Đảm bảo diện tích nhà ở 29,5m2 sàn/người
Trong đó, nhà ở xã hội 1,25 triệu m2, nhà ở tái định cư 560.000 m2, nhà ở thương mại 19,69 triệu m2 và nhà ở riêng lẻ 22,5 triệu m2. Nâng diện tích nhà ở bình quân toàn Thành phố đạt 29,5 m2 sàn/người; tỷ lệ diện tích nhà ở cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội phải đạt tối thiểu 30% tổng diện tích sàn.
Theo lãnh đạo TP. Hà Nội, năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ra nhiều khó khăn cho các hoạt động kinh tế - xã hội nói chung và thị trường BĐS nói riêng, nhưng công tác phát triển nhà ở trên địa bàn TP. Hà Nội tiếp tục được đẩy mạnh.
Đến cuối năm 2021 đã hoàn thành 12 dự án với 545.895m2 sàn, tương đương 5.022 căn hộ chung cư và 469 căn nhà riêng lẻ; cấp 12.191 giấy phép xây dựng, tương đương 4,9 triệu m2 sàn.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển 31,5 triệu m2 sàn nhà ở (gồm cả nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, tái định cư...). Tuy nhiên, kết quả thực hiện vượt mục tiêu đề ra, đạt 34,8 triệu m2 sàn nhà ở. Trong đó, nhà ở xã hội kêu gọi đầu tư phát triển 69 dự án với khoảng 4,3 triệu m2 sàn.
Ngoài ra, Hà Nội đang triển khai 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung, cung cấp hơn 2 triệu m2 sàn phục vụ nhu cầu của người dân. Về nhà ở thương mại, có 335 dự án, gần 21 triệu m2 sàn (đạt 102,2% kế hoạch). Đối với nhà ở tái định cư, hoàn thành 37 dự án, khoảng 1,6 triệu m2 sàn (đạt 135% kế hoạch)...
Hiện nay, Sở Xây dựng Hà Nội vẫn đang nghiên cứu, điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở căn cứ vào một số chỉ tiêu trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó sẽ xác định rõ vị trí, khu vực, diện tích đất phục vụ phát triển nhà ở và đặc biệt là việc huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế.
Theo kế hoạch, TP. Hà Nội sẽ lựa chọn 5 khu chung cư cũ để thí điểm cải tạo, xây dựng lại. Tiếp tục rà soát quỹ đất hình thành các dự án, khu nhà ở xã hội; sử dụng nguồn tiền thu được từ giá trị quỹ đất 20%, 25% trong khu đô thị, khu nhà ở thương mại để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua; tập trung đôn đốc triển khai dự án nhà ở thương mại, nhà ở tái định.
Dù vậy, đánh giá về quy hoạch nhà ở trên địa bàn TP. Hà Nôi, các chuyên gia cho rằng vẫn còn thực trạng chênh lệch, chưa đồng đều.
Trong khi nhà ở thương mại vượt mục tiêu đề ra, đạt gần 20,42 triệu m2 sàn, vượt hơn 1,14 triệu m2, nhưng nhà ở xã hội (nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên), đặt mục tiêu phát triển 6,22 triệu m2, nhưng kết quả thực hiện 1,25 triệu m2. Tương tự, nhà tái định cư, mục tiêu phát triển 1,2 triệu m2 chỉ thực hiện được 371.000m2.
Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Trang thông tin điện tử của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thông tin, sau 10 năm triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chỉ tiêu bình quân sàn nhà ở/người tại khu vực nông thôn đã đạt vượt mục tiêu đề ra (đến năm 2030), trong khi chỉ tiêu bình quân sàn nhà ở/người tại khu vực đô thị mới chỉ tăng khoảng 1,2m2/người, chưa đảm bảo mục tiêu.
Do đó, bên cạnh sự nỗ lực và quyết liệt từ phía chính quyền nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư, TP Hà Nội cũng sẽ xem xét trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung tới đây để có giải pháp căn cơ, phát triển nhà ở cùng với nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Theo đó, TP Hà Nội sẽ cân đối lại Chương trình phát triển nhà ở theo hướng giảm tại khu vực trung tâm, tăng tại các khu vực phát triển mới, đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái, đảm bảo mục tiêu thu hút dân cư ra khỏi khu vực các quận. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở hiện đại, thuận tiện gắn kết với nơi làm việc mới (khu công nghiệp, khu công nghệ cao).
Để đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng nhà ở cho người dân Thủ đô, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho hay, Hà Nội đang nỗ lực đẩy nhanh cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ trong giai đoạn 2021 - 2025 gồm: 6 khu có tính khả thi (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân) và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp). Dự kiến đối với khu chung cư cũ này hoàn thành kiểm định và lập quy hoạch chi tiết xong trong quý IV/2022 thì có thể tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trong quý I/2023, dự kiến khởi công trong quý II/2023.
Đại diện Phòng Phát triển đô thị - Sở Xây dựng TP Hà Nội thông tin, bên cạnh việc rà soát các thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, cấp phép, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch..., thành phố sẽ tập trung rà soát quỹ đất, đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phát triển nhà ở.
Đối với các dự án chậm triển khai, thành phố sẽ thu hồi; đồng thời cân đối nhu cầu, cơ cấu các loại hình nhà ở để phân bổ phù hợp từng khu vực dân cư, tránh tình trạng tập trung quá cao một loại hình nhà ở trên một khu vực.
Hà Nội cũng sẽ tăng cường thẩm định, kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng nhà ở và tỉ lệ nhà chung cư, nhà ở cho thuê đúng mục tiêu kế hoạch. Định kỳ hằng năm, Hà Nội sẽ đánh giá kết quả nhằm bảo đảm phù hợp nhu cầu thực tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển nhà ở của thành phố.