Hapro cũng đang thể hiện sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu, hàng năm đạt xấp xỉ 70% tổng doanh thu. Mặt khác, sau khi cổ phần hoá (CPH) vào tháng 06/2018, Hapro đang cho thấy vị thế “anh cả” của Thủ đô trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, dịch vụ nội địa và hướng đến trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu trong khu vực…
Sức bật từ cổ phần hoá
Được thành lập từ năm 2004, sau 16 năm phát triển, không phủ nhận Hapro đã có những bước tiến vững chắc trong hoạt động thương mại và trở thành một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về xuất khẩu một số mặt hàng nông sản thực phẩm và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ...
Tuy nhiên, mô hình doanh nghiệp nhà nước (DNNN) dù có nhiều lợi thế nhưng lại bộc lộ nhiều hạn chế, điển hình là sự trì trệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sự phân định trách nhiệm và quyền lợi của người lao động chưa đạt hiệu quả cao như kì vọng. Không chỉ đối với Hapro, điểm hạn chế này như đặc tính cố hữu của DNNN. Đó chính là lý do vì sao Chính phủ phải đẩy mạnh CPH, và coi đây là nhiệm vụ quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế.
Trao đổi với phóng viên Thuonggiaonline.vn, ông Vũ Thanh Sơn – Tổng Giám đốc Hapro cho biết: “Nhờ vào sức mạnh nội lực của doanh nghiệp, nguồn vốn lớn từ các cổ đông và đặc biệt là sự chủ động trong quản trị doanh nghiệp nên sau khi CPH, Hapro đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Đặc biệt là, tất cả các chỉ tiêu kinh tế của Tổng công ty đều có sự tăng trưởng so với năm 2017, thời điểm chưa CPH.
Để xứng đáng với sự tin yêu của người tiêu dùng trong nước, Hapro tiếp tục tập trung phát triển thị trường nội địa với hệ thống Siêu thị Hapromart, Haprofood và hệ thống các cửa hàng ăn uống dịch vụ,…; đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại tại Hà Nội và tại các tỉnh thành phố trên cả nước.
Mặt khác, để khẳng định thương hiệu mạnh trên trường quốc tế, Hapro tiếp tục hành trình đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm chủ lực của Việt Nam tới hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu chủ lực…”.
Với những sự nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2018, Hapro đã vinh dự được Bộ Công Thương công nhận là Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín với 03 mặt hàng nông sản chủ lực, bao gồm: Hạt điều, Hạt tiêu; Gạo lần lượt đứng thứ đứng thứ 3, 13 và 15 trong danh sách DNXK uy tín trên cả nước. Điều đáng nói, đây cũng là năm thứ 14 liên tiếp, doanh nghiệp này nằm trong danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”.
Cuối năm 2019, tại buổi “Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 500 tỉ USD” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì; Hapro vinh dự là 1 trong 10 doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiêu biểu của cả nước tham dự Lễ trao giải này.
Tính đến nay, Hapro đã nhiều lần được xướng tên tại các lễ trao giải toàn quốc như 05 lần liêp tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia; 14 năm liên tiếp đạt giải thưởng Thương hiệu mạnh; 14 năm liền đạt danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”, nhiều năm liền nằm tron Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam hay đạt nhiều giải thưởng uy tín khác như Sao vàng đất Việt, Doanh nghiệp bán lẻ uy tín 2018, Doanh nghiệp thương mại – dịch vụ tiêu biểu,…
Những thành tích nói trên được xem như là phần thưởng xứng đáng cho những sự nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp và cho thấy sự đúng đắn của chủ trương CPH mà Chính phủ đã tạo ra để tái cơ cấu nền kinh tế nước nhà.
Thêm kỳ vọng với những mục tiêu “kép”
Với thế mạnh của một doanh nghiệp hàng đầu về xuất nhập khẩu và thương mại nội địa, Hapro đã xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2020 thể hiện rõ mục tiêu lợi nhuận và thiên hướng tập trung phát triển theo những lĩnh vực kinh doanh lớn có tính truyền thống.
Trong lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống tại hơn 80 nước và khu vực, Hapro đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham dự và có gian hàng hàng trưng bày sản phẩm, quảng bá thương hiệu tại các hội chợ lớn ở một số thị trường trọng điểm như: Hội nghị Hạt & Quả khô Quốc tế INC, Hội nghị Gạo thế giới hàng năm; Hội chợ Sial – Paris, Pháp Hội chợ Nông sản thực phẩm Quốc tế Gulfood tại Dubai, Hội chợ Worldfood Moscow (Nga).
Song song với việc phát triển hoạt động xuất khẩu, Hapro đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh hệ thống thương mại nội địa, tiếp tục phát triển chuỗi siêu thị theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện, toàn bộ chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích mang thương hiệu Hapromart của Hapro áp dụng theo mô hình Home & Food để đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân thủ đô. Đến nay, hệ thống chuỗi của Hapro đã tạo ra mối liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các nhà phân phối, các đơn vị sản xuất trong nước với các đơn vị kinh doanh, đơn vị sản xuất của Tổng công ty.
Điều đáng nói nữa là, dù Hapro đã CPH nhưng doanh nghiệp này vẫn rất tích cực tham gia triển khai thực hiện các chương trình bình ổn giá, cứu trợ bão lụt, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn để hỗ trợ bà con nông dân khắp mọi miền tổ quốc.
Có thể nói, với sự quan tâm đặc biệt của Ban lãnh đạo Tập đoàn BRG, sự chỉ đạo quyết liệt của HĐQT Tổng Cty, hoạt động sản xuất kinh doanh của Hapro tiếp tục được mở rộng thêm nhiều lĩnh vực, nhiều thị trường tại các nước trên thế giới. Mục tiêu phát triển của Hapro trong thời gian tới vẫn chính là phát triển kinh doanh dựa trên thế và lực sẵn có, phấn đấu đạt những thành tựu to lớn mang tầm chiến lược nhằm củng cố vững chắc thương hiệu Hapro đến với thị trường trong nước và lan toả ra thị trường quốc tế.