Luật Dược (sửa đổi) cần dựa trên cơ sở “lấy người dân làm trung tâm”

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, thuốc là là mặt hàng quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người, tác động đến an ninh y tế nên các chính sách trong Luật Dược (sửa đổi) cần được dựa trên cơ sở “lấy người dân làm trung tâm”...

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra

Chiều 18/6, Quốc hội tổ chức họp phiên toàn thể tại hội trường nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo có 8 nội dung giao Chính phủ, 4 nội dung giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết, đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, có thể bổ sung một số quy định chi tiết ngay trong Luật, hạn chế các nội dung giao cho văn bản dưới luật và bổ sung các dự thảo văn bản quy định chi tiết còn thiếu.

Đồng thời, dự thảo Luật liên quan đến hơn 12 luật khác nên một số quy định cần tiếp tục được rà soát để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật.

Đối với vấn đề chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược, Ủy ban Xã hội thấy rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành dược. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dược trong nước chưa tận dụng được lợi thế của mình do thiếu nguồn lực và trình độ về kỹ thuật công nghệ còn hạn chế. Trong khi đó, các nhà đầu tư lớn nước ngoài lại sẵn sàng đầu tư với các dự án lớn, “thâu tóm” các doanh nghiệp dược trong nước và cạnh tranh với các sản phẩm dược trong nước bằng nhiều cách khác nhau.

Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với những chính sách được đề xuất trong lần sửa đổi này. Nhưng thuốc là mặt hàng quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người, tác động đến an ninh y tế, cần được đánh giá kỹ lưỡng, xem xét thận trọng và tổng thể trên cơ sở “lấy người dân làm trung tâm”, các sản phẩm dược cần được quản lý chặt chẽ.

Cần có chính sách hài hòa giữa việc thu hút đầu tư nước ngoài và bảo đảm sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa, tạo vị thế, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm cho các doanh nghiệp dược trong nước.

Theo đó, cần khai thác thế mạnh hiện có và tiềm năng của ngành dược bằng các cơ chế, chính sách, hỗ trợ mang tính đột phá, khả thi về vốn, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Cùng với đó, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực mà Việt Nam chưa tự chủ được như sản xuất thuốc mới, các sản phẩm điều trị tiên tiến, thuốc sinh học có giá trị cao.

Về quản lý giá, thuốc là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, trong nhiều quan hệ mua bán thuốc có sự bất cân xứng về thông tin, hiểu biết về thuốc và giá thuốc giữa người tiêu dùng và người bán.

Do đó, cần bảo đảm vai trò quản lý và tham gia điều tiết của Nhà nước. Giá thuốc cần được kiểm soát để hạn chế việc tăng giá thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cụ thể hơn nguyên tắc xác định “mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng tương tự” khi kê khai giá bán buôn dự kiến để thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật.

Đối với nội dung chứng chỉ hành nghề dược của người phụ trách công tác dược lâm sàng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Luật Dược 2016 quy định mỗi cá nhân chỉ được cấp 1 chứng chỉ hành nghề dược. Sở Y tế có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề dược với hình thức xét duyệt và Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề với hình thức thi.

Dự thảo Luật điều chỉnh một phần thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề dược từ Sở Y tế sang Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đối với người phụ trách công tác dược lâm sàng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý. Cho phép một cá nhân có thể được cấp 2 chứng chỉ hành nghề với 2 vị trí hành nghề (người được cấp chứng chỉ hành nghề dược vị trí phụ trách công tác dược lâm sàng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cấp thì được cấp thêm 1 chứng chỉ hành nghề dược cho các vị trí hành nghề dược khác hoặc ngược lại).

Về nội dung trên, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ đề xuất quy định, đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm sự đồng thuận cao và tính khả thi, đặc biệt là khi bổ sung quy định cho phép một cá nhân có thể được cấp 2 chứng chỉ hành nghề.

Chính phủ cũng cần làm rõ hình thức cấp chứng chỉ hành nghề, thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề cho vị trí khác ngoài vị trí phụ trách công tác dược lâm sàng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Xem thêm

Nhiều nhà thuốc tại TP.HCM đã bị xử phạt hành chính

Nhức nhối tình trạng thuốc không rõ nguồn gốc

Với hàng loạt sai phạm chủ yếu về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, nhiều cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn TP.HCM đã nhận được thông báo xử phạt từ Thanh tra Sở Y tế TP.HCM…

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...