Lớp học làm quý tộc có 1-0-2 của giới thượng lưu Trung Quốc

Giới thượng lưu Trung Quốc đang đổ xô tới các lớp học lễ nghi, nhưng họ muốn vừa được xã hội phương Tây coi trọng, vừa duy trì được những truyền thống cổ xưa.
Lớp học làm quý tộc có 1-0-2 của giới thượng lưu Trung Quốc

Jacqueline Tang – một giáo viên piano tại Nhạc viện Thượng Hải, từng làm giám khảo cho nhiều cuộc thi quốc tế tại Italy và Tây Ban Nha - tin rằng không bao giờ là quá muộn để cải thiện bản thân. Hôm nay, những người thuộc tầng lớp thượng lưu ở Thượng Hải đang học cách đứng dậy từ ghế sô pha nhung với một cuốn sách đặt trên đầu.

Hai người phụ nữ ăn mặc trang nhã ngẩng đầu lên nhìn, nhấp trà và lịch sự vỗ tay trước từng cử chỉ duyên dáng. Bà Tang cười đầy lo lắng nhưng không nhúc nhích, vẫn đứng thẳng với hai bàn tay kín đáo khép chặt trước tà váy xanh lam. Bà đang được dạy làm sao để KHÔNG ngồi xuống.

"Bạn luôn phải giữ thẳng lưng khi ngồi xuống và đứng dậy. Đừng chổng mông lên trời hay cúi mặt xuống đất," giáo viên của bà - một người Paris chính gốc có tên là Guillaume Rue de Bernadac - nói. Anh đang đứng ở rìa lớp, hướng dẫn mọi người bằng cả tiếng Trung, tiếng Pháp và tiếng Anh.

Trên bàn bày la liệt các loại bát đĩa đắt tiền, ấm bạc, sandwich cầu kỳ, bánh mì nướng và macaroon. Đây là phòng trà Salon de Ville sang chảnh tại khách sạn Waldorf Astoria nhìn ra Bến Thượng Hải. Nhạc cổ điển du dương khắp phòng. Những bài học của chiều nay, từ cách vắt chân cho đến vị trí đặt chén trà, chỉ mới vừa bắt đầu.

Nhu cầu hòa nhập với xã hội phương Tây

Xu hướng này đang phản ánh những thay đổi sâu sắc đang càn quét xã hội Trung Quốc ngày nay. Bùng nổ kinh tế đã tạo ra một thế hệ giàu có mới, nhưng rất ít người trong số họ được tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây hay đi du lịch quốc tế.

De Bernadac - một trong những giáo viên dạy lễ nghi được "săn tìm" nhất Trung Quốc - cho biết, khách hàng của anh vừa muốn thích nghi với những thay đổi của xã hội, vừa không muốn lãng quên cội nguồn và truyền thống Trung Hoa.

"Họ không muốn trở thành người phương Tây, bởi họ tự hào là người Trung Quốc. Tuy nhiên, họ cũng muốn được cộng đồng quốc tế chào đón và tôn trọng", De Bernadac - thường được khách hàng gọi là Gill - chia sẻ trong giờ nghỉ giải lao.

"Nếu bạn đến Mỹ hay Australia và ăn tối với đối tác kinh doanh ở một nơi sang trọng, bạn cần phải biết cách gọi món."

Có nhiều giáo viên lễ nghi khác ở Trung Quốc, nhưng de Bernadac là người duy nhất tự mình mở lớp mà không cần đối tác người địa phương. Người đàn ông Paris này luôn làm đúng như những gì mình vẫn dạy học viên. Anh chính là hiện thân của lịch sự và phong cách, trong bộ suit 2 hàng khuy, phối cùng cà vạt màu đỏ và khăn cài túi hợp màu.

Hành xử như một vị quý tộc thực sự

Nghề dạy lễ nghi đã có trong gia đình de Bernadac cách đây 4 thế hệ. Cụ và bà của anh từng là gia sư về lễ nghi cho hoàng gia Morocco trong nhiều thập kỷ kể từ 1920. De Bernadac và em trai được bà dạy cho phép tắc ứng xử từ khi còn nhỏ. Anh cho biết, họ không được phép ăn tráng miệng nếu không ngồi thẳng lưng tại bàn ăn. Để xác định, họ phải kẹp một mảnh giấy dưới nách và duy trì tư thế đó trong suốt bữa ăn.

