Ngày 14/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
PVN MONG MUỐN TIẾP TỤC GIỮ CHÍNH SÁCH VỀ LÃI SUẤT TỐI ƯU VÀ ỔN ĐỊNH
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, việc điều hành chính sách tiền tệ giữ rất vai trò rất quan trọng. Đặc biệt trong điều kiện tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam là một trong những nước cao nhất thế giới.
Đối với PVN, cơ cấu về tài sản và cơ cấu nợ, đặc biệt là tín dụng trong toàn Tập đoàn hợp nhất đến nay khoảng 240.000 tỷ đồng. Nếu tăng 1% lãi suất thì chi phí vốn của Tập đoàn sẽ tăng lên khoảng 2.400 tỷ đồng/năm.
Do đó, việc cơ cấu lại vốn, tài chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong các dự án đầu tư của PVN là rất quan trọng, giúp cho các dự án đầu tư nói riêng và toàn Tập đoàn giảm được chi phí sử dụng vốn bình quân trong từng dự án. Tương tự như ở dự án đầu tư Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn mà Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo trong việc tái cấu trúc lại vốn vay của các tổ chức tín dụng, từ các ngân hàng trên thế giới.
Hiện nay, PVN đang trong quá trình đàm phán với các ngân hàng để tái cấu trúc lại các khoản vay này bằng các khoản vay mới có chi phí vốn sử dụng bình quân thấp hơn, giúp cho chi phí sản xuất kinh doanh của công ty liên doanh này tối ưu hơn, từng bước vượt qua khó khăn.
Trong điều kiện thị trường khó khăn, khi các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, cần phải áp dụng các mô hình như là mô hình lợi nhuận trước lãi vay và khấu hao để cân đối, tính toán việc sản xuất kinh doanh và tối ưu các chi phí. Trong đó, có chi phí tài chính, thông qua việc tái cấu trúc các nguồn vốn sử dụng cho doanh nghiệp.
Do đó, trong thời gian tới, theo kế hoạch 2021 – 2025, PVN có kế hoạch huy động khoảng 250,3 nghìn tỷ đồng từ tín dụng để cho đầu tư phát triển và với ảnh hưởng độ nhạy của lãi suất lên chi phí sử dụng vốn của PVN.
PVN bày tỏ mong muốn Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ chính sách về lãi suất tối ưu và ổn định, để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn nói riêng và các doanh nghiệp nói chung.
Về tỷ giá, hiện nay dư nợ vay ngoại tệ của PVN là 38.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1.500 tỷ USD. Do vậy, biến động và rủi ro tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn, đặc biệt trong việc quản trị rủi ro theo biến động của tỷ giá.
Về chính sách cho vay, các dự án đầu tư của PVN có quy mô rất lớn, khối lượng vay rất lớn như dự án nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn lên đến gần 5 tỷ USD…
Vì thế, nếu Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong nước, đặc biệt là 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn, xem xét áp dụng cho từng trường hợp, đặc biệt là với các tập đoàn lớn, các dự án lớn, nâng trần hạn mức cho vay đối với từng đơn vị, hoặc cho toàn tổ hợp thì có thể hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng này và các doanh nghiệp lớn, các dự án siêu lớn có thể tiếp cận và sử dụng nguồn tín dụng trong nước.
Chính sách đó sẽ giúp cho các chủ đầu tư như PVN và các ngân hàng trong nước kiểm soát được chi phí sử dụng vốn bình quân của dự án đầu tư khi có các biến động. PVN cho rằng, với chính sách tiền tệ hợp lý và tối ưu sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy các chỉ tiêu, bao gồm cả sản xuất kinh doanh và đầu tư. Nhất là với các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn từ thị trường tín dụng như Petro Việt Nam.
Thời gian tới, PVN mong muốn Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có chính sách tiền tệ, tín dụng ổn định như thời gian qua để hỗ trợ, phát triển đầu tư với mục tiêu tăng trưởng từ 3-6,5 %/năm.
KHÔNG CÓ SỰ HỖ TRỢ CỦA NGÂN HÀNG, VIỆT NAM CÓ THỂ MẤT ĐI NGÀNH SỢI
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nay lãi suất của các quốc gia ở mức 3,5%. Tại Việt Nam, với Tập đoàn Dệt may Việt Nam, mức vay trung bình khoảng 7% với doanh nghiệp tốt và khoảng 9% đối với doanh nghiệp xấu.
