Các dự án nhà ở, khu đô thị này đều đang triển khai theo Kế hoạch phát triển nhà ở TP.Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Được biết, hiện nay, nguồn cung sản phẩm bất động sản tại Thành phố Hà Nội vẫn ở mức thấp, chủ yếu từ các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ trước. Các dự án đầu tư mới được chấp thuận cũng chỉ một vài dự án đấu giá đất với quy mô nhỏ.
Trong 219 dự án nhà ở, khu đô thị của thành phố có 140 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, tương ứng gần 41,5 triệu m2 sàn nhà ở, 221.507 căn hộ; 48 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, tương ứng gần 2,9 triệu m2 sàn nhà ở, 3.900 căn hộ; 21 dự án nhà ở tái định cư với khoảng 817.700m2 sàn nhà ở, 10.232 căn hộ và 10 dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố - ông Dương Đức Tuấn, thời gian qua, chính sách tín dụng siết chặt, giá nguyên vật liệu tăng cao... đã đẩy giá thành sản phẩm bất động sản tăng theo, giá tăng trên 10%.
Bên cạnh đó, một số vướng mắc về thủ tục đầu tư, pháp lý khiến các chủ đầu tư dự án, nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tham gia thị trường. Theo đó, năm 2022, nguồn cung bất động sản thông qua các dự án nhà ở trên địa bàn TP.Hà Nội có sự sụt giảm rõ rệt: Giảm khoảng 24% số lượng căn hộ và giảm khoảng 56% diện tích sàn xây dựng.
Cụ thể, trong năm 2022, thành phố có khoảng 15.100 căn hộ chung cư được mở bán tại Hà Nội, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2021. Lượng căn bán được trong năm 2022 đạt 16.600 căn, trong đó có 65% số căn bán được trong năm được ghi nhận vào nửa đầu năm 2022.
Để nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, TP.Hà Nội kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất giải pháp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.
Đồng thời có giải pháp hạ lãi suất vay vốn để tạo sự cạnh tranh với các kênh đầu tư khác; sửa đổi các quy định về việc xác định tiền sử dụng đất, thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.