Ermenegildo Zegna
Được thành lập năm 1910 tại Trivero ( một thị trấn nhỏ ở dãy núi Alps Biella) bởi Ermenegildo Zegna, công ty ban đầu chỉ cung cấp các loại vải sang trọng cho các nhãn hiệu thời trang nam cao cấp. Sau đó, hai con trai của Ermenegildo Zegna là Angelo và Aldo đã đưa công ty gia nhập thị trường ready to wear dành cho nam vào năm 1960. 13 năm sau, dịch vụ may đo theo yêu cầu của Ermenegildo Zegna với tên gọi Su Misura, đã được cung cấp tại 13 bang của Mỹ. Đồ suit của Zegna đậm chất Ý cổ điển sắc nét với hai chi tiết đặc thù là phần bờ vai mềm, áo jacket ngắn và ôm hơn so với suit của Mỹ. Những chiếc suit may đo của thương hiệu này được biết tới với kỹ thuật “floating canvases” (hay còn gọi là “fully canvassed”) đỉnh cao. Chất liệu canvas của Zegna tạo ra từ lông lạc đà, lông ngựa cao cấp, được xem là một trong các chất liệu canvas nhẹ nhất hiện nay trên thị trường, với ưu thế xuất sắc trong việc giãn nở theo nhiệt độ, tạo cảm giác thoải mái cho các cử động của cơ thể. “Floating canvases” không chỉ giúp chiếc áo jacket của Zegna có độ ôm hoàn hảo vào cơ thể mà còn duy trì form áo không bị mất đi theo thời gian.
Su Misura của Zegna gần như vô địch về số lượng chất liệu vải tùy chọn: 450 chất liệu, hoa văn và màu sắc khác nhau – tất cả đều được sản xuất tại nhà máy của Zegna ở Trivero. Trong đó, có hai chất liệu đặc biệt dành cho suit mà bạn nên biết tới là “traveller micronsphere” và “high-performance cool effect” – sự kết hợp thú vị giữa công nghệ và cổ điển. “Traveller micronsphere” áp dụng công nghệ nano để đảm bảo bụi bẩn trôi nổi trên bề mặt vải chứ không thâm nhập vào sợi vải, và như vậy có thể dễ dàng lau khô chứ không cần giặt. Trong khi đó, “High Performance Cool Effect” được làm từ một loại vải len đặc biệt có thể phản xạ 80% ánh sáng mặt trời trực tiếp (hầu hết các loại vải màu tối khác chỉ phản xạ được 20%). Với chất liệu đặc biệt này, bộ suit của Zegna có thể khiến bạn mát mẻ và dễ chịu đến khó tin ngay khi dạo chơi giữa ánh nắng nhiệt đới.
Hermès
Hermès đã giới thiệu dịch vụ may đo theo yêu cầu với cái tên Sur Mesure vào năm 1994 tại Paris, Tokyo, sau đó là tại New York (Madison Avenue) vào năm 2010. Những bộ suit của Hermès được thống nhất trong sự thanh lịch cổ điển kiểu Pháp kết hợp với những cách tân mới. Nhà thiết kế Véronique Nichanian (người từng làm việc với Hermès từ cuối thập niên 80) luôn tìm cách kết hợp những di sản truyền thống của một thương hiệu lâu đời với những thử nghiệm về màu sắc hoặc chất liệu. Điều thú vị ở đây là các quý ông có thể chọn cho mình những chất liệu xa xỉ hiếm có như len lông cừu siêu mịn Super 250s hoặc len vicuña (được làm từ lông của loài lạc đà hoang dã quý hiếm ở Nam Mỹ và phải đợi 3 năm mới được xén 1 lần).
Những chiếc áo jacket trong các bộ suit may đo của Hermès thường được may lót vải canvas (một chất liệu đặc biệt kết hợp giữa len, bông thường, lông ngựa hoặc lạc đà, dùng để dựng nên cấu trúc nền tảng của một bộ suit) ở phần ngực và ve áo, giữa lớp lót và vải ngoài. Lớp vải canvas này có tác dụng định hình chiếc áo trong một hình dáng nhất định (thậm chí qua nhiều lần giặt khô), giúp áo càng lúc càng vừa vặn với với cơ thể về sau này. Đồ suit của Hermès còn nổi tiếng với lớp vải lót rực rỡ, có thể được tạo ra bởi cùng chất liệu và họa tiết với những chiếc khăn lừng danh của thương hiệu này. Quá trình may đo một bộ suit ở Hermès thường phải mất ít nhất chín tuần.
Dunhill
Thương hiệu Dunhill cung cấp những bộ suit ready to wear vào năm 1980 và bắt đầu dịch vụ may đo theo yêu cầu cho quý ông vào năm 2003. Nếu xét đến việc Dunhill ra đời để phục vụ giới quý tộc Anh thế kỷ 19, với những thiết kế thanh lịch nhất, những nguyên liệu cao cấp nhất và những kỹ thuật tỉ mỉ nhất, người ta sẽ dễ dàng hình dung ra phong cách đồ suit hiện nay của thương hiệu này. Đó là phong cách quý tộc Anh truyền thống (nhưng không quá nghiêm khắc mà mang nhiều chất thư giãn) với những chi tiết đặc trưng như quần mỏng, vạt túi xéo, áo jacket dài và vạt sau xẻ rãnh đôi…Một chi tiết đặc sắc nữa trên đồ suit của Dunhill là kỹ thuật “roped shoulder” – kỹ thuật cắt may đặc biệt thường thấy trong đồ suit độc bản (bespoke) của Anh tạo ra phần vai áo hơi được nâng lên, như thể có một sợi dây đặt dưới phần nối giữa tay và vai. Phần tay áo nối vào vai được cắt hơi rộng ra, sau đó khâu nối phần vải thừa này vào vai áo, tạo cảm giác đầu vai hơi phồng nhẹ, chứ không ôm sát vào vai một cách tự nhiên. Những chiếc áo jacket trong bộ suit may đo của Dunhill thường khá ôm ở phần eo, có hơi hướng của kiểu dáng đồng hồ cát.
