Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng ngân hàng nào cao nhất tháng 8/2024?

Trong tháng 8/2024, phần lớn các ngân hàng vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động so với cùng kỳ tháng trước. Hiện tại, lãi suất ở kỳ hạn 12 tháng hiện đang được triển khai ở các ngân hàng dao động quanh mức 3,7%/năm – 6%/năm...

Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của 28 ngân hàng cho thấy, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện đang được triển khai tại các ngân hàng trong khoảng 3,7%/năm – 6%/năm. Trong tháng này, hầu hết các ngân hàng đều thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất so với cùng kỳ tháng trước.

Qua so sánh, 6%/năm đang là mức lãi suất huy động cao nhất tại kỳ hạn 12 tháng, được triển khai ở ngân hàng ABBank. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng khi khách hàng tham gia gửi tiết kiệm qua kênh Online – Esaving và ứng dụng AB Ditizen – Msaving. Nếu gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất chỉ còn 5,4%/năm.

Kế đến là mức lãi suất 5,8%/năm đang cùng được áp dụng tại ngân hàng BaoVietBank, BVBank, Saigonbank cho kỳ hạn 12 tháng. Trong tháng này, các ngân Bac A Bank và GPBank đều huy động mức lãi suất 5,75%/năm tại kỳ hạn 1 năm.

Cũng tại kỳ hạn này, ngân hàng NCB và KienlongBank lần lượt niêm yết lãi suất ở mức 5,7%/năm và 5,6%/năm. Còn mức 5,5%/năm đang cùng được ấn định tại các ngân hàng PGBank, OceanBank và HDBank.

Theo sau là mức lãi suất 5,4%/năm – triển khai đồng loạt tại các ngân hàng VietBank, Viet A Bank, Sacombank, Nam A Bank, MSB và Eximbank. Đối với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất trên 5%/năm còn có các ngân hàng: CBBank (5,3%/năm); SeABank (5,25%/năm); TPBank (5,2%/năm); SHB (5,2%/năm); OCB (5,2%/năm); PVcomBank (5,1%/năm); MB (5,1%/năm); LPBank (5,1%/năm).

Ngoài ra, khách hàng có thể tham khảo lãi suất huy động tại các ngân hàng khác như: ACB (4,8%/năm); DongABank (4,5%/năm); SCB (3,7%/năm).

Tại thời điểm khảo sát, khách hàng cá nhân và hội viên Inspire khi tham gia gửi tiết kiệm tại ngân hàng Techcombank kỳ hạn 12 tháng sẽ nhận được lãi suất là 4,8%/năm, khách hàng Priority và khách hàng Private sẽ nhận được lãi suất cao hơn, lần lượt ở mức 4,95%/năm và 5%/năm. So với tháng 7/2024, mức lãi suất này không có sự điều chỉnh.

Trong bảng so sánh lãi suất huy động cho kỳ hạn 12 tháng, các ngân hàng lớn có vốn nhà nước gồm Agribank, VietinBank, BIDV đều niêm yết lãi suất huy động mức 4,7%/năm trong tháng này. Còn ngân hàng Vietcombank lại áp dụng mức lãi suất thấp hơn là 4,6%/năm.

Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay. Mặc dù chưa quá cao, song trước bối cảnh các kênh đầu tư (chứng khoán, bất động sản chưa hồi phục rõ nét…) tiền nhàn rỗi vẫn chọn ngân hàng nên tiết kiệm tăng kỷ lục.

Số liệu Ngân hàng Nhà nước đưa ra, tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế đến tháng 4/2024 đạt hơn 13,42 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước đó, tương đương khoảng 140.000 tỷ đồng và tăng 0,4%, tương đương khoảng 50.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023.

Như vậy, số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đã chính thức lập kỷ lục mới sau khi tăng trưởng âm so với cuối 2023 trong ba tháng đầu năm nay. Trong đó, tiền gửi của dân cư đã lên gần 6,72 triệu tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm và tiếp tục lập kỷ lục mới. Riêng trong tháng 4/2024, tiền gửi cư dân đã tăng thêm khoảng 40.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tiền gửi của doanh nghiệp đạt 6,7 triệu tỷ đồng, giảm 1,95% hay hơn 133.600 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với thời điểm cuối tháng 3/2024, tiền gửi doanh nghiệp đã tăng thêm hơn 81.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 4 đạt hơn 16 triệu tỷ đồng, tăng 0,13% so với đầu năm.

Trước đó, số liệu Ngân hàng Nhà nước đưa ra, đến cuối tháng 3/2024, tổng tiền gửi của khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng là 13,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng liền trước (tăng khoảng 140.000 tỷ đồng), nhưng vẫn giảm 0,5% so với mức đỉnh hồi cuối năm 2023 (giảm khoảng 70.000 tỷ đồng).

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm