Kinh doanh khởi sắc, loạt doanh nghiệp cán đích lợi nhuận năm sau 9 tháng

Tính đến nay, nhiều doanh nghiệp đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm chỉ sau 9 tháng nhờ hoạt động kinh doanh khởi sắc như Sasco, Long Hậu, Hoá chất Lâm Thao, Thuỷ điện A Vương, Xi măng Hà Tiên…

ty-suat-loi-nhuan-7199-9880-7591.jpg

Mùa báo cáo tài chính quý 3/2024 của các doanh nghiệp niêm yết đã phác họa một bức tranh kinh doanh đa sắc màu. Trong khi không ít công ty đang phải đối mặt với sự sụt giảm lợi nhuận do những thách thức từ thị trường, thì một số doanh nghiệp lại nổi bật với sự tăng trưởng mạnh mẽ và hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đã đề ra.

LỢI NHUẬN BỨT PHÁ, DOANH NGHIỆP TĂNG TỐC VỀ ĐÍCH

Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (mã chứng khoán: HT1) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất cho quý 3/2024, cho thấy doanh thu thuần đạt 1.638 tỷ đồng, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 22,6 tỷ đồng, phục hồi mạnh mẽ so với khoản lỗ 10,2 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái.

Theo thông tin từ Vicem Hà Tiên, lợi nhuận trong quý này tăng hơn 32,9 tỷ đồng so với năm trước, tương ứng với mức tăng 320,8%. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự cải thiện này là do sản lượng tiêu thụ xi măng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, kết hợp với việc chi phí tài chính giảm 11,9 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí lãi vay giảm 21,1 tỷ đồng, chủ yếu nhờ vào lãi suất vay hạ và dư nợ vay giảm.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu hợp nhất của Vicem Hà Tiên đạt 5.041 tỷ đồng, giảm 4,2% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế lại đạt 43,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ hơn 37,1 tỷ đồng của năm ngoái.

Công ty đặt mục tiêu doanh thu cho năm 2024 là 7.032 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 23 tỷ đồng. Với kết quả đạt được sau 9 tháng, Vicem Hà Tiên đã hoàn thành 71,7% kế hoạch doanh thu và vượt 90,4% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Supe Phốt Phát và Hóa chất Lâm Thao (mã chứng khoán: LAS), doanh nghiệp phân bón đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý 3/2024, ghi nhận doanh thu thuần đạt 812,2 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ giá vốn hàng bán giảm gần 2% xuống còn 687,4 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của Lâm Thao đã tăng 11,6%, đạt 124,8 tỷ đồng. Lý do chính cho sự gia tăng lợi nhuận gộp là nhờ công ty đã mua được nguyên liệu đầu vào với giá hợp lý, dẫn đến giá vốn giảm nhẹ.

Trong quý này, doanh thu tài chính của Hóa chất Lâm Thao cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, từ 893,2 triệu đồng lên 3,5 tỷ đồng, tương đương với mức tăng gấp 4 lần, chủ yếu nhờ vào lãi từ tiền gửi và cho vay. Kết thúc quý 3/2024, doanh nghiệp đạt lợi nhuận sau thuế 32,6 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến hết 9 tháng đầu năm 2024, Hóa chất Lâm Thao ghi nhận doanh thu thuần 2.861 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ, nhưng nhờ giá vốn giảm và doanh thu tài chính tăng, công ty đã thu về 152,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 61,8%.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu 3.400 tỷ đồng doanh thu và 136 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với 190,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đạt được sau 9 tháng, Lâm Thao đã vượt 40,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

blue-photo-modern-listing-presentation-3-2297-9407.png

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024 của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco – mã chứng khoán: SAS), doanh nghiệp của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn cũng cho thấy kết quả khả quan.

Cụ thể, doanh thu thuần của Sasco trong quý vừa qua đạt 782,1 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Xét theo cơ cấu, doanh thu từ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế tăng 11,5%, đạt 345,2 tỷ đồng, trong khi doanh thu từ hoạt động phòng chờ ghi nhận mức tăng 21,4%, mang về 183,2 tỷ đồng.

Ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi, Sasco còn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong lĩnh vực tài chính, với doanh thu tăng 40,4%, đạt 57,1 tỷ đồng chủ yếu từ cổ tức và lợi nhuận được chia.

