Khó khăn kéo dài, ngành thuỷ sản chưa thể “thoát cơn bĩ cực”

Ngành thuỷ sản trong những tháng cuối năm 2023 mặc dù đã thấy những dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Theo các công ty chứng khoán nhận định, tình trạng này dự kiến sẽ kéo dài đến nửa đầu năm 2024…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
xk-thuy-san-2-ttxvn-16706747053671946598020-4928.jpeg
Khó khăn kéo dài, ngành thuỷ sản chưa thể “vượt vũ môn”

Là một trong những ngành mũi nhọn, thủy hải sản đóng góp nguồn thu đáng kể cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nhìn lại năm vừa qua, đây là một năm khó khăn với ngành thủy sản của Việt Nam khi phải đối mặt với làn sóng lạm phát lan rộng trên toàn thế giới và nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm thủy sản giảm mạnh, khiến cho hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng.

Ghi nhận tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thuỷ sản đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 cho thấy, hầu hết các công ty thuỷ sản đều ghi nhận kết quả "lao dốc", thậm chí có doanh nghiệp lỗ nặng.

BỨC TRANH KINH DOANH VỚI NHIỀU GAM MÀU TỐI

Mới đây, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4 và luỹ kế cả năm 2023. Theo đó, trong quý 4/2023, công ty ghi nhận doanh thu giảm 3,2% xuống còn 2.395 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tăng lên mức 2.200 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp giảm 59% so với quý 4/2022, còn 195,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khoản lãi từ công ty liên kết giảm mạnh dẫn tới lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 66,3 tỷ đồng, giảm 66,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý thấp nhất của doanh nghiệp cá tra này kể từ quý 3/2015.

Lũy kế cả năm 2023, Vĩnh Hoàn báo lãi 949,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi ròng hơn 2.012 tỷ đồng, giảm 52,8%.

Vào năm 2023, Vĩnh Hoàn lên kế hoạch sản xuất kinh doanh với mục tiêu doanh thu thuần đạt 11.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.000 tỷ đồng. Như vậy, sau 4 quý của năm 2023, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành được 87% kế hoạch doanh thu và 95% kế hoạch lợi nhuận.

Cùng chung cảnh ngộ, Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico, mã chứng khoán: ANV) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh lao dốc trong quý 4/2023. Cụ thể, doanh thu trong quý này đạt 1.110 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt hơn 1.144 tỷ đồng.

Trong kỳ, Navico ghi nhận khoản lỗ hơn 2 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết kéo theo lợi nhuận sau thuế âm 517,8 triệu đồng, trong khi mức lợi nhuận trong quý 4/2022 là 106,5 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến hết tháng 12/2023, Navico mang về 41,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thấp hơn 16,1 lần so với thời điểm kết thúc năm 2022.

Tương tự, theo báo cáo tài chính quý 4/2023 mới công bố, Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch và Phát triển Thuỷ sản (Trisedco, mã chứng khoán: DAT) cũng ghi nhận thua lỗ trong quý 4 vừa qua. Cụ thể, doanh thu thuần của công ty đạt 836,7 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 28% lên mức 817,4 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 19,3 tỷ đồng, giảm 34,8% so với cùng kỳ quý 4/2022.

Trong kỳ, chi phí bán hàng tăng lên mức 3,1 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lên mức 5,5 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, Trisedco báo lãi trước thuế 17,5 tỷ đồng và lãi sau thuế 16,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 15,6% và 12,6% so với quý 4/2022.

Lũy kế cả năm 2023, Trisedco thu về 74,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi năm 2022 ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 80 tỷ đồng.

Không nằm ngoài xu hướng kinh doanh thụt lùi, doanh thu thuần năm 2023 của Tổng Công ty Thuỷ sản Việt Nam - CTCP (mã chứng khoán: SEA) chỉ đạt 83,9 tỷ đồng, giảm 26,2% so với cùng kỳ. Khấu trừ đi giá vốn hàng bán, lãi gộp của doanh nghiệp đạt 37,3 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2022.

Năm 2023, chi phí tài chính của công ty tăng gần gấp đôi lên mức 10,2 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ so với cùng kỳ, lần lượt đạt 5,5 tỷ đồng và hơn 24 tỷ đồng. Kết quả, Thuỷ sản Việt Nam thu về 75,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2023, trong khi cùng kỳ lợi nhuận sau thuế đạt 96,6 tỷ đồng.

blue-photo-modern-listing-presentation-2-3439.png

Công ty Cổ phần Thuỷ sản MeKong (mã chứng khoán: AAM) cũng cho biết, doanh thu quý 4/2023 của doanh nghiệp này đạt 37,7 tỷ đồng, giảm 10,9% so với quý 3/2022. Giá vốn hàng bán gần bằng doanh thu khiến cho lợi nhuận gộp chỉ vỏn vẹn 87,8 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lợi nhuận gộp đạt hơn 4 tỷ đồng.

Kết thúc quý cuối cùng của năm 2023, doanh nghiệp thuỷ sản này ghi nhận lợi nhuận sau thuế lỗ 380,7 triệu đồng. Kéo theo kết quả kinh doanh cả năm 2023 chỉ đạt 703,3 triệu đồng, trong khi năm 2022 ghi nhận lãi ròng 16,8 tỷ đồng, tương ứng giảm gấp 24 lần.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán: FMC) là một trong những điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp thuỷ sản khi ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trong quý 4/2023.

Theo đó, công ty đạt hơn 1.252 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 5,2% lên 1.112 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt 139,8 tỷ đồng, giảm 8,1% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, các chi phí đã được tiết giảm nên Thực phẩm Sao Ta ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 88,7 tỷ đồng, tăng 10,2% so với quý 4/2022.

