Kiến nghị này HoREA đưa ra sau khi Bộ Tài chính có văn bản đề nghị rà soát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa. Căn cứ báo cáo rà soát của Tổng cục Thuế (sơ bộ), có 60 trường hợp doanh nghiệp Nhà nước, Nhà nước cổ phần được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
HoREA cho rằng cần có giải pháp xử lý phù hợp để đảm bảo quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng pháp luật. Giá đất từ đó cũng được xác định sát giá thị trường, không làm thất thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư. Quan trọng nhất, điều này thể hiện sự tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà.
HoREA kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc quyết định thay thế Quyết định số 09 năm 2007, Quyết định số 140 năm 2008, Quyết định số 86 năm 2010 của Thủ tướng. Điều này là cơ sở để tạo hành lang pháp lý minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, chặt chẽ nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị.
Theo Hiêp hội BĐS TP.HCM, cơ quan quản lý nên sửa Luật Đất đai về chế định đấu giá quyền sử dụng đất và sửa đổi Luật Đấu thầu về chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, khắc phục hiện tượng đấu giá, đấu thầu có "quân xanh quân đỏ".
Mặt khác, HoREA kiến nghị vẫn cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai dự án. Chủ đầu tư phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra, để hoàn thành dự án đưa vào sử dụng. Điều này nhằm tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, đảm bảo quyền lợi của người mua nhà.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, người mua nhà đã giao kết và thực hiện hợp đồng tại các dự án này là bên ngay tình, không có lỗi. Hiệp hội hy vọng họ không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án (nếu có).
Trong số 60 dự án BĐS Bộ Tài chính kiến nghị Thanh tra Chính phủ rà soát việc sử dụng đất có 25 dự án ở Hà Nội, 13 ở TP.HCM, còn lại 22 dự án ở 7 địa phương khác.
Tại TP.HCM có 11 dự án đều có gốc tích là đất công giao cho doanh nghiệp Nhà nước. Những đơn vị này cho thuê hoặc bán lại cho doanh nghiệp địa ốc bên ngoài. Doanh nghiệp Nhà nước chỉ còn đứng tên chủ đầu tư trên danh nghĩa. Chủ đầu tư thật trên thị trường là đơn vị khác khác, hoặc chính danh, hoặc sắm vai nhà phát triển dự án.
Theo Zing.vn
>> Khu đô thị Phú Lương: Biệt thự “cây nấm” ngang nhiên xây dựng không phép