người ta tìm được 9 vương miện của vua được táng theo thì ở riêng Gyeong Ju tìm được 6 vương miện. Những ngôi mộ vua đã thành những công viên nhỏ với thảm cỏ xanh mướt và cây cối tốt tươi. Những công viên nhỏ ghép thành một công viên lớn, đi trong thành phố Gyeong Ju bạn sẽ có cảm giác như đang đi trong công viên vậy.

Buổi chiều chúng tôi đi thăm hang động Seokguram, trong đó đặt một pho tượng Phật lớn. Truyền thuyết kể lại rằng, có một vị tể tưởng đã xây hang động và pho tượng phật này để tưởng nhớ cha mẹ kiếp sau của ngài. Khi ngài được sinh ra thì trong lòng bàn tay của ngày đã viết cái tên ở kiếp trước. Khi chúng tôi đến pho tượng phật đang được trùng tu, vì để trong hang núi bị nước thấm nên pho tượng có nguy cơ bị hỏng. Chúng tôi chỉ được đứng từ xa chiêm ngưỡng ngài.

Đoàn chúng tôi tham gia Lễ khai mạc của Lễ hội văn hóa Silla. Xe ô tô đã để chật cứng hai bên đường nên chúng tôi phải đi bộ một đoạn khá dài. Trời bắt đầu lạnh. Dòng người đổ về xem lễ hội ngày một đông.

Chúng tôi được đưa vào nơi dành cho khách vip, được đi trên chiếc cầu mà trước đây chỉ dành cho vua, quan. Chiếc cầu này mới được trùng tu và nay lần đầu mở cửa trở lại.

Đoàn nhà văn Việt Nam được giới thiệu trân trọng và ra sân khấu chào khán giả trước khi đi xuống hàng ghế dành cho đoàn. Sau những lời phát biểu là đêm nghệ thuật được dàn dựng rất công phu. Mở đầu là một vở kịch hát về cuộc đời một vị chân tu đã có công với nước.

Chia tay lễ hội, 9 giờ đêm nhà văn Bang Hyun Suk mời mọi người đi bữa tiệc thứ hai, bốn nhà văn nữ và chỉ có Trần Quang Đạo tham gia với các nhà văn nhà thơ Hàn Quốc.

Tôi, Thùy Dương và Trần Quang Đạo đã thân quen với nhà văn Bang Hyun Suk từ những năm 2004 khi ông làm hội trưởng hội những nhà văn trẻ Hàn Quốc muốn tìm hiểu Việt Nam. Mùa hè năm 2004 đoàn nhà văn Việt Nam đã sang thăm Hàn Quốc và nhà văn Bang Hyun Suk thiết kế cho đoàn những chuyến đi, gặp gỡ, trải nghiệm rất tuyệt. Sau đó cuốn tiểu thuyết “Thời gian ăn tôm hùm” của ông được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Hiện nay ông là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Chung Ang.

Những kỷ niệm cứ tràn ra, tiếng cười âm lượng cao như muốn vỡ quán. Nhà văn Bang Hyun Suk nói, bây giờ, những nhà văn trong Hội nhà văn trẻ tìm hiểu Việt Nam không còn trẻ nữa nên chúng tôi bỏ chữ trẻ rồi. Và vì vậy, nên tôi vẫn làm hội trưởng!

Nhà thơ Kim Tea Soo từng là một người lính đánh thuê ở Việt Nam, hiện ông là thành viên ban cố vấn kiêm Giám đốc của Hội nhà văn Hàn Quốc, Hội trưởng Hội nhà văn Usan, đọc bài thơ “Lá thư mùa đông” của Hữu Thỉnh. Một bài thơ khiến tôi rất ấn tượng.

“.. Chúng tôi mấp máy môi nói một lời nông cạn.

Vẫn biết là vô liêm sỉ khi cầu xin sự giải hòa... Những chiến sỹ của anh đã chết không nhắm mắt nơi chiến trường kinh hoàng ấy”...

Ngày thứ ba

Mọi người ăn vận đẹp, nữ áo dài và nam comple. Hôm nay là ngày hội thảo chính thức. Đích thân thị trưởng thành phố đến tham dự, tỉnh cũng cử người đại diện đến đọc lời chào mừng.

Các tham luận đã được in đầy đủ trong kỷ yếu bằng tiếng Việt và tiếng Hàn. Theo kế hoạch 12h10' nghỉ để ăn trưa nhưng 12 giờ mới đến lượt tôi trình bày tham luận. Đã có kinh nghiệm của các cuộc hội thảo tôi tự rút ngắn bản tham luận của mình. Phía dưới hội trường mọi người vẫn im lặng và chăm chú đọc các bản tham luận. Tôi thật sự ngưỡng mộ sự nghiêm túc của các nhà văn, nhà thơ Hàn Quốc.