Riêng Banglades, lãi suất khoảng 8% nhưng họ lại lạm phát trên 10%. Xét về lãi suất thực dương, Việt Nam đang là lãi suất thực dương nhất trong các nước xuất khẩu dệt may.
Ở Việt Nam, lãi suất phải trả cho các ngân hàng năm 2023 của Vinatex trên báo cáo hợp nhất tăng 10% so với năm 2022, trong khi tổng dư nợ giảm 11%. Dư nợ giảm 11% nhưng lãi phải trả tăng 10%, tức là so với năm 2022 thì giá vốn đắt hơn, so với năm 2021 có hỗ trợ thì lãi phải trả tăng 30%.
Bên cạnh đó, năm 2022 tiếp cận vốn dễ, năm 2023 thì khó hơn và đặc biệt cuối năm 2023, đầu năm 2024, khi xem xét hạn mức tín dụng 2024 đối với các doanh nghiệp ngành sợi rất khó khăn.
Hiện nay, tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024. Tính chung giá trị tài sản năm 2023 đảm bảo này các khoản vay chỉ khoảng 20%, năm nay yêu cầu phải 100% hoặc là áp dụng chính sách trả được 10 thì chỉ được vay lại 8 hoặc 9.
Đối với nhóm sợi, nhiều đơn vị đối với ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước vay khoảng 7%, ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhà nước khoảng 9%.
“Do đó, nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành thì chúng ta có thể mất đi ngành sợi", ông Trường nhận định.
Vị lãnh đạo này nêu thêm dẫn chứng, ngành sợi của chúng ta hiện nay có 10 triệu cọc sợi. Giá trị tài sản như đầu tư mới khoảng 6 tỷ đô, giá trị còn lại khoảng 3 tỷ đô và mỗi năm đang trả ngân hàng khoảng 300 triệu đô.
DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN MONG TIẾP CẬN VỐN TÍN DỤNG CÓ CHI PHÍ THẤP
Về phía doanh nghiệp bất động sản, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group bày tỏ mong muốn doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn.
Theo ông Trường, hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước chênh khá là lớn (từ 4 - 5%). Doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.
Trong khi đó, ông Quảng Văn Viết Cương, Phó Giám đốc Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex) chia sẻ, việc tiếp cận tín dụng của Becamex là không khó. Tuy nhiên, phía Becamex đang gặp khó trong việc huy động dòng vốn từ trái phiếu. Khó khăn đó khiến doanh nghiệp gặp ảnh hưởng về kế hoạch trả nợ, dẫn đến ảnh hưởng về vay tín dụng.
Becamex cũng cho rằng, tín dụng không khó chỉ khi doanh nghiệp tiếp cận ngân hàng thì pháp lý chưa đầy đủ.
Chủ tịch Becamex cho biết, trong xu thế mới, nếu hoạt động đơn thuần là kinh doanh bất động sản thì sẽ rất khó khăn. Vì vậy, lĩnh vực mà Becamex sẽ tập trung trong năm 2024 là phát triển nhà ở xã hội phục vụ công nhân và người dân tại Bình Dương. Becamex dự định vừa xây dựng và vừa mở rộng từ 10.000-20.000 căn hộ trong năm nay.
Do đó, Becamex mong các ngân hàng có những chính sách mới, có những gói tín dụng mới triển khai để các doanh nghiệp nắm bắt, để có cơ sở xây dựng và tạo điều kiện kết nối nguồn vốn tín dụng tốt nhất.
Đồng thời, đảm bảo lĩnh vực mới này phát triển vì hiện nay phát triển năng lượng tái tạo chưa có ưu đãi đặc biệt, khác biệt so với những quy định hiện tại.
Ngoài ra, Becamex mong Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm để khi đầu tư một hệ sinh thái toàn diện thì du lịch rất tốt trong việc thu hút đầu tư. Cùng với đó là quan tâm việc tăng vốn điều lệ của các doanh nghiệp cũng như Becamex trong thời gian sắp tới, để Becamex có nguồn lực mới đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.