Đó là kết luận vừa được Ban giám sát đô thị của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội công bố, sau khi kết thúc đợt kiểm tra công tác quy hoạch đô thị và thực hiện quy định về xây dựng tại các quận huyện trên địa bàn.
Theo đoàn giám sát, nhằm đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội tại các dự án bất động sản, UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định của Luật Nhà ở về việc cắt lại 20% diện tích đất của dự án để xây nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, hầu hết không được các chủ đầu tư chấp hành nghiêm túc.
Cụ thể, theo quy định của Hà Nội, trong quá trình lập quy hoạch chi tiết các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên phải dành 25% diện tích đất ở hoặc 25% diện tích nhà ở để phát triển nhà ở xã hội, không phân biệt vị trí dự án thuộc khu vực đô thị hoặc khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, theo quy định của Chính phủ, đối với dự án có quy mô trên 10ha tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị loại 3 trở lên mới phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội.
Chính quy định không thống nhất này giữa Chính phủ và UBND thành phố đã khiến hầu hết các dự án “ngó lơ” quy định của Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Minh Đức (thành viên Ban Đô thị Hội đồng Nhân dân thành phố), để xảy ra tình trạng này, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội phải có trách nhiệm về việc bố trí quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội tại các khu đô thị, trong đó phải làm rõ việc các chủ đầu tư phớt lờ quy định của thành phố.
Chính điều này đã khiến nguồn cung nhà ở xã hội tại Hà Nội thiếu hút so với nhu cầu của người dân.
Trao đổi với VnEconomy, Chủ tịch một tập đoàn bất động sản cho rằng: quy định của Chính phủ, của Luật Nhà ở về việc buộc doanh nghiệp phải dành 20% đất của một dự án bất kỳ để làm nhà ở xã hội là không phù hợp.
Theo ông này, quy định quá cứng nhắc, bởi có những dự án doanh nghiệp đã phải “cắt” 20% đất làm trường học. Do đó, nếu tiếp tục phải dành thêm 20% để làm nhà ở xã hội, thì đất kinh doanh chỉ còn 60%, trong khi vẫn phải đóng tiền sử dụng đất 100% diện tích.
“Quy định này là quá vô lý. Nó dẫn tới đơn giá tiền đất tăng cao hơn nhiều. Và không còn cách nào khác doanh nghiệp phải đẩy vào giá nhà, qua đó làm giá nhà tăng cao, chứ lẽ ra có thể giảm thấp hơn nhiều”, Vị chủ tịch này nhấn mạnh.
Theo Bảo Anh/Vneconomy