Trong đó có điều chỉnh địa giới khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải gắn với mở rộng khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn 3. Đề xuất này nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Hàn Quốc LG.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng còn kiến nghị thành lập khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu (huyện Cát Hải) và khu công nghiệp Cầu Cựu (huyện An Lão).
Vừa qua, đầu tháng 6, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết thành phố đã hoàn thành, trình Bộ Kế hoạch & Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư các dự án như vừa nêu.
Đồng thời, thành phố cũng đang hoàn thiện thủ tục thành lập khu công nghiệp mới gồm DEEP C 4 (huyện Kiến Thụy), Tiên Thanh và Vinh Quang (đều ở huyện Tiên Lãng), Vinh Quang và Giang Biên II (đều ở huyện Vĩnh Bảo). Ngoài ra, Hải Phòng cũng đề xuất xây dựng khu công nghiệp An Hưng - Đại Bản (huyện An Dương), khu công nghiệp Thủy Nguyên (huyện Thủy Nguyên), khu công nghiệp Nam Tràng Cát (quận Hải An).
Tính đến ngày 31/5, khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố đã thu hút được 13 dự án cấp mới với vốn đăng ký hơn 125 triệu USD. Đồng thời, 12 dự án điều chỉnh tăng vốn, với số vốn tăng thêm khoảng 300 triệu USD. Tổng vốn thu hút đạt hơn 426 triệu USD, bằng gần 99% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế đến 31/5, khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn đã thu hút được 377 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 15 tỷ USD.
Tháng 6, số vốn thu hút FDI của Thành phố ước đạt 500 triệu USD và phấn đấu thu hút được 1,5 tỷ USD đến tháng 12.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, Hải Phòng chú trọng phát triển mặt bằng sạch, có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục thành lập các khu công nghiệp.
Theo đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã kết hợp cùng doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nguồn lao động phổ thông mới đáp ứng được 60% nhu cầu thị trường và 40% lao động còn lại tại khu kinh tế, khu công nghiệp là người ngoại tỉnh.