Mặc dù chi phí tài chính tăng gấp 4,5 lần, đạt 7,6 tỷ đồng do lỗ chênh lệch tỷ giá, nhưng điều này không làm giảm đi thành tích doanh thu ấn tượng của công ty. Sasco cũng ghi nhận khoản lợi nhuận khác lên tới gần 7,7 tỷ đồng, cao gấp 4,7 lần so với cùng kỳ, nhờ vào các khoản hỗ trợ bán hàng và khuyến mãi.

Cuối cùng, Sasco báo lãi sau thuế 180,5 tỷ đồng, tăng 38,2% so với cùng kỳ, đánh dấu mức lãi theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. Theo Sasco, tình hình kinh doanh đã phục hồi trở lại và doanh nghiệp đã kiểm soát chi phí tốt, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Sasco đạt 2.117 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 356 tỷ đồng và 294 tỷ đồng, tăng 25% và 22% so với cùng kỳ.

Sasco đặt mục tiêu doanh thu thuần cho năm 2024 là hơn 2.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 343 tỷ đồng. Tính đến nay, Sasco đã hoàn thành 75,6% chỉ tiêu doanh thu và vượt gần 4% chỉ tiêu lợi nhuận.

Công ty Cổ phần Long Hậu (mã chứng khoán: LHG) cũng ghi nhận một quý kinh doanh tích cực, với doanh thu thuần gần 90,6 tỷ đồng, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp cũng theo đó tăng 37,6%, đạt 44,5 tỷ đồng.

Sau khi trừ các khoản chi phí, Long Hậu báo lãi sau thuế đạt 42,1 tỷ đồng, tăng 44,3% so với quý 3/2023 nhờ vào nguồn thu từ cho thuê nhà xưởng và khu lưu trú.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, Long Hậu ghi nhận doanh thu thuần 328,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 139 tỷ đồng, lần lượt tăng 31,6% và 32,6% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này giúp công ty hoàn thành 44,2% kế hoạch doanh thu và vượt 5,8% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong lĩnh vực thủy điện, Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương (mã chứng khoán: AVC) đã ghi nhận doanh thu ấn tượng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 243,8 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của công ty đạt 160,6 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với quý 3/2023.

Mặc dù doanh thu tài chính trong quý này giảm mạnh 94,5%, chỉ đạt 525,8 triệu đồng do lãi tiền gửi và cổ tức giảm, nhưng kết quả tổng thể vẫn rất khả quan.

Thủy điện A Vương báo lãi sau thuế hơn 123,7 tỷ đồng trong quý 3/2024, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính được doanh nghiệp chỉ ra là điều kiện thời tiết thuận lợi trong quý này, với lượng nước đổ về hồ ổn định, tạo điều kiện cho sản xuất điện gia tăng.

Mặc dù quý 3 đạt kết quả tích cực, nhưng doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 477,1 tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế cũng giảm 39,3%, còn 170,6 tỷ đồng. Dù vậy, kết quả này vẫn giúp công ty hoàn thành hơn 99% mục tiêu doanh thu và vượt gần 81% kế hoạch lợi nhuận năm 2024.

NGƯỢC DÒNG VỀ ĐÍCH NHỜ CHUYỂN NHƯỢNG, BÁN TÀI SẢN

Mặc dù việc doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận vượt kế hoạch có thể tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn, nhưng nhà đầu tư cần thận trọng đánh giá triển vọng kinh doanh thực sự. Bởi nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả khả quan nhưng không phải đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà từ các khoản lợi nhuận đột biến hoặc các yếu tố ngoại lệ.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2024 mới công bố, Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng (mã chứng khoán: VPH) gây bất ngờ với khoản lãi sau thuế 183,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 19,6 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi cao kỷ lục của doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, khoản lãi đột biến của Vạn Phát Hưng chủ yếu đến từ doanh thu hoạt động tài chính. Cụ thể, trong quý vừa qua, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần tăng mạnh gấp 6,6 lần so với cùng kỳ, lên mức 18,3 tỷ đồng.

Khác với tình trạng kinh doanh dưới giá vốn trong quý 3/2023, doanh nghiệp đã chuyển mình tích cực khi đạt lợi nhuận gộp 6,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận mức lỗ 0,18 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh thu tài chính của Vạn Phát Hưng cao đột biến lên 355,7 tỷ, gấp gần 47,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, gần 349 tỷ đồng là lãi từ chuyển nhượng cổ phần.

Vạn Phát Hưng cho biết, trong quý 3 vừa qua, công ty đã hoàn thành các thủ tục pháp lý chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư Nhơn Đức Nhà Bè rộng 16,7ha. Qua đó, công ty đã thực hiện chuyển nhượng 99% cổ phần tại công ty con là Công ty Cổ phần Bất động sản Nhà Bè cho đối tác.