Kết thúc bài tham luận tôi nói:

- Có một nhà văn Nga đã viết cuốn tiểu thuyết với tên gọi “Chiến tranh mang gương mặt đàn bà" nhưng cuộc chiến tranh ở Việt Nam mang gương mặt trẻ thơ. Đó là một thần đồng thơ, anh ấy đang có mặt trong khán phòng này. Tôi sẽ hát cho các bạn nghe bài hát “Hạt gạo làng ta của anh ấy”.

Dù bụng rỗng nên có lúc hơi hụt hơi tôi vẫn véo von bằng một giọng cao vút. Tràng pháo tay vang khán phòng, ròn rã hơn bất kể bàn tham luận nào. Khi tôi cúi chào thì MC là nhà văn Bang Hyun Suk yêu cầu tôi dừng lại trên sân khấu và muốn tôi hát tiếp bài "Triệu đóa hồng". Tôi đồng ý. Và một tràng pháo tay thật ròn rã kéo dài. Một ý nghĩ lóe trong đầu, nếu có kiếp sau tôi sẽ làm ca sỹ.

Nhiều người đến bắt tay tôi và nói tôi hát rất hay, có người còn hát bài "Triệu đóa hồng" bằng tiếng Hàn. Từ sáng chỉ có một nhà văn nói với tôi, ông rất thích truyện ngắn "I am Đàn bà" của tôi và chúc mừng tôi vì điều đó. Có lẽ do mọi người chưa đọc thôi, ý là tôi hi vọng thế.

Có một nhà thơ nhờ phiên dịch nói với tôi rằng:

- Khi bà hát bài Hạt gạo làng ta, có một chị nhà thơ nữ đã khóc nức nở.

- Tôi đã sang Việt Nam và đã biết về cuộc chiến tranh chống Mỹ. Tôi rất xúc động về bài hát.

Thì đấy! Thêm một bằng chứng nữa về việc nếu có kiếp sau dứt khoát tôi sẽ làm ca sỹ, dù chỉ là ca sỹ quèn.

Buổi tôi chúng tôi lại được đi xem chương trình nghệ thuật. Lần này chúng tôi chuẩn bị khăn áo cẩn thận để không bị rét nữa. Ông Park còn chu đáo đưa cho chúng tôi chiếc khăn ấm như cái chăn để đắp chân. Chúng tôi xem hết cả chương trình ca nhạc của các ca sỹ trẻ. Trang phục của họ giản dị với gam màu trầm. Họ hát nhiệt tình và tất cả đều phải hát thêm mà không hề “chảnh” tí nào. Chúng tôi và khán giả dường như phiêu cùng đêm nhạc.

Ngày thứ tư

Thời tiết không còn đẹp nữa, bầu trời đen thẫm, mưa nặng hạt. Nơi khác có bão và Gyeong Ju bị ảnh hưởng. Buổi sáng đi tham quan bảo tàng. Ông Park mua cho mỗi người một chiếc áo mưa mỏng. Chúng tôi bì bõm trong mưa cùng dòng người đổ vào bảo tàng. Rất đông các em học sinh đủ mọi lứa tuổi. Vào bảo tàng không cần vé. Học sinh có giáo viên đi kèm, chúng được học theo chuyên đề và phải nộp bài thu hoạch cho giáo viên ngay tại bảo tàng. Điều này khiến chúng phải chăm chú nghe thuyết minh và xem cẩn thận các hiện vật.

Lại một ý nghĩ lóe trong đầu, tại sao ở ta không học cách này từ các nước? Những bảo tàng chục tỷ nằm đắp chiếu vì không có khách tham quan? Trong khi chúng ta có gần 20 triệu học sinh, sinh viên và các thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên của ngành giáo dục. Hàng năm tất cả các trường từ tiểu học trở lên đều phải có chương trình tham quan dã ngoại. Trong khi các điểm dã ngoại khá nghèo nàn, nên cứ đi rồi lại đi lại. Tại sao không có các tiết học trong bảo tàng?

