Lừa dối khách hàng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của khách hàng. Hành vi lừa dối khách hàng diễn ra không hề ít trong hoạt động kinh doanh hiện nay.
Bóc trần những hành vi lừa khách hàng qua các dự án bất động sản?
Liên quan đến một số cá nhân của Công ty Cổ phần Bất động sản Khải Hoàn Land, trong quá trình thu thập thông tin, Thương Gia được một khách hàng trú tại TP. Hồ Chí Minh thông tin, trước đây do đã đầu tư và mua một số dự án do Khải Hoàn Land nên khách hàng này có thân quen với bà Nguyễn Thị Thu Huyền là nhân viên kinh doanh của Khải Hoàn Land.
Vị khách hàng nói, tháng 02/2022 bà Huyền liên tục chào bán cho khách hàng này Dự án Celesta Avenue tại đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè. Theo lời bà Huyền, dự án này thích hợp để đầu tư nhanh, lướt sóng và dự án này chỉ bán suất nội bộ nên sẽ có giả tốt và đảm bảo có thể chuyển nhượng được ngay khi chủ đầu tư ký Hợp đồng đặt cọc và được khoản lợi nhuận cao.
Vị khách hàng phản ánh, bà Huyền nói đây là suất nội bộ và dự án này quá tốt, nên để mua được khách hàng phải trả cho chủ đầu tư một khoản tiền "lót tay" là 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng)/căn, và bà Huyền cũng không thể tự mua được mà phải thông qua sếp của bà là bà Lê Thị Như Ca – khi ấy còn là Phó Tổng Giảm đốc Khải Hoàn Land mới có thể dàn xếp được. Đồng thời mỗi người cũng chỉ được mua tối đa 2 căn nên nếu muốn mua khách hàng phải để người nhà đứng tên ký hợp đồng mua bán.
Sau khi xem dự án cũng như vị trí các căn biệt thự trên bản đồ, bà Huyền cam kết sẽ lấy được các căn biệt thự có vị trí đẹp. "Khi đồng ý mua các căn biệt thự có các vị trí C4, C5, C6, C7, C10 và C11 tôi đã chuyển tiền “lót tay” để mua những căn biệt thự trên cho bà Ca và một nhân viên kinh doanh khác của Khải Hoàn Land. Để tạo niềm tin cho khách hàng, bà Huyền đã dàn cảnh cho một số người hỏi mua căn biệt thự tôi mới chuyển tiền "lót tay", đồng thời hối thúc tôi tiếp tục mua thêm các căn biệt thự C13 C22, C23, C9", vị khách hàng cho biết.
Vị khách hàng tiếp lời, do tin tưởng việc phải chi tiền "lót tay" mới mua được những căn biệt thự như bà Huyền nói, tôi lần lượt chuyển tiền cho bà Ca, bà Huyền và một số cá nhân khác là nhân viên Khải Hoàn Land vào các tài khoản được chỉ định với tổng số tiền là 17.020.000.000 đồng (Mười bảy tỷ không trăm hai mươi triệu đồng).
Một thời gian sau vì lý do công việc, tôi không hối thúc cũng như hỏi thăm tiến độ hồ sơ chuyển nhượng, chỉ có một số lần nhắn tin hỏi thăm tỉnh hình thì bà Huyển viện lý do chủ đầu tư ở nước ngoài chưa ký được hợp đồng. Cuối năm 2022 tôi được người nhà báo rằng bà Huyền chủ động liên hệ người nhà tôi ký hợp đồng với chủ đầu tư mà không hề cho tôi được biết. Trong 4 hợp đồng đã được chủ đầu tư ký, có 2 căn không phải căn biệt thự tôi đã chọn mua và bà Huyền hứa sẽ “lấy được". Ngay sau khi phát hiện sự việc tôi đã gọi cho bà Huyền để làm rõ mọi chuyện nhưng bà Huyền đã chặn mọi liên lạc với tôi, trong khi đó bà Ca thì vòng vo nhằm né tránh trách nhiệm... vị khách hàng bức xúc cho biết.
Vị khách hàng tiếp lời, sau đó tôi có liên hệ với chủ đầu tư thì được biết Dự án Celesta Avenue được mở bán công khai, không hề có việc phải chi một khoản tiền “lót tay" là 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng) để được quyền mua.
