Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đua nhau bán cổ phiếu, thu về hàng trăm tỷ

Lý do bán cổ phiếu được đưa ra phần lớn nhằm phục vụ mục đích cá nhân hoặc muốn giảm tỷ lệ sở hữu...

Trong thời gian gần đây, làn sóng lãnh đạo doanh nghiệp ồ ạt bán ra cổ phiếu đang trở thành tâm điểm chú ý, với lý do được đưa ra nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc giảm tỷ lệ sở hữu.

Mới đây nhất, Công ty Cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT) vừa thông báo về giao dịch cổ phiếu của người nội bộ công ty. Theo đó, ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng ban kiểm soát Tập đoàn FPT đã đăng ký bán ra 60.000 cổ phiếu FPT theo phương thức khớp lệnh trong khoảng thời gian từ ngày 17/10/2024 đến ngày 15/11/2024.

Hiện tại, ông Thắng đang sở hữu 185.841 cổ phiếu FPT. Nếu giao dịch diễn ra thành công, ông Thắng sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại FPT xuống 0,01% vốn, tương đương 125.841 cổ phiếu.

Tạm tính theo giá giao dịch của cổ phiếu FPT trên thị trường ngày 15/10 là 136.800 đồng/cổ phiếu, ông Thắng có thể thu về hơn 8,2 tỷ đồng từ giao dịch trên.

Thị giá cổ phiếu FPT trong thời gian gần đây

Theo thông tin mới công bố, Công ty Cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC (mã chứng khoán: VRC) cho biết, ông Từ Như Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đã đăng ký bán toàn bộ hơn 6,26 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, tương đương 12,53% vốn điều lệ của công ty.

Giao dịch này dự kiến sẽ được thực hiện từ ngày 16/10/2024 đến ngày 14/11/2024 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Mục đích giao dịch của ông Quỳnh là nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.

Cùng khoảng thời gian trên, ông Phan Văn Tướng, Thành viên Hội đồng quản trị VRC cho biết đã bán thành công 2 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ hơn 9,32 triệu cổ phiếu, tương đương 18,65% vốn xuống còn hơn 7,32 triệu cổ phiếu, tương đương 14,65% vốn. Giao dịch này có tổng giá trị khoảng 14,68 tỷ đồng.

Động thái thoái vốn của các lãnh đạo cấp cao tại VRC diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này đang trải qua nhiều xáo trộn về nhân sự. Trước đó, vào ngày 3/10, Hội đồng quản trị VRC đã ra nghị quyết miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Minh Khiêm khỏi vị trí Tổng Giám đốc, đồng thời bổ nhiệm bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Như đảm nhận vị trí này.

Cùng với đó, người đại diện pháp luật của công ty cũng được chuyển từ bà Khiêm sang bà Như. Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Phòng, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán, cũng đã xin từ chức kể từ ngày 3/10/2024 vì lý do cá nhân.

Chủ tịch và Thành viên Hội đồng quản trị VRC đồng loạt thoái vốn khỏi doanh nghiệp

Trong thông báo mới nhất của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ), ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty đã đăng ký bán 500.000 cổ phiếu PNJ thông qua phương thức thỏa thuận khớp lệnh.

Thời gian giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 14/10/2024 đến ngày 12/11/2024. Nếu giao dịch thành công, ông Thông sẽ giảm sở hữu tại PNJ từ hơn 1,7 triệu cổ phiếu xuống còn 1,2 triệu cổ phiếu, tương đương 0,36% vốn điều lệ của công ty. Nguyên nhân cho quyết định này là do nhu cầu tài chính cá nhân của ông.

Không kém phần đáng chú ý, bà Đặng Thị Lài, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc cao cấp, kiêm thành viên Hội đồng thành viên công ty con của PNJ, cũng đã đăng ký bán ra 600.000 cổ phiếu PNJ trong khoảng thời gian từ ngày 14/10 đến 30/10. Nếu giao dịch diễn ra thuận lợi, bà Lài sẽ giảm sở hữu tại PNJ từ 2,46 triệu cổ phiếu xuống còn 1,86 triệu cổ phiếu, tương đương 0,55% vốn điều lệ của công ty.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/10, cổ phiếu PNJ đạt mức 94.100 đồng/cổ phiếu. Ước tính, nếu các giao dịch thành công, ông Thông sẽ thu về hơn 47 tỷ đồng, trong khi bà Lài sẽ thu về khoảng 57,5 tỷ đồng từ việc bán bớt cổ phiếu PNJ.

Loạt lãnh đạo PNJ đồng loạt thoái vốn sau khi doanh nghiệp bị xử phạt

Tương tự, ông Nguyễn Hồ Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán APG (mã chứng khoán: APG) đã bán thành công 5 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 1/10/2024 đến ngày 4/10/2024.

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của vị Chủ tịch này giảm từ 5,27%, tương ứng 11,8 triệu cổ phần xuống còn 3,03%, tương ứng 6.8 triệu cổ phần, chính thức không còn là cổ đông lớn của Chứng khoán APG.

Chiếu theo giá kết phiên ngày 4/10 của cổ phiếu APG là 9.450 đồng/cổ phiếu, ước tính ông Hưng có thể thu về 47 tỷ đồng sau khi bán bớt cổ phiếu.

Thị giá cổ phiếu APG trong thời gian gần đây

Ngoài Chủ tịch Nguyễn Hồ Hưng, các lãnh đạo cấp cao khác của Chứng khoán APG như bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, người phụ trách quản trị công ty và ông Trần Thiên Hà, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc cũng đã bán bớt cổ phiếu APG.

Cụ thể, bà Nga bán thành công hơn 226.000 cổ phiếu trên tổng số 236.000 cổ phiếu đăng ký bán trong khoảng thời gian từ ngày 12/9/2024 đến ngày 1/10/2024. Sau giao dịch, bà Nga còn nắm giữ 10.000 cổ phiếu, tỷ lệ 0,0045% vốn. Lý do không bán hết cổ phiếu, theo bà Nga, do chưa đạt giá như kỳ vọng.

Trong khi đó, ông Hà đã bán hơn 673.010 cổ phiếu theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận trong thời gian từ 21/8/2024 đến 17/9/2024, giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ xuống còn 340.000 đơn vị, tương ứng tỷ lệ 0,15%.

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank – mã chứng khoán: SSB), ông Lê Tuấn Anh, con trai bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch thường trực ngân hàng, đăng ký bán 1,5 triệu cổ phiếu SSB từ ngày 17/10/2024 đến 15/11/2024 theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh. Nếu giao dịch thành công, ông Tuấn Anh sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại SeABank từ 1,886% xuống 1,833%.

Tạm tính theo giá đóng cửa phiên ngày 15/10 của cổ phiếu SSB là 17.400 đồng/cổ phiếu, số tiền ông Tuấn Anh có thể thu về từ giao dịch này là khoảng 26,1 tỷ đồng.

Con trai Phó Chủ tịch SeABank đăng ký bán 1,5 triệu cổ phiếu SSB

Trước đó không lâu, trong khoảng thời gian từ ngày 12/9/2024 đến ngày 9/10/2024, con trai Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Nga cũng đăng ký bán 1,5 triệu cổ phiếu SSB theo phương thức khớp lệnh.

Tuy nhiên, do điều kiện thị trường chưa phù hợp, ông Tuấn Anh chỉ bán được 501.800 cổ phiếu, qua đó giảm số cổ phiếu nắm giữ xuống còn 53,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 1,886%.

Có thể bạn quan tâm