Tính đến 30/6, trên địa bàn thành phố có 18 doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp. Mặt hàng kinh doanh theo phương thức đa cấp gồm: Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng, trong đó thực phẩm chức năng là mặt hàng có số lượng doanh nghiệp tham gia kinh doanh nhiều nhất, với trên 80% số doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh đa cấp.
Cũng theo báo cáo trên, trong 6 tháng qua, Sở Công Thương đã tiếp nhận 106 lượt hồ sơ thông báo về việc tổ chức 129 hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tại Hà Nội, trong đó, có 15 hội nghị, hội thảo, đào tạo đã xin hủy không tổ chức.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hội nghị, hội thảo... được khuyến cáo chuyển sang hình thức trực tuyến hoặc tạm dừng theo các chỉ đạo của thành phố.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, mặc dù lực lượng chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ, các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp được sửa đổi theo hướng thắt chặt quản lý, tuy nhiên, vẫn chưa kiểm soát được những hình thức lách luật tinh vi của việc bán hàng đa cấp. Do đó, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục siết chặt kinh doanh đa cấp trên địa bàn thành phố.
Do đặc thù của hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia rộng khắp tại các tỉnh, thành phố trên cả nước; được phát triển và quản lý theo từng cá nhân bán hàng; hình thức hoạt động chủ yếu là truyền miệng hoặc quảng cáo trên mạng xã hội dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, giám sát.
Đến nay, bán hàng đa cấp bất chính để trục lợi đã được kiềm chế, không hoạt động manh động công khai như trước, nhưng mạng lưới hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó kiểm soát…