Sau khi nghiên cứu thị trường và thâm nhập vào Trung Quốc năm 2011, anh đã quay lại Thượng Hải vào năm 2014 để thành lập Học viện De Bernadac, cộng tác cùng các thương hiệu xa xỉ và đào tạo nhân viên ngành khách sạn. 95% số học viên của anh là phụ nữ, nhưng ngày càng có nhiều gia đình gửi chồng, con tới các lớp học này.

Theo De Bernadac, nhiều khách hàng ở đây là các nữ doanh nhân thành đạt, chứ không chỉ có các bà nội trợ buồn chán và các ông chồng giàu có.

"Ở đây không có nhiều người làm nội trợ toàn thời gian. Hầu hết họ đều là nữ doanh nhân có thành tựu của riêng mình. Họ quyết tâm muốn trở thành một con người tốt hơn."

Trong số các học viên đến vào chiều hôm đó, có 2 người hoàn toàn phù hợp với lời miêu tả của De Bernadac: Chu Mingjingjing - đại sứ của một thương hiệu xa xỉ tại Thượng Hải - và nhà thiết kế trang sức Angela Chen. Cả hai đều lớn lên tại Thượng Hải và trông không có vẻ gì là cần học lễ nghi phương Tây.

Bà Chen - người từng có thời gian học tập tại Canada - cho biết, bà tình cờ tham gia lớp học này sau khi gửi đứa con trai 14 tuổi của mình tới đây để học cách ứng xử theo kiểu châu Âu.

"Dạo này con trai tôi hơi bận, nên tôi đi thay," bà Chen nói. Bà đã thành lập thương hiệu trang sức Angela Jewels vào 6 năm về trước.

"Tôi học được rất nhiều điều. Xuất thân từ gia đình gốc Thượng Hải, tôi được bà mình dạy cho quy tắc ứng xử trên bàn ăn khi còn bé. Tuy nhiên, khi du học tại British Columbia, tôi nhận thấy có sự khác biệt rõ rệt về văn hóa giữa hai nơi, cho dù Thượng Hải cũng là một thành phố hơi hướng châu Âu."

"Chúng tôi uống Bạch Tửu (rượu trắng), còn họ uống bia và rượu vang. Tôi nghĩ chúng tôi có thể học được gì đó. Con trai tôi muốn du học ở Anh hoặc Mỹ, nên sớm hay muộn thì thằng bé cũng phải học cách ứng xử kiểu phương Tây."

Văn hóa ứng xử được mua bằng tiền

Sở hữu một công ty kinh doanh các mặt hàng xa xỉ mang tên Luxe China, bà Chu phải thường xuyên gặp gỡ các nhân vật hoàng gia châu Âu, chẳng hạn như công chúa Italy Catherine Colonna de Stigliano. Gia đình bà từng sở hữu một nhà xuất bản trước năm 1949. Dù phong cách châu Âu tại Thượng Hải đã biến mất sau Cách mạng Văn hóa, bà cho rằng nó đang quay trở lại.

"Tôi nhớ mình đã từng nhìn thấy những quý bà trang nhã và duyên dáng nhất những năm 80 và 90 ở Hồng Kông và Đài Loan. Họ quý phái một cách tự nhiên; họ ăn mặc thời trang và đẳng cấp. Họ đã sống trong thời kỳ hoa lệ nhất của Trung Quốc và đó là điều đáng được gìn giữ."

Số lượng người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài hay gửi con đi du học ngày càng tăng, hầu hết là từ tầng lớp trung lưu trở lên. Theo Hurun Rich List, năm ngoái Trung Quốc có 1893 người sở hữu tài sản trên 2 tỷ tệ (420 triệu US). Trong đó, có 620 tỷ phú USD, tăng gấp 6 lần so với 1 thập kỷ trước.

Dù tiền không thể mua được khiếu thẩm mỹ bẩm sinh, nhưng dường như nó có thể mua được văn hóa ứng xử tại Trung Quốc. Các lớp tập thể có mức phí 4.000-7.900 tệ/người. Lớp một thầy một trò có giá 12.000 tệ/ngày. Các nhóm doanh nghiệp thì phải trả 12.000-30.000 tệ/ngày.

Bài giảng về tư thế lại tiếp tục. De Bernadac đang chỉ cho các quý bà quý cô cách ngồi để chân trông dài và thon hơn. Bí mật nằm ở chỗ, hãy đặt chân này lên chân kia ở phần cổ chân. Còn tay?