Khoản doanh thu tài chính đột biến trong quý 3/2024 giúp Vạn Phát Hưng báo lãi sau thuế 183,3 tỷ đồng, mức lãi cao kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết trên sàn chứng khoán.

Lũy kế 9 tháng năm 2024, Vạn Phát Hưng thu về 33,9 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 26,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại tăng mạnh lên mức 145,1 tỷ đồng, “lội ngược dòng” ngoạn mục so với cùng kỳ năm trước khi ghi nhận mức lỗ 18,4 tỷ đồng, qua đó vượt 91% kế hoạch năm.

blue-photo-modern-listing-presentation-4-2126-5524.png

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco – mã chứng khoán: VOS) dù ghi nhận khoản lỗ trong quý 3/2024 nhưng vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm.

Cụ thể, trong quý vừa qua, doanh thu thuần của Vosco đạt 1.269 tỷ đồng, tăng trưởng 77% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, doanh thu tài chính của công ty giảm 38,7%, chỉ còn 11,7 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính lại tăng mạnh 112,9%, lên đến 19,3 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng tăng nhẹ 3,8%, đạt mức 13,9 tỷ đồng.

Sau khi trừ các khoản chi phí, Vosco báo lỗ sau thuế 14,1 tỷ đồng trong quý 3 (so với mức lỗ 23,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái). Nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ này là do công ty phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá 17,7 tỷ đồng trong quý.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Vosco ghi nhận doanh thu đạt 4.239 tỷ đồng, tăng 86,1% so với cùng kỳ. Công ty cho biết, việc thuê thêm hai tàu hóa chất Đại Hưng và Đại Thành từ quý 1/2024 theo hình thức thuê tàu trần trong 3 năm đã giúp tăng doanh thu từ khai thác hai tàu này.

Do đó, dù gặp lỗ trong quý 3, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Vosco vẫn đạt 413,1 tỷ đồng, gấp 6,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, Vosco đã đặt kế hoạch doanh thu 2.440 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 323 tỷ đồng. Đến nay, Vosco đã vượt 73,7% mục tiêu doanh thu và 27,9% kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng.

Công ty Cổ phần Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt (PVT Logistics – mã chứng khoán: PDV), một đơn vị thành viên của PV Trans, cũng ghi nhận kết quả ấn tượng sau 3 quý với lãi trước thuế đạt 278,9 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch lãi 80 tỷ đồng năm 2024, tương đương 249%.

Lý do khiến doanh thu và lợi nhuận của PVT Logistics tăng vọt trong quý 3/2024 là nhờ thu về hơn 150 tỷ đồng từ việc bán tàu chở dầu và hóa chất PVT Synergy (tên cũ là DMC Mercury). Đây chính là yếu tố chính giúp công ty đạt mức lợi nhuận đột biến trong 9 tháng đầu năm nay.

Việc chuyển nhượng tài sản và bán công ty con cũng đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng để cải thiện dòng tiền. Một ví dụ điển hình là Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (mã chứng khoán: SRC), với doanh thu thuần 9 tháng đạt 787,7 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ, và lợi nhuận trước thuế đạt 190,9 tỷ đồng, gấp 8,7 lần so với 9 tháng đầu năm 2023.

Khoản lãi kỷ lục này đến từ việc công ty ghi nhận khoản thu nhập lớn trong quý 2/2024 nhờ chuyển nhượng quyền thuê lại đất, cùng với các tài sản gắn liền với đất.

Năm 2024, Cao su Sao Vàng đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2023, trong đó 1.030 tỷ đồng đến từ hoạt động thương mại và 970 tỷ đồng từ sản xuất công nghiệp. Lợi nhuận trước thuế năm 2024 dự kiến đạt 100 tỷ đồng, cao hơn 255% so với kết quả năm trước. Sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành 90,9% kế hoạch lợi nhuận nhưng chỉ mới đạt 39,4% chỉ tiêu doanh thu.

Xem thêm

Soi kết quả kinh doanh các công ty chứng khoán trong quý 3/2024

Soi kết quả kinh doanh các công ty chứng khoán trong quý 3/2024

Nhiều doanh nghiệp chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024, mang đến một bức tranh đa sắc với nhiều cảm xúc trái chiều. Trong khi nhiều công ty ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ, thì cũng có những đơn vị đối mặt với khó khăn, tạo nên sự phân hoá rõ rệt trong ngành...

Có thể bạn quan tâm