Khu công nghiệp: Hạt nhân cho phát triển kinh tế địa phương

Làn sóng đầu tư mới vào các khu công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các địa phương của Việt Nam trong thời gian tới.
Khu công nghiệp: Hạt nhân cho phát triển kinh tế địa phương

Khu công nghiệp vốn không phải là khái niệm mới tại Việt Nam. Nhưng trong vòng hơn một năm trở lại đây, phân khúc này bất đầu được gọi tên nhiều hơn nhờ vào sự dịch chuyển nhà máy sản xuất của các ông lớn đến từ các tập đoàn đa quốc gia sau căng thẳng thương mại Mỹ Trung.

Được khởi xướng từ Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ VI (năm 1986), khu công nghiệp chính thức đi vào khai thác và mang lại giá trị cho nền kinh tế nước nhà. Con số ban đầu là 335 ha, đến năm 2018, Việt Nam đã có gần 80.000 ha đất công nghiệp. Hiện nay trên cả nước có khoảng 326 KCN, khu chế xuất, trong đó 251 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 66,2 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy các KCN đi vào hoạt động đạt 73,9%.

"Qua hơn 30 năm, khu công nghiệp đã đóng vai trò rất lớn trong việc phát triển kinh tế cho nhiều địa phương trên cả nước. Cụ thể: các KCN tạo nên giá trị gia tăng cao về sản xuất công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương

Thời gian đầu, các doanh nghiệp đi vào hoạt động trong lĩnh vực này chủ yếu là có vốn đầu tư trong nước, thực hiện việc đầu tư tại KCN với mục tiêu di chuyển địa điểm sản xuất kinh doanh. Khi các doanh nghiệp mới bước đầu ổn định sản xuất, với sự góp vốn của các doanh nghiệp có vốn FDI, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc, đưa địa phương lên một bước tiến mới về kinh tế. Bắc Ninh là một ví dụ với một loạt các KCN đã tạo nên diện mạo mới cho tỉnh, trở thành địa phương có giá trị xuất siêu vào năm 2009 như công ty Vilacera, công ty Samsung tại KCN Yên Phong 2…

Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Viglacera.com.vn

KCN Hà Nội- Đài Tư tại Long Biên (Hà Nội) do công ty TNI Holdings (tiền thân là VID Group) cũng là một minh chứng cho giá trị đóng góp to lớn của KCN đến sự phát triển của địa phương. Đây là một trong những dự án đầu tiên của Hà Nội về phát triển KCN thành công và có hiệu quả xuất sắc. Từ KCN đầu tiên đó, các KCN của TNI nối đuôi nhau ra đời với quy mô ngày càng mở rộng như KCN Nam Sách, KCN Phúc Điền, KCN Tân Trường, KCN Quang Minh… Những KCN này ra đời tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến phát triển sản xuất, làm ăn tại Việt Nam, góp phần tăng thu cho đất nước. Cũng từ đó các KCN đã góp phần thay đổi kinh tế của địa phương, tạo bộ mặt mới cho những vùng đất mà TNI Holdings đi qua.

KCN: Nhân tố quan trọng trong việc xoa đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm 

Việt Nam có tiềm năng về nguồn lao động lớn khi dân số đông, và thuộc loại dân số trẻ, tỷ trọng người trong độ tuổi lao động cao, giá nhân công rẻ… Đó chính là yếu tố để các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Khu công nghiệp: Hạt nhân cho phát triển kinh tế địa phương ảnh 2

Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông

Tuy nhiên, nhược điểm của chúng ta cũng chính là năng lực và chất lượng nguồn lao động. Bởi xuất phát điểm là một đất nước thuần nông, lao động của chúng ta chưa có điều kiện tiếp xúc, học hỏi với nền kinh tế công nghiệp. Sự ra đời của các KCN cùng với các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ giải quyết một lượng lớn nguồn lao động cho các địa phương mà còn giúp nâng cao chất lượng lao động này bằng các khóa đào tạo, tác phong công nghiệp. Người nông dân trở thành công nhân, tham gia sản xuất trong lĩnh vực công nghệ hiện đại. Khi dân giàu, có công ăn việc làm ổn định, an ninh trật tự và các điều kiện sống đi kèm theo đó của người dân cũng được tăng lên, đời sống được nâng cao, dịch vụ cũng theo đó phát triển. Nhờ vậy, kinh tế địa phương ngày càng năng động và thăng tiến.

Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019, ông Trương Quốc Huy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã đánh giá rất cao vai trò của KCN đối với tỉnh này. Vì vậy, Hà Nam đã đồng hành cùng với các doanh nghiệp và ban quản lý KCN đưa ra những chính sách ưu việt để phân khúc bất động sản công nghiệp, các KCN có điều kiện phát triển hơn nữa tại Hà Nam.

KCN góp phần tăng thu ngân sách địa phương

Theo ông Huy, Các KCN Hà Nam đã và đang đóng góp 50% ngân sách của tỉnh này. Đó là một ví dụ cho sự tác động không hề nhỏ của KCN đối với sự phát triển kinh tế của các địa phương.

Bên cạnh đó, theo nhận định của các chuyên gia khi thảo luận tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019, thì với sự điều chỉnh kịp thời và sáng suốt từ Nghị định 82 với tiêu điểm là mô hình Khu công nghiệp kết hợp đô thị - dịch vụ sẽ tạo ra những giá trị kép, không chỉ nâng cao chất lượng sống cho người lao động, tạo điều kiện để các KCN phát triển bền vững, giải quyết vấn đề an ninh dân sinh tốt mà còn có điều kiện tăng nguồn ngân sách cho địa phương khi các khu đô thị, các dịch vụ đi kèm được hoạt động mạnh mẽ.

Khu công nghiệp: Hạt nhân cho phát triển kinh tế địa phương ảnh 3

Khu công nghiệp Long Hậu - Long An

Các KCN như Long Hậu tại Long An, Vship Nghệ An… đã đang đưa mô hình này vào khai thác và thu được nhiều tín hiệu tốt cho các địa phương này. Nhiều doanh nghiệp cũng lựa chọn mô hình KCn này để khai thác và nhận được sự đồng tình từ phía các cấp chính quyền địa phương. TNI Holdings là một ví dụ, không chỉ xây dựng KCN với hệ thống dịch vụ trọn gói cho các nhà đầu tư, TNI còn đặt mục tiêu phát triển môi trường làm việc hiện đại, thoải mái, đáp ứng mọi điều kiện của người lao động như các khu ký túc xá nhân viên, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trường mẫu giáo, nhà hàng, café…

Sự phát triển của KCN thúc đẩy sự phát triển của các loại hình dịch vụ sản xuất công nghiệp

Việc phát triển KCN sẽ tác động lan tỏa đến các hoạt động dịch vụ và ngược lại, các hoạt động này cũng phải không ngừng nâng cấp, hiện đại về công nghệ - kỹ thuật để đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp phát triển sản xuất. Ông Ngô Hữu Tiệp – Chủ tịch HĐQT công ty Giza E&C, trong một bài phỏng vấn trước thềm Diễn đàn BĐS Công nghiệp Việt Nam 2019 có nhấn mạnh: “các thành tựu công nghệ sẽ đi vào mọi ngõ ngách của nền kinh tế, đến từng nhà, từng doanh nghiệp. Trên hành trình kinh doanh của mình, tôi nhận định rằng việc tham gia vào thị trường bất động sản công nghiệp sẽ mang lại nhiều giá trị hơn nữa…”

Bắc Giang ngày càng thu hút các nguồn vốn đầu tư vào địa bàn tỉnh, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. (Nguồn ảnh: Internet)

Bởi vì công nghiệp cũng chính là yếu tố mạnh nhất, nhanh nhát quyết định sự tăng trưởng của nền kinh tế mỗi quốc gia.

Các loại hình dịch vụ sản xuất công nghiệp hiện nay được nhiều người biết đến như tín dụng, ngân hàng, bưu chính, viễn thông, điện lực, logicstic… và các hoạt động dịch vụ kinh doanh.

Sự phát triển KCN: Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái

Đây cũng là một trong những yếu tố được ông Tiệp nhấn mạnh trong xu hướng tiết kế, xây dựng khu công nghiệp trong thời gian tới của Giza E&C.

Khu công nghiệp kết hợp sẽ giải quyết tình trạng chảy máu nguồn lao động, bảo vệ tính bền vững của khu công nghiệp. Bên cạnh đó, với hệ thống đô thị, dịch vụ đi kèm sẽ đưa địa phương lên tầm cao mới, năng động, hiện đại hơn. Bởi muốn làm được điều này, hành lang pháp lý tại các địa phương phải toàn diện, cơ sở hạ tầng phải đồng bộ và công nghệ cao, hệ thống xử lý môi trường phải được đặt lên hàng đầu, điện-đường-trường-trạm … đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế…

Để thu hút mạnh hơn nữa dòng vốn FDI, qua đó tạo đà cho bất động sản công nghiệp bứt phá, Việt Nam vẫn còn việc phải làm

Một số KCN tại Việt Nam đã và đang làm rất tốt những ưu điểm này như Long Hậu, Vship, Tiên Sơn, Quế Võ, Yên Phong, các KCN của TNI, các KCN IDICO…

Bên cạnh những thành công về kinh tế, các KCN còn tham gia, đóng góp tích cực vào tổ chức đời sống xã hội. Việc thiết lập mô hình KCN, đô thị đã góp phần hình thành các khu đô thị mới gắn với phát triển cụm công nghiệp, làng nghề và kiến tạo bộ mặt nông thôn mới; tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ; thúc đẩy hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, nhà ở, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, văn hoá, thể thao… đảm bảo cuộc sống của người lao động, ổn định an sinh xã hội; góp phần tạo lập và phân bố không gian kinh tế, tạo sự phát triển hài hoà giữa các khu vực trong cả nước.

Những đóng góp trên đã khẳng định KCN là nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Chính vì vậy, các địa phương cũng nên chủ động nắm bắt, đồng hành và quảng bá hình ảnh của mình tốt hơn nữa, thu hút đầu tư một cách toàn diện.

Có thể bạn quan tâm