Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Bùi Duy Cường, đối với các dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, qua rà soát, kiểm tra 135 dự án cho thấy, Thành phố có 11 dự án đang triển khai theo tiến độ đã được phê duyệt, phê duyệt; 12 dự án đề nghị loại bỏ khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh, nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND Thành phố; 38 dự án đã chấm dứt hoạt động dự án theo quy định; có 74 dự án đã được UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý.
Đối với các Dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, qua rà soát, kiểm tra 404 dự án cho thấy: Có 96 dự án với diện tích trên 290 ha đất, sau thanh tra chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các tồn tại đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm tiến độ, dự án chậm triển khai; có 29 dự án với tổng diện tích trên 1.800 ha đất, kiến nghị trình UBND Thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất.
Ngoài ra, có 60 dự án với tổng diện tích 95 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND Thành phố quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng (Chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng). UBND Thành phố đã xác định số tiền tương ứng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với thời gian gia hạn 24 tháng với tổng số tiền trên 209 tỷ đồng.
Trong nhóm dự án này còn có 63 dự án với tổng diện tích trên 1.420 ha đất chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; 20 dự án với tổng diện tích trên 92 ha đất, chậm hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ tài chính; 136 dự án có các vi phạm khác, đã kiến nghị và đề xuất các biện pháp xử lý cụ thể tại kết luận thanh tra đối với từng dự án...
Các Sở, ngành, địa phương đã rà soát, tập trung xây dựng kế hoạch, tổ chức nhiều đoàn thanh tra, hậu kiểm liên ngành và kết luận đối với từng dự án; trong quá trình thực hiện tiếp tục chủ động, tập trung hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các chủ đầu tư nhằm khắc phục vi phạm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Theo ông Bùi Duy Cường, kết quả thực hiện đã có tác động tích cực, trước hết là các chủ đầu tư đã chủ động hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tập trung nguồn lực, khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đưa đất vào sử dụng, thực hiện dự án đầu tư; nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước theo quy định.
Trong quý II/2022, Hà Nội tập trung hậu kiểm các kết luận thanh tra, kiểm tra để phân loại, đề xuất xử lý theo các nhóm dự án vi phạm; Quý III/2022 tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và lập hồ sơ xử lý dứt điểm đối với các vi phạm đã đủ căn cứ; Quý IV/2022 tập trung xử lý nghiêm các dự án chây ì, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm.