Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng giao Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo người đứng đầu các khu, cụm công nghiệp và chủ đầu tư, chủ các DN trong các khu, cụm công nghiệp rà soát, không cho phép người lao động nước ngoài và Việt Nam lưu trú trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, báo cáo UBND thành phố trước ngày 25/9.
Giám đốc Công an thành phố khẩn trương rà soát, thu hồi các giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để làm ngành nghề đầu tư kinh doanh dịch vụ lưu trú đối với các vị trí trong các khu, cụm công nghiệp đã cấp không đúng quy định. Đồng thời tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để làm ngành, nghề đầu tư kinh doanh dịch vụ lưu trú không đúng quy định.
Sau ngày 10/10, UBND thành phố sẽ xem xét trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có liên quan nếu tình trạng trên còn tiếp diễn.
Đáng lưu ý, trước khi công văn này ra đời chưa đầy 1 tuần, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã đột xuất xuống kiểm tra KCN An Dương. Cụ thể, theo báo chí đưa tin, chiều ngày 13/9, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã cùng lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan kiểm tra tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh Khu công nghiệp An Dương.
Phải lưu ý rằng, theo lịch làm việc được công khai trên Cổng thông tin điện tử Hải Phòng, chiều ngày 13/9, ông Tùng dự kiến Họp Thường trực Tỉnh ủy (TTTU). Do đó, phải có nguyên nhân nào đó khiến ông Chủ tịch bỏ cả cuộc họp TTTU để “sâu sát” xuống kiểm tra.
Qua nghe báo cáo và kiểm tra thực tế, Công ty TNHH Liên hợp đầu tư Thâm Việt (Trung Quốc) trực tiếp quản lý đã triển khai xây dựng theo quy hoạch được duyệt, tỷ lệ lấp đầy KCN An Dương đạt gần 60%.
Tuy nhiên, còn một số thiếu sót, như một số nhà thầu thi công xây dựng nhà tạm tại lô đất CX5 (quy hoạch phê duyệt là đất trồng cây xanh); sử dụng một số khu đất công cộng xây dựng “nhà tạm” phục vụ công tác điều hành kết hợp sinh hoạt và lưu trú; một số nhà thầu và người làm việc lưu trú và sinh hoạt tại KCN.
Các công trình vi phạm này đều là nhà lắp ghép bằng các vật liệu nhựa, thép, không phải nhà xây kiên cố vì vậy việc tháo dỡ khu nhà sẽ được triển khai nhanh trong thời gian sớm nhất.
Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch Hải Phòng đã yêu cầu Công ty TNHH Liên hợp đầu tư Thâm Việt trước ngày 28/9/2019 phải khẩn trương tháo dỡ ngay các nhà tạm xây dựng không phù hợp với quy hoạch tại lô đất CX5 và đất công cộng chỉ để lại nhà tạm phục vụ công tác điều hành thi công tại công trường, đồng thời thực hiện ngay việc trồng cây xanh, xây dựng tường bao KCN...
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng giao Sở Xây dựng chỉ đạo Thanh tra Sở khẩn trương xử lý các vi phạm của Công ty TNHH Liên hợp đầu tư Thâm Việt theo quy định; kiểm tra, giám sát và đôn đốc chủ đầu tư tháo dỡ công trình xây dựng không phù hợp với quy hoạch.
Có thể nhìn nhận, đây là một “phát hiện lớn” của lãnh đạo thành phố Hải Phòng, mà đứng đầu là Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng khi đã “sâu sát”, trực tiếp thành lập đoàn kiểm tra đột xuất xuống KCN An Dương và phát hiện sai phạm xây dựng.
Đáng chú ý rằng, vụ phát hiện này diễn ra không lâu sau khi vụ việc 400 người Trung Quốc đánh bạc tại khu đô thị Our City được phanh phui.
Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch Thành phố Hải Phòng cũng đã thẳng thắn không ngại các yếu tố nước ngoài mà yêu cầu Công ty TNHH Liên hợp đầu tư Thâm Việt phải tháo dỡ các công trình tạm này.
Không rõ ông Tùng vô tình hay cố ý, nhưng theo thông tin được nêu ra, chỉ biết khu nhà tạm này đã được xây lên, hoàn thiện và hoạt động trong KCN. Còn khu nhà ấy xây từ bao giờ, cho ai ở, tại sao suốt thời gian xây và vận hành trước đó khu nhà ấy không bị phát hiện là sai phạm thì không hề được nhắc tới!?
Phải lưu ý rằng, trách nhiệm giám sát xây dựng trong KCN là của Thanh tra Sở Xây dựng. Còn trách nhiệm giám sát, quản lý người nước ngoài lưu trú trên địa bàn nói chung và trong KCN nói riêng là cơ quan Công an. Và chịu trách nhiệm chung về những vấn đề này, đồng thời liên quan tới thu hút nguồn vốn FDI của thành phố, theo phân quyền hiện nay, đương nhiên là ông Chủ tịch thành phố.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, cả Thanh tra Sở xây dựng, cơ quan Công an lẫn vị Chủ tịch này lại để DN Trung Quốc thản nhiên xây hoàn chỉnh công trình – được gọi là nhà tạm cho công nhân – ngay trong KCN.
Do đó, trong trường hợp này, sẽ thật khiên cưỡng, thậm chí có thể dùng từ gian dối, để dùng từ “nhà tạm” khi nói về việc phát hiện ra sai phạm.
Nên lưu ý, vụ việc đánh bạc của Our City không phải là do Hải Phòng phát hiện, mà chỉ tới khi Bộ Công an vào cuộc, Hải Phòng mới ngã ngửa khi “được báo” có hơn 400 người Trung Quốc đánh bạc trong Our City. Và việc quy trách nhiệm cho Hải Phòng trong việc quản lý trật tự xã hội đến nay vẫn chưa có thông tin.
Từ Our City đến KCN, có thể thấy rằng, việc DN có thể xây dựng, hoàn thiện khu“nhà tạm”này mà không bị cơ quan quảnlý–mà trực tiếp ở đây là ôngChủ tịch, Sở Xây dựng, Sở Công an – nhắc nhở là có dấu hiệu buông lỏng quản lý.
Điều này, gây ra thiệt hại lớn cho DN, khi tốn chi phí – là một phần vốn FDI– để xây dựng công trình, và rồi lại phải tự tháo dỡ các công trình vốn không đáng được xây lên.
Đấy là chưa kể, đây mới chỉ phát hiện một chỗ vi phạm, không biết trong các KCN của Hải Phòng còn bao nhiêu chỗ vi phạm như này nữa. Trong buổi kiểm tra chiều 13/9, không rõ ông Chủ tịch chỉ phát hiện mỗi sai phạm tại lô đất CX5, hay còn gì nữa mà chưa tiện nêu tên!? Và, người ta đang chờ cái mốc 10/10 để UBND thành phố sẽ xem xét trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có liên quan... nếu tình trạng trên còn tiếp diễn.