"Muốn tay trông không to, hãy đặt bàn tay lên cổ tay," anh tiết lộ.

Không phải cứ nhiều tiền là giàu

Học cách uống trà cũng phức tạp chẳng khác nào bước vào một bãi mìn. Bạn được phép bốc tay, chừng nào tay bạn không dính. Hành động chấm bánh mì vào trà bị cấm tuyệt đối. Bạn phải bắt đầu từ món mặn đến món ngọt, từ dưới tháp lên trên cao. Khăn ăn phải được gấp thành hình tam giác với những vệt son môi được giấu kín bên trong.

Người Trung Quốc vốn có truyền thống uống trà lâu đời, nhưng trớ trêu thay, lớp học dạy uống trà của de Bernadac lại là một trong những lớp học phổ biến nhất. Ngoài ra, ở đây còn có các lớp dạy ứng xử, văn hóa trên bàn tiệc và diễn thuyết trước công chúng.

Khi được hỏi về Crazy Rich Asians - tác phẩm khắc họa cuộc sống xa hoa của giới nhà giàu Singapore - và ảnh hưởng của bộ phim tới hình ảnh của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc, cả 3 người phụ nữ đều cho biết họ không nghĩ quá nhiều về nó. Tuy nhiên, họ có biết 1 diễn viên trong đó.

"Trung Quốc là một quốc gia non trẻ. Chúng tôi có hơn 5000 năm lịch sử, nhưng đất nước này, chính phủ này vẫn còn rất mới," bà Chen vừa bày tỏ, vừa khuấy tách trà theo "hướng từ 6h đến 12h" như được dạy lúc nãy.

"Trong vòng 20 năm qua, mọi người đều giàu lên trong một khoảng thời gian rất ngắn. Họ có tiền, nhưng còn tinh thần và giá trị thì sao? Đó mới là điều họ đang tìm kiếm."

Khung cảnh lớp học này chính là phiên bản Trung Quốc của bộ phim My Fair Lady. Bà Tang và các đồng môn chỉ là vài người trong số hàng nghìn phụ nữ Trung Quốc giàu có đang tham gia các lớp như thế này - nơi họ học mọi thứ, từ cách ứng xử cho đến văn hóa trên bàn tiệc và diễn thuyết trước công chúng.

Đối với bà Tang - người thường xuyên giao du với giới thượng lưu ở châu Âu và Mỹ, đây là bước đi cần thiết trong quá trình phát triển của tầng lớp trung lưu mới tại Trung Quốc. Theo bà, văn hóa ứng xử của người giàu tại quốc gia này chưa tương xứng với số tài sản mà họ sở hữu.

"Nó phản ánh nền tảng giáo dục của bạn. Nếu bạn nhai lạo xạo khi ăn, mọi người sẽ bảo: ‘Đó là một tên trọc phú; anh ta chẳng có gì ngoài tiền.’ Càng giàu lên, người Trung Quốc càng nhận ra điều đó," bà Tang - giáo viên piano tại Nhạc viện Thượng Hải, từng làm giám khảo cho nhiều cuộc thi quốc tế tại Italy và Tây Ban Nha - giải thích.

"Ai cũng ngưỡng mộ cái đẹp, nhưng mặt đẹp chỉ là một phần. Bạn có thể sở hữu một bó hồng đẹp, nhưng bạn cần một chiếc lo hoa tốt để cắm chúng. Tôi đưa con gái mình tới đây để học. Con bé mới 15 tuổi. Tuy nhiên, lớp học này cũng tốt cho cả đàn ông, không chỉ mỗi phụ nữ."

Theo Trí Thức Trẻ

Có thể bạn quan tâm

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Black Friday là gì và tại sao người tiêu dùng lại “mê” ngày lễ mua sắm này đến vậy?

Black Friday là gì và tại sao người tiêu dùng lại “mê” ngày lễ mua sắm này đến vậy?

Black Friday, thường diễn ra vào ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn tại Mỹ, là khởi đầu cho mùa mua sắm cuối năm ở nhiều quốc gia. Ngày này được biết đến với những đợt giảm giá lớn và ưu đãi hấp dẫn tại các cửa hàng và trang thương mại điện tử, thu hút hàng triệu người mua sắm trên toàn cầu…