Kết thúc năm 2023, Thực phẩm Sao Ta đạt hơn 5.087 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 302,2 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2022.

KHÓ KHĂN VẪN CHƯA KẾT THÚC

Xuất khẩu thuỷ sản năm 2023 không ngoài dự đoán khi gặp khó ngay từ những tháng đầu năm. Đỉnh điểm tháng 1/2023 kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản giảm đến 48% so với cùng kỳ, các tháng tiếp theo (ngoại trừ tháng 2) cũng đều chứng kiến sụt giảm 20 - 30%.

Tuy nhiên, xu hướng phục hồi đã xuất hiện và đến tháng 11/2023 đã có sự tăng trưởng dương trở lại. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 ước đạt 9,2 tỷ USD, đạt 92% so với kế hoạch 10 tỷ USD đề ra. Trong đó, tập trung vào các nhóm hàng chính: xuất khẩu tôm khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD và cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD.

xuat-khau-2296.jpeg

Dưới tác động chung của nền kinh tế, các ngành hàng chủ lực tương tự toàn ngành thuỷ sản cũng gặp những khó khăn nhất định, nhất là vào nửa đầu năm 2023. Theo VASEP, đối với ngành cá tra, tính đến hết tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ.

Nhu cầu yếu tại các thị trường là nguyên nhân chính, nhưng thêm một lý do thách thức đối với ngành cá tra Việt Nam là nhiều nước đang đầu tư và mở rộng diện tích nuôi cá tra. Việc này đang đe dọa đến vị thế của Việt Nam khi nước ta đã không còn vị thế “độc quyền” về cá tra. Do cầu yếu và lượng cung nhiều, giá cá tra xuất khẩu không giữ được giá trị cao như cùng kỳ.

ca-tra-1572.jpeg

Khó khăn cũng đến với ngành xuất khẩu tôm. Xuất khẩu tôm đến tháng 11/2023 ước đạt 3,15 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ. Theo VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2023 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỷ USD, thấp hơn 21% so với năm 2022. Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều thấp hơn so với cùng kỳ, trừ một vài thị trường nhỏ. Ngoài nhu cầu yếu, lượng đặt hàng thấp, xuất khẩu tôm gặp cạnh tranh khá mạnh bởi nguồn cung tôm thế giới dư thừa, dẫn đến giá bán giảm.

tom-1731.jpeg

Nhìn về năm 2024, Cục Thủy sản nhận định ngành thủy sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như: tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biễn phức tạp, khó lường, các nước trong khu vực tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, ngư trường khai thác hải sản của ngư dân ta bị thu hẹp đáng kể.

Bên cạnh đó, Uỷ ban Châu Âu (EC) tiếp tục giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, nếu không tháo gỡ được thẻ vàng trong năm nay sẽ khiến xuất khẩu sang EU đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập vì các yếu tố nguồn lực, nhân lực và kết cấu hạ tầng không đáp ứng.

Nhận định về triển vọng ngành thuỷ sản trong ngắn hạn, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ leo thang sẽ khiến chi phí vận chuyển từ Việt Nam đến thị trường Mỹ, Châu Âu tăng hơn gấp đôi trong tháng 1/2024 so với tháng 12/2023.

SSI Research ước tính chi phí vận chuyển tăng sẽ khiến chi phí vận chuyển/doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tăng khoảng 3 - 5% trong tháng 12/2023 lên 7 - 10% trong tháng 1/2024.

Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều sử dụng hợp đồng FOB khi xuất khẩu, nghĩa là người mua sẽ chịu chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, do nhu cầu vẫn suy yếu nên người mua có thể đàm phán với nhà cung cấp để chia sẻ gánh nặng. “Vì vậy, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý 1/2024 có thể phải đối mặt với chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi căng thẳng Biển Đỏ hạ nhiệt”, nhóm phân tích SSI Research nhận định.

Về định hướng dài hạn, ngành thủy sản đặt mục tiêu thận trọng trong năm 2024 với tổng sản lượng thủy sản đạt 9,22 triệu tấn, tương đương thực hiện năm 2023; kim ngạch đạt 9,5 tỷ USD, tăng nhẹ 3% so với 2023, tuy nhiên so với năm đỉnh điểm 2022 vẫn giảm 13%.

Nguyên nhân ngành thuỷ sản chưa thể tăng trưởng mạnh mẽ trở lại do nhu cầu tại các thị trường chính sẽ hồi phục chậm. Đồng thời, lượng cung thuỷ sản còn nhiều khiến giá xuất khẩu khó tăng mạnh. Cùng với đó, ngành thuỷ sản Việt Nam ngày càng vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thị trường, đòi hỏi các doanh nghiệp phải ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu, cạnh tranh với sản phẩm từ các thị trường khác.

Hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam là tôm và cá tra. Theo đó, VASEP dự báo kim ngạch xuất tôm trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2023 và kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt 2 tỷ USD trong năm 2024.

Với nhóm ngành tôm, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng áp lực cạnh tranh dần hạ nhiệt. Cụ thể, ngành tôm ở Ecuador và Ấn Độ đang dư thừa nguồn cung, nhưng dư địa giảm thêm giá bán hầu như không còn, nhất là khi giá thành sản xuất tại Ecuardo vẫn cao hơn điểm hoà vốn. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi điều chỉnh, giúp doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam tiết giảm được chi phí.

Đối với ngành cá tra, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đánh giá, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, nhu cầu đang dần hồi phục, bên cạnh yếu tố mùa vụ là chính sách kích thích kinh tế của nước này sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ phục hồi kể từ nửa cuối năm 2024.

Có thể bạn quan tâm