Vị khách hàng khẳng định, "Từ những dấu hiệu trên, có thể thấy bà Huyền đã dùng thủ đoạn gian đối khi tạo cho tôi sự tin tưởng nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tiền của tôi. Bà Ca và một số nhân viên khác của Khải Hoàn Land là những người cấu kết, giúp sức cho bà Huyền chiếm đoạt tài sản của tôi".
Liên quan đến Dự án Celesta Avenue, theo thông tin chúng tôi thu thập được, Khải Hoàn Land là một trong những đơn vị phân phối dự án. Những thông tin đã nêu, dù bản chất không phải là chủ định của doanh nghiệp này, nhưng theo quan điểm của chúng tôi các cá nhân liên quan không thể thực hiện được hành vi nếu không “mượn danh” của Khải Hoàn Land. Do đó, ban lãnh đạo doanh nghiệp này cần xem xét lại sự việc và đưa ra hướng xử lý để tránh ảnh hưởng đến uy tín của mình.
Không giống như câu chuyện liên quan đến một số cá nhân của Khải Hoàn Land, câu chuyện của địa ốc Đại Tuấn Phát lại hoàn toàn khác. Cụ thể, mới đây Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu - Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Đồn Công an Cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Bùi Vĩnh Tuấn để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, Bùi Vĩnh Tuấn hiện là Giám đốc nhiều công ty như Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng địa ốc Đại Tuấn Phát, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển tập đoàn Đông Dương, Công ty Cổ phần tập đoàn Boss Land.
Bằng việc thành lập các công ty kinh doanh bất động sản, Tuấn đã lập ra các dự án khu dân cư trái phép với các tên gọi như đã nói ở trên sau đó lừa ký các hợp đồng bán cho nhiều người thu về số tiền hơn 80 tỷ đồng. Hiện, Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Tuấn.
Câu chuyện liên quan đến ông Chủ tịch của Tập đoàn Mường Thanh lại hoàn toàn khác. Theo dữ liệu của chúng tôi có được, với vai trò là người đứng đầu của Công ty cổ phần sản xuất – xuất nhập khẩu Bemes, ông Thản vẫn chỉ đạo thi công xây dựng dự án tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông vượt quy hoạch, hàng trăm căn nhà được xây dựng không phép và bán cho người dân.
Các hợp đồng mua bán căn hộ do ông Lê Thanh Thản ký với khách hàng đều cam kết "dự án xây dựng đúng quy hoạch" và hứa sẽ hỗ trợ người dân làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do tin tưởng vào quảng cáo gian dối từ công ty và cam kết của ông Thản, hàng trăm người mua nhà tại dự án mà không hề hay biết nhà xây vượt quy hoạch.
Chế tài xử phạt hành vi lừa đối khách hàng được quy định như nào?
Một trong những nguyên tắc cơ bản trong mọi giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại là trung thực, thiện chí. Nhưng, thực tế có không ít doanh nghiệp, cá nhân muốn bán được hàng hóa sản phẩm, thu lợi nhuận cao, đã có những hành vi gian dối khi thực hiện giao dịch như che dấu thông tin, cung cấp thông tin không chính xác, tư vấn sai lệch về sản phẩm, dịch vụ, gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của khách hàng.
Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hay xảy ra trường hợp tương tự, có không ít chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh, môi giới bất động sản để lôi kéo, dụ dỗ khách hàng xuống tiền đầu tư vào các dự án đã đưa những quảng cáo gian dối, không đúng sự thật; không công khai đầy đủ các thông tin về dự án và những thay đổi trong quá trình thực hiện đầu tư, chất lượng dự án… Hệ lụy là gây ra những tranh chấp, khiếu kiện khiến chính quyền và cơ quan chức năng phải vào cuộc giải quyết.
Để ngăn chặn tình trạng này, pháp luật cũng đã quy định rất rõ về chế tài, hình thức xử lý đối với hành vi lừa dối khách hàng. Cụ thể, về chế tài hành chính, hành vi lừa dối khách hàng có thể bị xử phạt được quy định tại Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng với mức phạt cao nhất 20 triệu đồng.
Từ lâu Bộ luật hình sự cũng đã quy định lừa dối khách hàng là tội phạm, cụ thể tội lừa dối khách hàng được quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự năm 1985 và điều 162 Bộ luật Hình sự 1999 và hiện nay là điều 198 Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, số vụ việc lừa dối khách hàng bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự trong thực tế rất hiếm.