Hạ nhiệt “cơn sốt” đất nền, TP.HCM siết chặt việc tách thửa

Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đang được cho là nguyên nhân gây nên cơn sốt đất tại TP.HCM trong thời gian gần đây.
Hạ nhiệt “cơn sốt” đất nền, TP.HCM siết chặt việc tách thửa

Quyết định 33/2014/QĐ-UBND của UBND TP.HCM quy định khá chặt chẽ về các trường hợp tách thửa, phân lô đất. Thế nhưng, thời gian qua tình trạng phân lô bán nền, tách thửa diễn ra tràn lan, hậu quả là nhiều khu dân cư nhếch nhác, hạ tầng không đồng bộ hình thành.

Ồ ạt ở vùng ven

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở TNMT TP.HCM, sau 18 tháng Quyết định 33 của UBND TP có hiệu lực, toàn thành phố có hơn 4.100 trường hợp tách thửa và chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở. Việc này diễn ra ồ ạt ở những quận, huyện vùng ven, nhiều nhất là quận Thủ Đức, quận 9, quận Bình Tân và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh.

Lãnh đạo một công ty bất động sản trên địa bàn TP.HCM cho rằng, không thể phủ nhận mặt tích cực của Quyết định 33 về việc phân lô tách thửa trong việc giúp người dân có nhu cầu thực tiếp cận được với nhà ở với giá vừa túi tiền. Tuy nhiên sau thời gian triển khai Quyết định 33, tình trạng phân lô bán nền nhỏ lẻ, tràn lan, không đúng quy hoạch, hạ tầng không đủ chuẩn, kết nối không đồng bộ... đã tạo sức ép và gánh nặng cho địa phương về hạ tầng xã hội cũng như chất lượng sống của người dân bị ảnh hưởng.

“Ở góc độ của một doanh nghiệp, chúng tôi ủng hộ tinh thần và chủ trương của Quyết định 33. Tuy nhiên để việc triển khai thực hiện thực sự có hiệu quả và phù hợp với thực tế thì nên có quy định về diện tích tối thiểu, có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với trách nhiệm của chủ đầu tư về chất lượng hạ tầng và hồ sơ pháp lý” – Doanh nghiệp này cho biết.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, việc phân lô, bán nền đang có những diễn biến bất thường, những quận vùng ven và ngoại thành đang lên cơn sốt đất nền. Chủ thể tạo ra cơn sốt này chính là giới đầu nậu và “cò” đất, sở dĩ họ lộng hành được vì có cái “lỏng” trong thực hiện Quyết định 33.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP đề nghị lãnh đạo UBND TP.HCM thông tin chính thức có hay không việc sẽ chia tách, sáp nhập, nâng cấp một số huyện lên quận… để hạ nhiệt cơn sốt đất vùng ven. Biện pháp để khắc phục là TP sớm ban hành quyết định sửa đổi hoặc thay thế Quyết định 33.

Chặn đứng cơ hội trục lợi

Ông Huỳnh Văn Thanh - Trưởng phòng Quản lý sử dụng đất, Sở TNMT TP.HCM cho biết, Quyết định 33 quy định diện tích tối thiểu được tách thửa giữa đất ở đã có nhà hiện hữu và đất chưa có nhà là khác nhau. Tuy nhiên, quyết định này không nói rõ loại đất ở đã có nhà hiện hữu là như thế nào. Chính điểm này được các chủ đất vin vào để tách thửa.

Để khắc phục tình trạng trên, “Dự thảo quy định thay thế Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa” quy định rõ đất ở có nhà hiện hữu phải là nhà ở được hình thành từ trước ngày Quyết định 33 có hiệu lực, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc đủ điều kiện để được công nhận quyền sở hữu nhà ở.

Với trường hợp chủ đất (đất thuộc sở hữu chung) “lách” bằng cách kiện ra tòa đòi phân chia đất, dự thảo quy định bản án, quyết định của tòa án, quyết định của cơ quan thi hành án được ban hành kể từ sau ngày quyết định thay thế Quyết định 33 có hiệu lực thi hành, trong đó có phân chia thửa đất, thì diện tích thửa đất hình thành sau khi phân chia phải đảm bảo diện tích tối thiểu quy định tại quyết định này.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai – địa điểm nóng về việc phân lô bán nền đã ban hành quyết định tạm ngưng giải quyết hồ sơ tách thửa đất trên địa bàn, chờ ban hành quy định mới nhằm hạn chế tách thửa đất, sang nhượng tràn lan khó quản lý trong xây dựng.

Lãnh đạo tỉnh này tiết lộ: “Lâu nay ở nhiều phường, xã chính quyền còn “du di” trong quản lý xây dựng dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép xảy ra tràn lan. Thời điểm tỉnh chưa tạm ngưng giải quyết hồ sơ tách thửa, có những tháng văn phòng đăng ký đất đai các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa nhận đến cả chục ngàn hồ sơ xin tách thửa”.

Tại buổi làm việc với Sở TNMT TP.HCM mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cho biết mặc dù Quyết định 33 sửa đổi chưa ban hành chính thức nhưng kỳ này được chuẩn bị rất công phu. Quyết định mới vừa giải quyết được một số việc mà Quyết định 33 cũ chưa làm được và cũng khắc phục được những hạn chế, những cái bị “lợi dụng” của quyết định trước đây.

Ông Khoa cho biết, TP sẽ tiếp tục bàn bạc, thảo luận các giải pháp nhằm "tiêu diệt" trục lợi từ phân lô hộ nhỏ lẻ trước khi "chốt" và ban hành chính thức.

Ông Khoa gia hạn thêm 7 ngày để các đơn vị liên quan, đặc biệt là các quận, huyện vùng ven và ngoại thành rà soát lại lần nữa nhằm góp ý, nêu được chính kiến trước khi ban hành quyết định sửa đổi hoặc thay thế Quyết định 33. "Dứt khoát không để tình trạng, sau khi ban hành xong, thì đổ thừa cho cái này chưa rõ, cái kia bị vướng... và các “đầu nậu” về đất, nền lại có kẻ hở thao túng, trục lợi", ông Khoa nói.

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…