Theo báo cáo của Savills, trong quý I/2017, nguồn cung căn hộ ở Hà Nội có chiều hướng tăng khi có 14 dự án mở bán mới và 21 dự án mở bán thêm đều là dự án thuộc phân khúc hạng B và hạng A, cung cấp khoảng 9.220 căn hộ, giảm 10% theo quý nhưng tăng 39% theo năm.
Con số này giúp nâng tổng nguồn cung sơ cấp lên 24.160 căn, tăng 12% theo quý và 49% theo năm và nâng nguồn cung thứ cấp đạt 156.940 căn trên toàn thị trường.
"Cũng theo Savills, đã có khoảng 6.520 căn hộ được giao dịch thành công trong quý 1, giảm 2% theo quý nhưng tăng 16% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ cũng giảm 4% theo quý và giảm 8% theo năm, xuống chỉ còn 27%, do nguồn cung lớn.
Mặc dù căn hộ hạng B vẫn đang có sức tiêu thụ mạnh nhất nhưng với nguồn cung sơ cấp lên tới hơn 2,4 vạn căn thì số lượng căn hộ hạng B còn tồn kho cũng rất lớn, ước chừng khoảng 1 vạn căn, tương đương 41,6% tính đến thời điểm cuối tháng 3/2017.
Trong khi đó, căn hộ hạng A lại có tỷ lệ hấp thụ cao nhất trong 3 hạng; riêng trong quý vừa qua đã bán được 1.000 căn, tương đương 50% nguồn cung.
Savills dự báo trong năm 2017 sẽ có khoảng 40.800 căn hộ sẽ gia nhập thị trường, phần lớn là căn hộ hạng B từ các quận ở khu Tây như: Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Thanh Xuân.
Tuy nhiên, lượng giao dịch tại các quận khu vực phía Tây, đặc biệt là Cầu Giấy và Thanh Xuân đang có sự suy giảm do khách hàng lo ngại về sự quá tải của hạ tầng giao thông.
Hiện theo các chuyên gia BĐS, thị trường địa ốc nội đô Hà Nội hiện nay "không còn chỗ" cho các dự án căn hộ hạng C, thấp nhất cũng là hạng B bởi quỹ đất đã cạn kiệt.
Các dự án cấp mới của các đại gia bất động sản gần đây đều thuộc phân khúc nhóm A và B. Kỳ vọng cuối cùng của phân khúc căn hộ hạng C là ở các dự án cải tạo chung cư cũ ở Giảng Võ, ở Bạch Mai và một số khu thuộc quận Hai Bà Trưng.
Và cũng do nguồn cung ít, do đó người dân Hà Nội dù có mức thu nhập trung bình thấp hơn TPHCM nhưng vẫn phải gom góp tiền mua các dự án BĐS có mức giá cao.