Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, tốc độ đô thị hóa phát triển rất nhanh và lựa chọn sống trong chung cư đang là xu hướng chung của Thế giới chứ không riêng Việt Nam. Tuy nhiên, công tác đảm bảo về việc an toàn PC&CC vẫn còn tiểm ẩn rất nhiều rủi ro.
Hiện nay, nhiều chung cư, nhà ở cao tầng lại được cấp phép xây dựng trong hẻm nên tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thoát hiểm cho cư dân khi xảy cháy. Bởi có những nơi được duyệt quy hoạch tổng mặt bằng nhưng lại thiếu đường dành cho xe chữa cháy. Cũng có trường hợp chủ đầu tư dự án chừa đường vào cho xe chữa cháy, nhưng tải trọng mặt đường không đáp ứng theo quy định của Luật PCCC, nên xe chữa cháy hạng nặng không thể vào được...
Theo lãnh đạo HoREA, người tiêu dùng hiện nay cũng rất quan ngại về chất lượng xây dựng, trong đó có công trình PCCC tại nơi họ sống. Để tiết kiệm, nhiều nơi chỉ nắp đặt hệ thống báo cháy kém chất lượng, liên tục xảy ra tình trạng báo cháy giả nên một số người đã tắt đi để khỏi bị “làm phiền”.
Đặc biệt, nhiều hộ dân sống trong chung cư và cả những người làm việc, mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí tại các khu nhà cao tầng chưa nhận thức đầy đủ về công tác PCCC, và nhất là chưa được huấn luyện kỹ năng PCCC, thoát nạn, cứu hộ, chưa được tham gia diễn tập PCCC.
Đối với doanh nghiệp, lãnh đạo HoREA cũng chỉ ra rằng, một số chủ đầu tư chưa (hoặc không) thi công hệ thống phòng cháy chữa cháy đã đưa dân vào ở. Chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra Ban quản trị theo quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi cư dân và tạo điều kiện để thực hiện tốt công tác PCCC…
Bên cạnh đó, vai trò quản lý nhà nước của Chính quyền địa phương về công tác PCCC, trực tiếp là Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn trên địa bàn là rất quan trọng.
“Theo quy định của Luật PCCC, trong đó, có vai trò của lực lượng dân phòng của khu phố, lực lượng tình nguyện PCCC trong chung cư, khu dân cư, để thực hiện nguyên tắc ‘03 tại chỗ’, nhưng vẫn chưa được phát huy”, Chủ tịch HoREA nói.
Theo thống kê trong năm 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.007 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỷ đồng.
Trong đó, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao nhiệm vụ cho Hiệp hội Bất động sản thành phố sớm tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền, hướng dẫn hội viên chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật trên lĩnh vực PCCC.
Đồng thời, theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư dự án, những vi phạm về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và xây dựng từ đó chủ động trao đổi, phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời tháo gỡ, chấn chỉnh hoặc kiến nghị cơ quan cấp trên giải quyết.
“Thực hiện chỉ đạo trên, Hiệp hội sẽ tổ chức Hội nghị vào ngày 04/04/2018 để quán triệt thực hiện Chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thể hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực của chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công, giám sát, đơn vị quản lý vận hành chung cư… góp phần khắc phục tâm lý bất an đối với người dân đang sinh sống trong các chung cư, nhà cao tầng, và đảm bảo trật tự an toàn xã hội”, lãnh đạo HoREA cho biết.
Trước thực trạng này, mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 04/ CT-UBND ngày 29/03/2018 “Về triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố", nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ xảy ra cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại các chung cư và nhà cao tầng. |