Kinh tế thế giới nhìn từ “hai bờ” sáng - tối

Những ngày tháng cuối cùng của năm 2022 sắp kết thúc. Một năm đầy biến động bởi “các cơn gió mùa mạnh” sắp đi qua.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế thế giới và những nhà quản trị hàng đầu, năm 2023, thế giới sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa, so với năm 2022.

Không ít các tổ chức uy tín như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ngân hàng thế giới (WB) đều đưa ra nhìn nhận thiếu lạc quan về một viễn cảnh - như người ta thường nói “Nhìn đến tương lai (2023) mà rơi nước mắt, nhìn về quá khứ (2022) mà toát mồ hôi!”.  

Kinh tế thế giới năm 2022: Ánh sáng lẻ loi trong bóng tối

Cuộc xung đột Nga - Ukraine và những hậu quả đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, giá năng lượng và giá lương thực tăng cao đang làm thui chột những hy vọng phục hồi sau đại dịch COVID-19. Tâm lý bi quan ngày càng phổ biến và trở nên nặng nề hơn do áp lực lạm phát được dự báo là sẽ kéo dài và cuộc khủng hoảng năng lượng có nguy cơ ngày càng nghiêm trọng ở Châu Âu, kéo theo nhiều hệ lụy.

Tại cuộc họp thường niên năm 2022 của Diễn đàn kinh tế thế giới vừa được tổ chức tại Thụy Sĩ, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhấn mạnh, thời gian gần đây, tương lai kinh tế toàn cầu ngày càng ảm đạm, có thể phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ sau thế chiến 2.

Chính sách Zero covid đã khiến nền kinh tế Trung Quốc điêu đứng
Chính sách Zero covid đã khiến nền kinh tế Trung Quốc điêu đứng

Theo IMF, có 6 rủi ro lớn đang ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới:

Một là xung đột Nga - Ukraine và tác động của giá năng lượng.

Hai là giá năng lượng tăng cộng với tình trạng thiếu lương thực làm gia tăng lạm phát. Nếu lạm phát tiếp tục tăng trong một thời gian dài, nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm lại hoặc suy thoái kết hợp với lạm phát phi mã có thể xảy ra. Các chính sách sẽ hướng đến việc ổn định chính trị nhiều hơn là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ba là, để kiểm soát lạm phát bằng cách tăng lãi suất, giới hoạch định chính sách phải đối mặt với nguy cơ tạo ra giảm phát. IMF cảnh báo các nhà hoạch định chính sách về việc đánh giá sai lập trường chính sách và đợt điều chỉnh giảm phát sắp tới có thể gây rối loạn hơn so với dự kiến.

Bốn là nguy cơ nợ nần do điều kiện tài chính thắt chặt hơn ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế tiên tiến (trừ Nhật Bản) đang dẫn đầu xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu. Ngoài việc tăng chi phí kinh doanh, điều này có thể gây áp lực lên dự trữ ngoại hối và khiến đồng nội tệ mất giá so với đồng USD, gây ra tổn thất cho các nền kinh tế có nợ tính bằng USD.

Năm là, tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc. IMF lo ngại chiến lược “Không COVID” của Bắc Kinh và các đợt phong tỏa kết hợp với sự bùng phát quy mô lớn hơn của nhiều loại virus dễ lây lan hơn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của nước này. Thêm vào đó, các rủi ro liên quan đến lĩnh vực bất động sản cũng làm trầm trọng hơn tình hình và tác động của kinh tế Trung Quốc có sự lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu.

Sáu là, sự phân mảnh hơn nữa của nền kinh tế thế giới. Cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ chia thế giới thành “khối địa chính trị với các tiêu chuẩn công nghệ riêng biệt, hệ thống thanh toán xuyên biên giới và tiền tệ dự trữ”.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, ông Vương Nghĩa Ngôi - Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết, nền kinh tế thế giới hiện nay đang đối mặt với 3 thách thức lớn:

Thứ nhất, mô hình toàn cầu hóa đang có sự điều chỉnh về cơ cấu, chuyển từ toàn cầu hóa theo chủ nghĩa tự do mới trước đây sang toàn cầu hóa theo hướng cục bộ và khu vực hóa, chuỗi cung ứng toàn cầu chú trọng nhiều hơn đến an ninh, tự chủ, khả năng kiểm soát và khả năng chống chịu.

