Hiện, UBND TP. HCM đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét đề xuất này. Ngoài ra, kiến nghị Bộ xác định loại hình cần chuyển đổi cho từng khu chế xuất, khu công nghiệp thành khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao đối với khu công nghiệp hiện hữu.
UBND thành phố cũng kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển khu công nghiệp như: ban hành luật về khu chế xuất, khu công nghiệp, trong đó quy định tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các Ban Quản lý các khu công nghiệp tại địa phương; bổ sung chức năng thanh tra, xử phạt cho Ban Quản lý để nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với khu chế xuất, khu công nghiệp và kịp thời xử lý các vi phạm của doanh nghiệp.
Hiện, tính đến ngày 30/9/2019, các khu chế xuất, khu công nghiệp đã thu hút 1.607 dự án đầu tư (còn hiệu lực) với tổng vốn đầu tư đăng ký 10,71 tỷ USD. Hơn 1.200 dự án đã đi vào sản xuất thu hút hơn 290.000 lao động. Lực lượng lao động chủ yếu là lao động trẻ, có độ tuổi trung bình từ 18 đến 25; lao động nhập cư chiếm trên 70% và lao động nữ chiếm khoảng 60% tổng số lao động.
TP. HCM đang đau đầu vì tình trạng các KCN, KCX “bao vây” thành phố, trong khi hiệu quả kinh tế lại không được như kỳ vọng. Để cải thiện tình hình, thành phố quyết định can thiệp bằng chính sách, quản lý về giá và nhiều vấn đề khác nhau… nhằm tăng sức cạnh tranh.
Nguyên do chính khiến việc quy hoạch ở các khu công nghiệp trở nên lộn xộn là bởi hầu hết chúng do doanh nghiệp tư nhân làm. Ai đưa tiền nhanh và nhiều sẽ nhanh chóng được cấp chỗ. Thêm nữa, để có thể khai thác hết công suất của các KCN, các ông chủ đều xin giấy phép kinh doanh với tiêu chí lĩnh vực càng rộng càng tốt.
Thông tin đăng trên The Leader