Trước thời điểm lên sàn, Việt Thắng đã có kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng. Năm 2016, Việt Thắng đạt doanh thu hợp nhất 2.491,5 tỷ đồng, tăng 6,46% so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông đạt 110,8 tỷ đồng, tăng 94,9%; thu nhập trên cổ phiếu đạt 5.128 đồng/cổ phiếu.
Tổng tài sản tính đến 31/12/2016, đạt 1.788 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 625 tỷ đồng, trong đó có 210 tỷ đồng vốn góp. Giá trị sổ sách (BV) của Công ty đạt 26.361 đồng/cổ phiếu.
Hiện Việt Thắng là một trong những công ty dệt có quy mô lớn với 64.000 m2 nhà xưởng, nhà máy sợi đạt công suất 9.000 tấn/năm, nhà máy dệt đạt công suất 60 triệu m2/năm. Thị trường trong nước đang là thị trường chủ lực của Việt Thắng, đóng góp trung bình hơn 61% doanh thu thuần hảnh năm. Năm 2016, doanh thu từ thị trường nội địa đạt 1.578,3 tỷ đồng, tăng 11,71% so với năm 2015.
Năm 2017 Việt Thắng dự kiến doanh thu tăng 2,61%, đạt mức 2.557 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế dự kiến 95 tỷ đồng, giảm hơn 19% so với năm 2016. Song năm 2018, dự kiến doanh thu giảm 2,55% so với năm 2017; lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt khoảng 98 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác, tháng 3 năm ngoái, "người anh em" May Việt Tiến đã quyết định đưa 42 triệu cổ phiếu giao dịch trên sàn UpCom với mã VGG. Tuy nhiên, hơn một năm lên sàn, cổ phiếu VGG ít khi được giao dịch, giá cổ phiếu cũng không thay đổi nhiều so với lúc lên sàn dù VGG có mức P/E chỉ dưới 7 lần.
Liệu rằng Việt Thắng có tạo nên sức hút khác biệt so với May Việt Tiến khi lựa chọn niêm yết lên sàn HOSE thay vì UpCom?
>> Vinatex muốn “cởi trói” cho cổ đông chiến lược Vingroup, VID Group