Thứ hai, sự phát triển của khoa học và công nghệ toàn cầu chưa hình thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng ứng dụng công nghệ đang đứng trước thách thức tái điều chỉnh chuỗi cung ứng, xu hướng cạnh tranh khu vực hóa, tập đoàn hóa và ưu việt hóa ngày càng rõ rệt.

Thứ ba, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và giá năng lượng tăng cao khiến lạm phát tăng cao, tác động đến toàn bộ hệ thống kinh tế quốc tế như kinh tế, thương mại, đầu tư... thông qua chuỗi sản xuất, gây ra các vấn đề xã hội và dân sinh, ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách kinh tế của các nước.

Một điểm tích cực trong nền kinh tế thế giới trong năm 2022 là hầu hết các nền kinh tế lớn đang trong thời kỳ suy thoái hoặc đang tiến vào một cuộc suy thoái đều bắt đầu với tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp so với các đợt suy thoái trước đó. Cuộc thăm dò mới nhất ước tính khoảng cách giữa tỷ lệ tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp của các nền kinh tế đang ở mức nhỏ nhất trong ít nhất bốn thập kỷ.

Mặc dù điều đó có thể làm giảm cường độ suy thoái và hầu hết những người được hỏi đều nói rằng đợt suy thoái tới tại các nền kinh tế chủ chốt sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không gây tổn thương quá sâu, song nó cũng có thể khiến lạm phát tăng cao lâu hơn so với dự kiến. Một trong những nền kinh tế được kỳ vọng là Ấn Độ, dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao thứ hai thế giới, ở mức 6,6% trong năm 2022 và 5,7% vào năm 2023. Đặc biệt, Saudi Arabia sẽ đạt tốc độ tăng trưởng số 1 thế giới.

Kinh tế thế giới nhìn từ “hai bờ” sáng - tối
Kinh tế thế giới nhìn từ “hai bờ” sáng - tối

Ấn Độ đang bước vào giai đoạn “vàng” cho tăng trưởng kinh tế nhờ nắm giữ tiềm năng tăng trưởng dài hạn, đó là nhân tố nhân khẩu học và lao động. Nhờ vậy, họ hưởng trọn lợi thế khi tỷ trọng đầu tư nước ngoài so với GDP ở Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc. Hiện Ấn Độ là quốc gia duy nhất ngoài Trung Quốc có thể tổ chức sản xuất quy mô lớn với chi phí rẻ. Nước này cũng đang ở vị trí sẵn sàng trở thành công xưởng của thế giới khi thực hiện các chính sách cắt giảm thuế thu nhập DN, khuyến khích đầu tư và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế số, thị trường nước này cũng đạt giá trị 800 tỷ USD vào năm 2030, tức là tăng gấp 10 lần so với năm 2020.

Năm 2023: Chưa chắc đã sáng hơn

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, IMF cho biết 1/3 nền kinh tế trên thế giới có thể sẽ suy giảm vào năm nay và năm tới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 trong bối cảnh các nước đang chịu tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh. IMF đồng thời cảnh báo rằng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vào năm tới. Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết: "Ba nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tiếp tục đình trệ. Nói một cách ngắn gọn, điều xấu nhất vẫn chưa tới và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như năm suy thoái".

Theo IMF, suy giảm kinh tế của các nước thuộc Eurozone dự báo sẽ mạnh thêm vào năm tới, trong đó Đức và Italy được dự báo sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023. Trong khi đó, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 và 2023 do các biện pháp phòng chống COVID-19 và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản ảnh hưởng tới tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Kinh tế Trung Quốc đã tăng 8,1% năm 2021, năm 2022 chỉ tăng khoảng 3,2%, giảm 0,1 điểm % so với dự báo hồi tháng 7. Năm 2023 được dự báo tăng 4,4%, thấp hơn 0,2 điểm % so với dự báo trước đây.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Châu Á trong bối cảnh lãi suất tăng buộc nhiều ngân hàng trung ương phải siết chặt chính sách tiền tệ và xuất khẩu giảm do tình hình kinh tế tại các đối tác thương mại chính của khu vực này, trong đó có Mỹ. IMF dự báo các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 4,4% trong năm nay và 4,9% năm 2023, giảm tương ứng 0,2 điểm % và 0,1 điểm % so với dự báo hồi tháng 7, sau mức tăng 7,2% năm 2021.

Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan thuộc ASEAN, dự báo ghi nhận tăng trưởng 5,3% trong năm nay so với mức tăng 3,4% năm 2021. Mức tăng này dự báo sẽ giảm xuống 4,9% vào năm 2023 do nhu cầu giảm từ các đối tác thương mại chủ chốt như Trung Quốc, khu vực Eurozone và Mỹ. Theo IMF, các nền kinh tế ASEAN sẽ ghi nhận tăng trưởng chịu tác động của giá lương thực và năng lượng cao hơn - nguyên nhân làm giảm sức mua của các hộ gia đình. Đáng chú ý, theo IMF, tỉ lệ lạm phát trên toàn cầu sẽ lên tới 9,5% trong năm nay trước khi giảm xuống 4,1% vào năm 2024.

Lịch sử cho thấy các đợt tăng mạnh lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái. Cùng với đó, giá khí đốt tại Châu Âu tiếp tục tăng cũng sẽ không phải điều quá ngạc nhiên với nhiều người. Trong khi đó, chính sách chống dịch cứng rắn và thị trường bất động sản gặp khó khiến nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ giảm tốc. Trong một kịch bản cực đoan, tất cả điều đó có thể xảy ra cùng lúc. Khi ấy, sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ bốc hơi khoảng 5.000 tỷ USD, theo dự báo của Bloomberg Economics.

Viễn cảnh ảm đạm đó đã xuất hiện dần trong năm nay. Giai đoạn lãi suất thấp, nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc, địa chính trị ít biến động là những yếu tố then chốt mang lại nhiều thập kỷ tăng trưởng và giá cả ổn định cho thế giới. Tất cả những biến số này đang dần biến mất khiến lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và thị trường tài chính tổn thất đến hàng nghìn tỷ.

Nhưng vẫn có những hy vọng cho năm tới. Fed có thể "hạ cánh mềm" (thuật ngữ chỉ việc đưa lạm phát giảm về mục tiêu mà không làm gia tăng thất nghiệp nghiêm trọng). Thời tiết ấm áp dần có thể giúp Châu Âu thoát khỏi suy thoái. Trung Quốc có thể nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Một số khả năng đó đã xuất hiện trong thời gian gần đây, khi các thị trường tăng điểm do lạm phát của Mỹ thấp hơn dự kiến và về khả năng điều chỉnh biện pháp chống dịch của Trung Quốc.

Theo IMF, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 sẽ giảm xuống 2,7% so với dự báo 2,9% IMF đưa ra hồi tháng 7. Nguyên nhân là lãi suất tăng làm chậm đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ trong khi Châu Âu chật vật với giá khí đốt tăng, còn Trung Quốc tiếp tục áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 và ngành bất động sản của nước này suy yếu. Tuy nhiên, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 ở mức 3,2%, sau mức tăng trưởng toàn cầu 6% năm 2021. Mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm nay sẽ là 1,6%, giảm 0,7 điểm % so với dự báo trước, phản ánh tăng trưởng GDP trong quý II của Mỹ giảm ngoài dự báo.

Xem thêm

Kinh tế thế giới đang xuất hiện hiện tượng "4 thấp"

Kinh tế thế giới đang xuất hiện hiện tượng "4 thấp"

Các tổ chức quốc tế đều cho rằng nền kinh tế thế giới đang xuất hiện hiện tượng "4 thấp", đó là tăng trưởng thấp, thương mại-đầu tư thấp, lãi suất thấp và lạm phát thấp. Điều này có thể dẫn đến "trì trệ kéo dài" và sẽ chuyển sang "suy thoái".

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…