Buổi trưa mưa vẫn không ngớt. Chúng tôi vào một nhà hàng ăn trưa. Một thanh niên trẻ phục vụ đưa các món ăn cho khách. Tôi vẫn nghĩ đó là một thanh niên Hàn Quốc, bởi không có sự khác biệt nào, cho đến khi cậu đánh rơi hộp cơm. Tôi buột miệng câu tiếng Việt, không sao đâu, cậu bèn lẽn trả lời, vâng ạ. Chúng tôi bèn hỏi chuyện cậu:

- Cháu sang đây lâu chưa?
- Dạ mới được mấy tháng.
- Cháu sang đây làm việc à?
- Cháu đi học tiếng. Ngoài giờ học đi làm thêm ạ.
- Mỗi tháng được nhiều tiền không?
- Dạ khoảng 40 triệu ạ

Chúng tôi không hỏi sâu vào vấn đề vì đều biết trước câu trả lời, rằng, cậu bé chẳng có thời gian để đi học nữa khi một tháng phải làm việc để kiếm 40 triệu.

Buổi chiều chúng tôi đi thăm ngôi nhà, nơi nhà thơ Mogwol được sinh ra và sống những ngày thơ ấu. Ngôi nhà ở lọt thỏm giữa đồng lúa và vườn cây. Hai cô gái trẻ là nhân viên của nhà lưu niệm đón chúng tôi. Chúng tôi uống trà nóng và ăn một loại bánh là đặc sản của Hàn Quốc.

Vẫn còn nguyên vẹn chiếc cối giã gạo của đầu thế kỷ trước. Giống y chiếc cối giã gạo của ta. Có một điểm khác đấy, đó là người đứng giã gạo của ta mặt hướng theo nhịp chày lên xuống. Người Hàn thì quay lưng lại, hướng mặt ra phía sân thoáng đoãng tầm nhìn. Điều này có lẽ chỉ một vài người như tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, đã từng giã gạo mới biết.

Khi đứng giã gạo phải có cái để vịn, chứ không thể đứng chông chênh, rất dễ mất đà, ngã. Vì thế phía bên tay phải có chăng một sợi dây thừng đúng tầm tay với, dọc với thân của cối giã. Người đứng giã gạo sẽ lấy tay phải nắm vào sợi dây thừng đó. Cối giã gạo của người Hàn Quốc xưa lại chăng sợ dây thừng phía đuôi của cối giã gạo, chăng ngang chứ không chăng dọc. Người đứng giã gạo có thể nắm cả hai tay vào sợi dây thừng , rồi dùng lực của chân thò xuống để giã.

Ngôi nhà rất nhỏ, nền bằng đất, ở đầu hồi phía trái, dưới sàn khoét một cái bếp vuông khoảng 40cm2, mùa đông sẽ đốt củi ở đó, lửa sẽ làm không khí nóng lên theo ống dẫn dưới nền nhà, sưởi ấm cho các căn phòng. Mái lợp bằng rạ dày 40 phân đua ra che hàng hiên..

Giàn bầu đã tàn, quả đợi khô để làm bầu đựng rượu. Hoa bướm ngoài vườn lả tả theo mưa. Cái chòi giữa vườn đã ghìm chân chúng tôi thật lâu. Chúng tôi đã kịp đọc thơ cho nhau nghe và nói về các chuyến đi trong tương lai. Không có ai muốn đứng lên để về. Không khí thật dễ chịu, mùi ngái ngái của đất, của lá mục. Có lẽ từ lâu chúng tôi không được ngửi mùi hương đó.

Trong khu nhà lưu niệm này có một thứ to cao lừng lững, bởi chính vì nó mà những thứ nhỏ bé giản dị kia bỗng thành bảo vật. Đó chính là bức tượng đồng to bằng người thật của nhà thơ Mogwol và tảng đá đen khắc bài thơ của ông.

Thời gian đủ lâu cho chúng tôi đi theo sự lãng mạn của mình, từ đầu thế kỷ trước lại đây. Chỉ tiếc chúng tôi chưa được đọc các bài thơ của ông, ông Mogwol ạ. Có thể hẹn ông lần sau được không?

Buổi tối mưa đã nhẹ hạt. Một bữa tiệc chia tay bằng thịt nướng. Và những hẹn hò nhau bằng thời gian này sang năm tại Hà Nội.

Ngày thứ 5

Rời hotel K, mưa vẫn nặng hạt. Hàng cây mặc váy tiễn chúng tôi hơn 2 cây số. Đến gần Incheon nắng bừng lên. Bữa trưa vẫn ăn ở trong sân bay. Tôi chọn món mì tương đen, tôi hãi món cơm trộn, mà vẫn thò thìa sang nồi của Thùy Dương để xúc vài miếng. Rõ ràng cơm trộn ngon hơn hôm trước, nóng rãy, hạt cơm săn cháy cạnh... Có nhẽ món cơm trộn của tôi hôm đầu tiên đặt chân đến đất Hàn vì đông khách nên họ chưa kịp bỏ vào lò chăng?

Có thể bạn quan tâm