Hỗ trợ doanh nghiệp mùa dịch, ngân hàng cũng đang tự "cứu" mình

Động thái giảm sâu lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ngay sau quyết định cách ly toàn xã hội 15 ngày được cho là biện pháp hỗ trợ thiết thực để "cứu" doanh nghiệp, cũng là cách để ngân hàng nuôi dưỡng nguồn thu, tự "cứu" chính mình.
Hỗ trợ doanh nghiệp mùa dịch, ngân hàng cũng đang tự "cứu" mình

Chưa bao giờ ngành ngân hàng có những động thái hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ và quyết liệt như hiện nay. Chỉ riêng trong tháng 3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi,  giãn nợ hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đồng loạt giảm lãi vay

Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp, từ ngày 1/4, các ngân hàng mạnh tay cắt giảm tiếp lãi suất cho vay từ 2 - 4,5% và đặc biệt là đã bỏ những điều kiện "gây khó", "đánh đố" doanh nghiệp như: không yêu cầu chứng minh khó khăn do dịch Covid-19, giảm lãi suất trên dư nợ hiện hữu và giảm lãi vay cho cả vay thế chấp lẫn tín chấp, không cần tài sản đảm bảo…

Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) vừa công bố quyết định giảm lãi suất cho tất cả các doanh nghiệp có khoản vay hiện hữu. Theo đó, VIB tiếp tục mở rộng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm từ 0,5 - 2% trong 6 tháng cho tất cả khách hàng hiện hữu ở tất cả các lĩnh vực. Theo ước tính, sẽ có khoảng 9.500 khách hàng với khoảng 10.000 tỷ đồng dư nợ được hưởng hỗ trợ.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank) triển khai gói giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2 - 4,5% cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong cả nước. Ngân hàng TMCP Kiên Long giảm 3%/năm lãi suất cho vay trong hạn so với mức lãi suất đang áp dụng theo thỏa thuận của hợp đồng tín dụng đã ký kết.

Trước đó, Vietcombank giảm 2 - 2,5%/năm với quy mô tín dụng 30.000 tỉ đồng. Đối với các khách hàng sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ giảm đến 2,5% so với mặt bằng lãi suất hiện nay. Lãi suất cho vay sau giảm sẽ chỉ từ 4,5 - 5%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động. VietinBank giảm lãi suất cho vay từ 2 - 2,5%/năm, trước hết đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế.

Hay như Nam A Bank cũng tiếp tục thực hiện giảm lãi vay lên đến 2% hiện hành đối với các khách hàng doanh nghiệp vay vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng từ dịch virus Corona. Đồng thời, ngân hàng tung gói ưu đãi lãi vay 1.000 tỷ đồng, lãi suất từ 9,9%/năm dành cho khách hàng cá nhân vay vốn ổn định cuộc sống. 

Song song với việc giảm lãi vay, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu, giãn nợ và giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19. 

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến ngày một phức tạp, Ngân hàng Bản Việt cho biết, tập trung cơ cấu lại nợ, triển khai đồng loạt các chương trình và các chính sách hỗ trợ khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong giai đoạn này.

Thận trọng trong hỗ trợ

Thực tế, động thái trên của ngân hàng được giới chuyên gia tài chính, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và đón nhận tích cực. Một chuyên gia cho rằng, với những biện pháp thiết thực từ ngân hàng chắc chắn trong thời gian tới, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã thực sự được "cứu".

Bên cạnh đó, Chỉ thị 02 của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng đã phát đi thông điệp hệ thống cần vào cuộc với các biện pháp như cơ cấu lại khoản nợ, hoãn, giãn nợ, không chuyển nhóm nợ; hạ lãi suất khoản vay cũ và cả khoản vay mới, khuyến khích giảm mạnh, giảm sâu hơn nữa. Các ngân hànghành động mạnh mẽ hơn với tinh thần trách nhiệm cao với xã hội và cộng đồng cùng nhau chống dịch. 

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu chia sẻ, đây sẽ sự tiếp sức thiết thực đến cộng đồng doanh nghiệp, gói hỗ trợ lần này không còn dành riêng cho các doanh nghiệp lớn, mà doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ dễ dàng tiếp cận được.

Ông Hàn Ngọc Vũ, CEO của VIB cho biết, ngân hàng sẽ tự động giảm lãi mà không cần doanh nghiệp viết đơn xin hỗ trợ hay có bất kỳ một chứng minh về sự khó khăn nào khác. Đồng thời VIB sẽ nghiên cứu thêm các gói hỗ trợ khác tuỳ theo diễn biến của dịch bệnh và trước mọi khó khăn kinh tế có thể xảy ra.

Theo đánh giá của TS Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế cấp cao, việc cắt giảm lãi suất chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu nợ của ngân hàng hiện nay cũng chính là tự cứu mình thoát khỏi nợ xấu trong bối cảnh thị trường có khó khăn vì dịch bệnh. 

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, việc ngân hàng "nới" điều kiện cho vay, giảm lãi vay trong bối cảnh khó khăn như hiện nay là cần thiết nhưng cần hướng đến các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp bới dịch Covid-19 như du lịch, hàng không...

Bởi, bất động sản cũng đang là lĩnh vực gặp khó khăn nhưng nguyên nhân lại không đến từ sự ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 nên cân nhắc trong hỗ trợ, nhất là khi các khoản vay trong lĩnh vực này đều là vay trung và dài hạn.

Nếu việc hỗ trợ để giảm lãi suất ngay trên dư nợ hiện hữu cho các khoản vay địa ốc nhìn từ góc độ ngân hàng, cũng có những khó khăn nhất định. Đặc biệt khi chưa có chính sách nào "tiếp sức" cho chính các ngân hàng thương mại, nhất là trong bối cảnh việc huy động vốn trung và dài hạn của các ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn.

Có thể bạn quan tâm