Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong (KKT Vân Phong) đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (Đồ án) đã phát sinh bất cập, thiếu đồng bộ trong quy hoạch rừng và quy định của Luật Lâm nghiệp, đã gây khó khăn trong việc lập quy hoạch các khu chức năng.
Cũng theo Đồ án nói trên, dự báo sơ bộ nhu cầu sử dụng đất xây dựng đến năm 2030 khoảng 10.000 ha và đến năm 2040 khoảng 15.000 ha.
UBND tỉnh này cho biết, trong 5 năm tới, KKT Vân Phong sẽ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khoảng 6.000 ha, với kinh phí dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng (kinh phí tạm tính khoảng 1,5 tỷ đồng ha).
UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan xem xét, bố trí nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng của KKT Vân Phong giai đoạn 2021 - 2025.
Nguồn vốn được dùng nhằm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các phân khu chức năng ngay sau khi Đồ án được Chính phủ phê duyệt.
Liên quan về vốn đầu tư công tại KTT Vân Phong, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, để KTT Vân Phong thu hút các dự án, địa phương sẽ đầu từ nhiều dự án giao thông lớn.
Cụ thể, dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT.652B và ĐT.652D vốn dự kiến 876 tỷ đồng; dự án đường Nguyễn Huệ (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) 855 tỷ đồng; dự án đường Sơn Đừng – Khải Lương 242 tỷ đồng; dự án đường Mũi Đôi – Hòn Đầu 151 tỷ đồng; dự án đường trục chính khu tổng hợp Đầm Môn (huyện Vạn Ninh) 750 tỷ đồng.
Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo bổ sung vốn để tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh đầu tư hạ tầng một số dự án về giao thông.
Ngoài ra, trong văn bản ngày 30/7, UBND Khánh Hòa cũng kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, phạm vi, ranh giới, diện tích nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch KKT Vân Phong có 150.000 ha. Trong đó, diện tích phần mặt nước khoảng 80.000 ha, phần đất liền khoảng 70.000 ha thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.
Đồng thời, Khánh Hòa cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm xem xét, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm nghiên cứu bổ sung KKT Vân Phong vào nhóm các KKT ven biển được ưu tiên đầu tư.
Cuối tháng 7/2021 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công thương xem xét, bổ sung quy hoạch các dự án điện khí tại khu vực nam Vân Phong vào quy hoạch điện quốc gia với tổng công suất khoảng 15.000 MW.
Trong đó, giai đoạn 2023 - 2025 có công suất 1.500 MW; giai đoạn 2025 - 2030 khoảng 6.000MW; giai đoạn 2030 - 2040 đạt 7.500 MW.
Đây là những dự án đã có có các doanh nghiệp đăng ký đầu tư như Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Millennium (Mỹ), Liên danh nhà đầu tư Embark United và Tập đoàn QuanTum (Mỹ), Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương Mại Tuấn Dung và Công ty TNHH Tài Tâm, Công ty J-Power (Nhật Bản).
Ngoài ra, Khánh Hòa cũng kiến nghị bổ sung một dự án kho cảng đầu mối khí hóa lỏng (LND) với công suất khoảng 17 triệu m3 khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu tại khu vực phía nam Vân Phong vào quy hoạch năng lượng quốc gia.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025 là 1 triệu m3, giai đoạn 2025 - 2030 là 6 triệu m3, giai đoạn 2030 - 2040 là 6 triệu m3, giai đoạn sau 2040 là 4 triệu m3.
Theo UBND tỉnh Khánh Hoà, nếu các dự án điện khí sớm được bổ sung vào quy hoạch sẽ là lợi thế rất lớn cho kêu gọi đầu tư; tạo động lực phát triển cho KKT Vân Phong nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung.