Kiến nghị Chính phủ 6 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong tình cảnh này các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu phương án tái cấu trúc lại bộ máy sự và các giải pháp kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm...
Kiến nghị Chính phủ 6 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam vừa đề xuất lên Chính phủ một số giải pháp và kiến nghị tháo gỡ khó khăn đối với chủ đầu tư, sàn giao dịch và các cá nhân môi giới ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, Hội môi giới cũng đã có 6 kiến nghị lên Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường, để đưa thị trường sớm ổn định và phát triển bền vững:

Một là, đưa các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản vào nhóm đối tượng được hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ đã phê duyệt vì nhóm này thực chất chịu tác động và ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.

Hai là, trực tiếp và thực chất hơn các khoản hỗ trợ cho các sàn giao dịch và môi giới bất động sản như: Hoãn tiền thuê đất cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, từ đó, các doanh nghiệp này sẽ hoãn tiền thuê đất cho các sàn giao dịch bất động sản thuê lại mặt bằng; hoãn tiền phải nộp bảo hiểm xã hội cho đến hết dịch bệnh và sau khi hết dịch 12 tháng để doanh nghiệp có thêm nguồn hỗ trợ và trả lương cho người lao động; tiếp cận được nguồn vay từ ngân hàng để trả một phần lương cho nhân viên và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ba là, để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường, cần xem xét lại việc quy định người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam theo hướng mở rộng tỷ lệ người nước ngoài được mua nhà tại các dự án nhà ở thuộc phân khúc cao cấp (phân khúc này ít phù hợp nhu cầu trong nước mà phù hợp với nhu cầu của người nước ngoài nhiều hơn). Hiện nay, phân khúc này đang có lượng hàng tồn kho ở mức cao, động thái trên sẽ góp phần tăng tính thanh khoản và giảm lượng hàng tồn kho trên thị trường.

Bốn là, chỉ đạo các tỉnh, thành phố quyết liệt hơn nữa trong việc vận dụng những biện pháp tháo gỡ của Chính phủ đối với các nội dung vướng mắc trong quy định pháp luật để đẩy nhanh quy trình giải quyết thủ tục cho các dự án bất động sản, làm tăng nguồn cung cho thị trường và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Năm là, Chính phủ cần sớm phê duyệt chính sách bù lãi suất và thúc đẩy các ngân hàng cho vay vốn để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Chắc chắn sau dịch bệnh, nếu chúng ta phát triển mạnh xây dựng nhà ở xã hội sẽ giúp nền kinh tế sớm phục hồi.

Sáu là, đối với quản lý nhà nước tại các địa phương cần tăng cường kiểm soát nhằm hạn chế hiện tượng dự án ma, dự án không đúng quy định pháp luật và đặc biệt không để xảy ra hiện tượng tạo thị trường ảo để trục lợi như ở Thạch Thất (Hà Nội), Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian qua.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng nhận định, thị trường bất động sản đang bước vào thời kỳ vô cùng khó khăn. Đến nay có tới 50% số sàn giao dịch phải đóng cửa, có hiện tượng nhiều cá nhân môi giới thất nghiệp. Thị trường vô cùng trầm lắng, song giá bất động sản chưa sụt giảm so với Quý 4/2019.

Chủ đầu tư cũng như các sàn giao dịch buộc phải hoãn các hoạt động mở bán. Nhiều doanh nghiệp địa ốc lâm vào tình trạng khó khăn, cùng với việc tín dụng siết chặt cộng hưởng đã xuất hiện dấu hiệu tìm kiếm nhà đầu tư của các chủ đầu tư yếu năng lực tài chính để chào mời, chuyển nhượng dự án theo hình thức M&A hoặc cổ phần, hoặc từng phần dự án.

Theo đại diện Hội môi giới, trong tình cảnh này các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu phương án tái cấu trúc lại bộ máy, nhân sự và các giải pháp kinh doanh tinh gọn, công nghệ hoá và chuyên nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng. Đồng thời, tập trung hơn vào phân khúc nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội. Đây là phân khúc sẽ được hấp thụ cao trong khủng hoảng.

Xem thêm

Thị trường bất động sản quý II/2020: Giá nhà sẽ giảm?

Thị trường bất động sản quý II/2020: Giá nhà sẽ giảm?

Theo dự báo, trong quý II/2020 thị trường bất động sản tại các đô thị Hà Nội và TP. HCM vẫn tiếp tục giao dịch nhưng số lượng không nhiều, phần lớn chỉ diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân vì nhu cầu của người dân vẫn ở mức cao.

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…