Mặc “áo giáp” cho nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Với diễn biến hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp trước mắt để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư là việc bảo hiểm trái phiếu doanh nghiệp và xếp hạng tín nhiệm…
trái phiếu

Theo thống kê từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 chỉ đạt khoảng 338 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 47% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó phát hành ra công chúng giảm 67%, phát hành riêng lẻ giảm 65%). 

Bước sang năm 2023, thị trường vẫn khá trầm lắng khi trong 2 tháng đầu năm, chỉ có 2.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, bằng 9,3% cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, khi lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn cao và tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định trở lại sau các sai phạm, doanh nghiệp.

Mặc “áo giáp” để lấy lại niềm tin

Theo ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ tại toạ đàm “Giải pháp khơi thông thị trường vốn”, hiện nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Cốt lõi của thị trường chính là niềm tin. 

Niềm tin xuất phát từ 2 yếu tố. Thứ nhất là thị trường và vĩ mô ổn định. Thứ hai là trên các khoản đầu tư, nhà đầu tư phải được bảo vệ bằng luật và công bằng với các bên.

Ông Tú Anh cho rằng, để củng cố niềm tin là xếp hạng tín nhiệm đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang giai đoạn phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xếp hạng tín nhiệm quốc tế thì doanh nghiệp Việt Nam không qua được xếp hạng quốc gia. Bên cạnh đó, xếp hạng quốc gia của Việt Nam lại vẫn chưa phải mức khuyến cáo đầu tư nên thị trường sẽ đưa thông điệp rất khác với thị trường trong nước.

“Trong bối cảnh, bản thân các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước cũng đang xây dựng tín nhiệm, chúng ta quên mất vai trò của bảo hiểm. Nếu có bảo hiểm đầu tư, khi có rủi ro nhà đầu tư đã có bảo hiểm (công ty bảo hiểm) thì nhà đầu tư sẽ tín nhiệm, tin và xuống tiền”, ông Nguyễn Tú Anh cho hay.

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương tại tọa đàm "Giải pháp khơi thông thị trường vốn"
Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương tại tọa đàm "Giải pháp khơi thông thị trường vốn"

Bảo hiểm cho trái phiếu để phục hồi niềm tin của nhà đầu tư là vấn đề khá mới và gây tranh cãi.

Cũng tại toạ đàm trên, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm lưu ký, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, câu chuyện bảo hiểm của tổ chức kinh doanh chứng khoán được đặt ra từ lúc xây dựng thị trường. Hơn 20 năm đã bàn về vấn đề công ty chứng khoán có mua bảo hiểm khi đầu tư chứng khoán hay không? Ở đây gói gọn lại là mua bảo hiểm cho khoản đầu tư trái phiếu.

Theo ông Sơn, trái phiếu riêng lẻ chào bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể hiểu là sự dàn xếp tài chính giữa trái chủ và các tổ chức phát hành. Việc cần bảo hiểm hay không do hai bên cân nhắc, nếu mua muốn bảo hiểm thì chi phí bảo hiểm sẽ đưa vào giá vốn phát hành, làm giá vốn đội lên. 

Một doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ phát hành 10%-12%, nhưng nếu tính cả chi phí bảo hiểm giá vốn lên đến 15%. Nên việc có bảo hiểm hay không sẽ do thị trường quyết định.

Về vấn đề này, theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán Mỹ có định chế được thành lập từ năm 1970 để bảo hiểm cho khoản đầu tư nhằm bảo hiểm cho tài sản của nhà đầu tư trong trường hợp công ty chứng khoán có hành vi trái pháp luật như ăn cắp tiền trên tài khoản, sử dụng trái phép chứng khoán của nhà đầu tư… 

Còn việc bảo hiểm cho trái phiếu thì phải cân nhắc tính khả thi, phụ thuộc rất lớn vào chất lượng kinh doanh của tổ chức phát hành.

Sửa luật, tăng chế tài xử phạt

Theo bà Tạ Thanh Bình, việc sửa luật chứng khoán, tăng chế tài xử phạt để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư rất quan trọng. Trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ rà soát lại Luật Chứng khoán, các Nghị định liên quan để hoàn thiện khung pháp lý và thể chế tập trung vào quy định rõ phạm vi hoạt động và cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán. 

Tiếp đó, Uỷ ban sẽ bổ sung các quy định nhằm quản lý tốt hơn các nhà đầu tư, tăng cường các chế tài xử phạt vi phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư... từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, giải pháp trước mắt để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư là việc xếp hạng tín nhiệm.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương cho rằng, nên khuyến khích các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá tín nhiệm cho toàn bộ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Hiện tại nghị định 08/2023/NĐ-CP đã ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định về kết quả xếp  hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho đến hết năm 2023. 

“Đây cũng là khoảng thời gian cần thiết để giúp các doanh nghiệp có thể lên lộ trình cụ thể vào việc tham gia xếp hạng tín nhiệm, tuy nhiên cần phải xác định rõ đây là một nhiệm vụ cấp bách để giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư với thị trường, làm minh bạch hóa thị trường, giúp nâng hạng thị trường vốn Việt Nam, điều mà nhiều nước phát triển trong khu vực đã có từ rất lâu”, ông Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị.

Ngoài ra, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể phát triển toàn diện, lành mạnh, ngoài việc nâng cao chất lượng, tính minh bạch để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV kiến nghị 7 biện pháp cần đặc biệt chú tâm.

Thứ nhất, quyết liệt chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và nghiêm minh những vi phạm về phát hành trái vừa qua để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để đầu tư.

Thứ hai, cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng. 

Thứ ba, cần có chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm, công bố thông tin định hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nói chung.

Thứ tư, hoàn thiện hạ tầng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp như thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở dữ liệu về trái phiếu, về tài sản đảm bảo.

Thứ năm, hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát thị trường, như cơ chế quản lý đối với trái phiếu sau phát hành như quản lý tài sản đảm bảo, giám sát dòng tiền, quản lý mục đích sử dụng vốn.

Thứ sáu, cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thông qua tăng cường giáo dục tài chính cho nhà đầu tư cá nhân, đồng thời đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển nhà đầu tư tổ chức.

Thứ bảy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam là một cấu phần không thể tách rời của thị trường tài chính và bất động sản. Việc quản lý, định hướng phát triển cần được gắn chặt với hệ thống tài chính.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...