Với Dunhill, khách hàng có thể chọn lựa đến 250 chất liệu được cung cấp độc quyền bởi các công ty của Anh và Ý. Sau 3 cuộc hẹn và 8 tuần chờ đợi, bạn có thể có được một bộ suit hoàn hảo ưng ý. Theo đó, cuộc hẹn đầu tiên nhằm thảo luận về các yêu cầu của khách hàng và thực hiện đo đạc, cuộc gặp thứ hai cho việc thử đồ và tinh chỉnh, cuộc gặp thứ ba thử đồ lần cuối cùng. Mô hình của bộ suit sẽ được dựng trên máy tính, sau đó được cắt may bởi một nhóm nghệ nhân của Dunhill. Tính trung bình, quá trình này mất khoảng tám tuần.
Ralph Lauren
Năm 1967,Ralph Lauren một nhân viên Mỹ chuyên bán quần áo nam tung ra dòng caravat trẻ trung nhưng không kém phần sang trọng, dưới nhãn hiệu Polo. Một năm sau đó, Polo bắt đầu cung cấp quần áo đi kèm. Năm 1974, Ralph Lauren củng cố bản sắc thương hiệu bằng cách thiết kế trang phục cho nam diễn viên chính trong bộ phim nổi tiếng “Gatsby vĩ đại”. Dịch vụ may đo đồ suit của Ralph Lauren bắt đầu được cung cấp vào năm 1997, có mặt tại nhiều showroom ở Palm Beach, Chicago và New York. Đồ suit của thương hiệu này có một lượng fan hùng hậu như Johnny Depp, LeBron James, David Beckham, Christian Bale hay Daniel Craig.
Mặc dù là một thương hiệu từ Mỹ, song khi xem xét những bộ suit cao cấp Purple Label (dòng sản phẩm xa xỉ dành cho quý ông của Ralph Lauren), người ta dễ dàng nhận ra ảnh hưởng sâu sắc của phong cách may đo chuẩn mực tinh tế kiểu Savile Row (địa điểm may đo đồ suit độc bản lừng danh của Anh). Purple Label cung cấp hai phong cách cho suit: một phong cách tương đối ôm sát với áo jacket ngắn và một phong cách kiểu Savile Row truyền thống với áo jacket dài và thân áo rộng rãi vừa phải. Trong cả hai kiểu dáng này, khách hàng có thể tùy chọn phần ve áo nhọn hoặc ve hình chữ V, hai hoặc ba cúc, một hoặc hai hàng khuy. Đồ suit của Purple Label được sản xuất tại Ý, tên của khách hàng có thể được in bên trong áo jacket và các nút đặc biệt có thể được làm bằng bạc. Mất trung bình từ 6-8 tuần để hoàn thành một bộ suit từ dòng sản phẩm này.
Gucci
Dịch vụ may đo theo yêu cầu được Gucci khai trương vào tháng Tư năm nay, tại 11 thành phố trên thế giới, trong đó có New York, Paris và Tokyo. Lâu nay, Gucci vốn nổi tiếng với ngành nghề thủ công truyền thống từ Ý và những di sản xa xỉ độc đáo được kế thừa qua hàng thập kỷ. Vậy thì, những bộ suit được may đo của Gucci sẽ có điểm gì khác biệt?
Triết lý về đồ suit may đo của Gucci được nhấn mạnh trong việc đề cao tính cá nhân và chú trọng đến từng chi tiết. Theo đó, Gucci cung cấp hơn 80 chất liệu vải cao cấp (trong đó có cashmere, len, lụa, satin hay nhung) và hàng loạt lựa chọn đa dạng về phong cách (cổ áo, khuy, vạt, số nút), màu sắc, số đo…được điều chỉnh tùy biến theo yêu cầu của khách hàng. Giờ đây, thay vì bước chân vào một boutique của Gucci và chọn cho mình một bộ suit có sẵn trong catalogue, bạn có thể gửi thẳng các yêu cầu của mình về văn phòng của Gucci và đề nghị hãng thực hiện một bộ suit (hay một đôi giày) duy nhất cho chính mình.
Hugo Boss
Bắt nguồn tại Metzingen, một thị trấn nhỏ phía nam Stuttgart, Đức từ năm 1924, Hugo Boss nổi lên trong thế giới thời trang với sự sắc sảo, sang trọng và phong cách. Những bộ suit của Hugo Boss, đặc biệt là dòng BOSS Selection (thời trang xa xỉ dành cho nam) được say mê bởi giới doanh nhân và diễn viên trên toàn thế giới.
Cuối năm 2011, đầu 2012, BOSS Selection ra mắt dịch vụ may đo made to measure, theo đó, những bộ suit đặt may sẽ được hoàn thành bởi đội ngũ chuyên gia đặc biệt của Hugo Boss, chú trọng vào sự thoải mái tối đa, vật liệu tinh tế và chi tiết đẹp. Khách hàng có thể lựa chọn hơn 60 loại vải độc quyền (xuất xứ từ Ý), trong đó có cả chất liệu Super 180 lừng danh, với các lớp lót khác nhau (lót thân, lót tay, lót cổ áo và lót dưới thắt lưng), cúc sừng hoặc ngọc trai. Chữ ký của khách hàng có thể được thêu vào lớp lót như một phụ kiện cuối cùng cho một bộ suit hoàn hảo.