Ủy ban Quản lý Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB) cho biết trong một tuyên bố hôm 5/12, núi Semeru phun trào đã khiến 14 người thiệt mạng, 56 người khác bị thương, với 35 người trong tình trạng nghiêm trọng, sau khi nó bao phủ các ngôi làng bằng tro bụi và khiến người dân phải chạy trốn khỏi những đám mây mù cuồn cuộn.
5 trong số các nạn nhân vẫn chưa được xác định và 9 người vẫn đang mất tích, BNPB cho biết. Khoảng 1.300 người đã phải di dời do vụ phun trào và đến các trung tâm sơ tán.
Theo BNPB, hàng trăm ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn và 33 trường học bị hư hại do vụ phun trào. Các quan chức cho biết tình hình tại núi Semeru vẫn còn đang nguy hiểm do các nguy cơ từ dòng chảy pyroclastic - một hỗn hợp tro, đá và khí núi lửa nguy hiểm hơn nhiều so với dung nham.
"Chúng tôi khuyến cáo mọi người nên tăng cường cảnh giác vì nguy cơ đe dọa các dòng chảy pyroclastic vẫn còn cao. Nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo", Trưởng trạm quan sát núi Semeru, Liswanto, nói với CNN.
Ông Liswanto cho biết, nhóm của ông đã ghi lại hai sự kiện dòng chảy pyroclastic. Sự kiện đầu tiên lúc 5 giờ sáng theo giờ địa phương và lần thứ hai lúc 10 giờ sáng theo giờ địa phương. Dòng chảy pyroclastic rơi xuống làng Curah Kobokan, nơi đã được sơ tán vào một ngày trước đó.
Chính quyền đã kêu gọi những người dù sống cách xa ngọn núi lửa tới 6 km vẫn phải di tản vì pyroclastic chảy "rất nóng, nhiệt độ có thể lên tới hơn 1000 độ C".
Một tình nguyện viên cứu hộ ở huyện Lumajang của Indonesia nói với CNN rằng anh và nhóm của mình đã sơ tán thi thể của 6 thợ mỏ khỏi một con sông ở làng Curah Kobokan, nơi họ đang khai thác cát ở bên bờ. Một số thợ mỏ vẫn ở bên trong xe tải, trong khi những người khác được phát hiện nằm trên mặt đất, tình nguyện viên Muhammad Firman Adiguna Effasa, 32 tuổi, cho biết. Không rõ 6 trường hợp tử vong đó có phải là một phần trong số 14 trường hợp tử vong mà nhà chức trách công bố hay không.
Java là trung tâm dân số lớn nhất tại Indonesia và là quê hương của thủ đô Jakarta. Với độ cao hơn 12.000 feet, Semeru là ngọn núi cao nhất trên đảo Java.
Tro núi lửa và mùi lưu huỳnh lần đầu tiên được ghi nhận vào khoảng 3 giờ chiều theo giờ địa phương, theo Đài quan sát núi lửa Semeru. Những đám mây tro nóng đã rơi xuống một ngôi làng Đông Java, Sapitarang, ở quận Pronojiwo.
Một video được chia sẻ bởi các đội ứng phó khẩn cấp của chính phủ cho thấy cư dân trong khu vực đang chạy trốn khỏi những đám tro bụi dày đặc khổng lồ. Các cảnh quay khác do người dân địa phương cung cấp cho thấy mọi người tụ tập tại một nhà thờ Hồi giáo địa phương ở Besuk Kobokan khi khói phủ khắp các đường phố xung quanh.
Sau vụ phun trào, các quan chức cứu hộ đã cố gắng sơ tán các nạn nhân khỏi khu vực một cách nhanh nhất có thể. Ông Indah Amperawati, Phó trưởng quận Lumajang, một khu vực gần núi lửa cho biết rằng hầu hết các nạn nhân bị bỏng đã được sơ tán đến Trung tâm Y tế Sơ bộ Penanggal. Đội cứu hộ đã chưa thể tiếp cận một số ngôi làng khác do đường xá bị bùn và cây đổ chặn lại.
Chính phủ Indonesia cho biết họ hiện đang chuẩn bị một quá trình tái định cư cho những người dân làng bị mất nhà và trong sáu tháng tới, BNPB sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho họ trước khi chính phủ đưa họ đến nơi ở mới.
Indonesia nằm giữa hai mảng lục địa trên Vành đai lửa, một dải bao quanh lưu vực Thái Bình Dương dẫn đến hoạt động kiến tạo và núi lửa ở mức độ cao.