Mở cửa thời Covid: Bài toán nan giải

Ngày 11/3 đánh dấu tròn 1 năm từ ngày tổ chức ý tế thế giới chính thức công bố đại dịch COVID-19. Thế giới đã thay đổi khủng khiếp và sẽ không bao giờ quay trở lại như những năm trước đây.
Mở cửa thời Covid: Bài toán nan giải

"Vừa chống vừa chạy"

Thị trường chứng khoán tòa cầu sụp đổ, chỉ sau 2 tuần WHO công bố đại dịch toàn cầu, gần 4 tỉ người được khuyến cáo ở nhà. Biên giới giữa các quốc gia lần luợt được đóng lại, số người tử vong tăng dần lên từng ngày, vượt ngưỡng 1 triệu và rồi sang đầu năm 2021, số người chết vì COVID-19 đã vượt qua con số 2 triệu. Biến thể mới của Virus với khả năng lây lan nguy hiểm hơn xuất hiện, cuộc chạy đua tiêm vaccine của các nước (phần lớn các nước phát triển) tăng tốc.

Những ảnh hưởng kinh tế xảy ra khủng khiếp, về cơ bản tất cả các nền kinh tế bị ảnh hưởng lớn, thị trường chứng khoán, hệ thống phân phối hàng hóa toàn cầu bị đứt gãy. Lệnh đóng cửa (giãn cách xã hội) đã gần như đánh gục các ngành hàng không, du lịch, xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như hoạt động thương mại quốc tế. Làn sóng đại dịch thứ 2, thứ 3 với những biến thể virus mới liên tục đe dọa cả thế giới, việc triển khai tiêm vaccine cho người dân ở nhiều quốc gia dù đang được tiến hành nhưng vẫn còn rất nhiều tranh cãi – về những tác dụng đi kèm tác hại, bởi biến thể quá nhanh và khó lường của con virus nguy hiểm này.

Nhiều nước đã công bố và cảnh báo làn sóng dịch thứ 3 hoặc thậm chí thứ 4 (liên quan đến biến thể của virus). Tất cả đã ảnh hưởng nặng nề và dần chuyển thành mối đe dọa sự sống còn của kinh tế đa số các nước (đặc biệt là các nước phát triển). Đa số các quốc gia đã và đang lại đứng trước một bài toán nan giải, sống còn: Mở cửa xã hội để cứu nền kinh tế hay đóng cửa xã hội, kinh tế để cứu người dân?

Trong khi câu hỏi đó vẫn còn nhức nhối thì các chính phủ vẫn đang nhọc lòng với các biện pháp chống COVID-19 lây lan và chạy đua với việc sản xuất và tiêm vaccine cho mọi người dân.

Sức ép mở cửa

Tại Anh, sau lần đóng cửa toàn bộ đất nước lần thứ 3 vào đầu năm 2021, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã công bố kế hoạch mở cửa hiện trạng phong tỏa (Lockdown) theo lộ trình 4 bước. Tuy nhiên, ông cũng không quên lưu ý trong cuộc họp báo là tất cả kế hoạch sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu y tế, không phụ thuộc vào ngày tháng cụ thể nào (based on data, not date).

Theo kế hoạch, sẽ mở cửa lại một số sự kiện thể thao, sau đó là mở cửa các rạp chiếu phim, nhà hát (hoặc tương tự) từ 17.5 và nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, ông Johnson hy vọng sẽ mở cửa toàn bộ nền kinh tế sau ngày 21.6. Nhưng kế hoach này sẽ phụ thuộc vào bốn yếu tố căn bản như sau: Chương trình tiêm vaccine, dữ liệu khẳng định xu thế giảm số người phải điều trị trong bệnh viện và số lượng người tử vong vì COVID-19, sẽ không co các hiệu ứng phụ về y tế (do ảnh hưởng của vaccine) và điều cuối cùng - các biến thể mới của virus sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch mở cửa trở lại.

Giáo sư Julian Tang của trường Đại học Tổng Hợp Leicester đánh giá kế hoạch đó là hợp lý và có tính khả thi. Tuy nhiên vẫn còn nhiều câu hỏi cần được trả lời cụ thể hơn. Bà Linda Bauld, giáo sư về Y tế cộng đồng trường Đại học Tổng hợp Edinburgh chỉ ra vấn đề di chuyển nội bộ giữa các vùng của nước Anh cũng như vấn đề di chuyển quốc tế sẽ là câu hỏi khó cho chính phủ nếu họ muốn đạt được sự cân bằng giữa an toàn công cộng và sự tồn tại của nền kinh tế.

Vấn đề mở cửa giao thông quốc tế cũng đang là câu hỏi khó cho chính phủ Canada đang chịu sức ép của Mỹ để mở cửa biên giới (được coi là biên giới đất liền dài nhất và ít kiểm soát nhất thế giới). Trong phát biểu gần đây nhất, thủ tướng Canada Trudeau đã cho biết, Chính phủ Canada không loại trừ khả năng sẽ chỉ mở cửa biên giới với Mỹ sau tháng 9 năm 2021, hoặc có thể muộn hơn. Biên giới giữa hai nước về cơ bản đóng cửa từ tháng 3 năm 2020 đến nay.

“Chúng tôi sẽ đánh giá việc tiêm chủng, số lượng các trường hợp lây nhiễm, sẽ lắng nghe các chuyên gia về thời điểm chúng tôi có thể bắt đầu nới lỏng các hạn chế. Nhưng sự an toàn của người dân Canada cần phải đặt lên hàng đầu, ”ông Trudeau khẳng định với đài truyền hình CTV.

Dù ý thức rõ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, túi tiền của người dân nhưng ông Trudeau vẫn rất thận trọng và so sánh: “Ngay cả khi người Mỹ đang được tiêm rất nhiều vaccine, chúng tôi vẫn thấy khoảng 50.000 ca mắc mới mỗi ngày ở Hoa Kỳ. Ai cũng mong có thể bắt đầu du lịch trở lại và chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ như chúng tôi đã làm kể từ khi bắt đầu đại dịch. Nhưng sự an toàn của người dân Canada là ưu tiên hàng đầu và duy nhất của chúng tôi ”.

"Thảm hoạ Covid-19" ở Ấn Độ là bài học "kinh điển" cho toàn thế giới
"Thảm hoạ Covid-19" ở Ấn Độ là bài học "kinh điển" cho toàn thế giới

Tại các nước châu Âu, tình hình chưa sáng sủa hơn. Viện Kinh tế Đức (IW) đánh giá việc đóng cửa chống COVID-19 gây tổn thất ít nhất 50 tỷ euro trong quý 1.2021 và kinh tế Đức bị mất ít nhất 250 tỉ euro từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Nước Đức không chỉ phải tìm lời giải đáp cho việc nên mở cửa nền kinh tế hay không, họ còn đang đối mặt với tình trạng đại dịch xấu đi. Cơ quan y tế Đức lo ngại về sự lây lan mạnh của biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Anh sẽ có thể khiến dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ vào giữa tháng 4, thậm chí ở mức cao hơn thời điểm trước dịp Giáng sinh năm 2020. Nước Đức đang bị cảnh báo sẽ bước vào làn sóng dịch bệnh mới.

Các nước hàng xóm của Đức như CH Séc, Slovakia, Ba Lan v.v. còn đang trong tình trạng bị đóng cửa toàn bộ (giới nghiêm, cấm đi lại giữa các tỉnh, thành phố) vì tình trạng lây nhiễm tăng nhanh quá cao nên chưa thấy có động thái cụ thể về mở cửa hay nới lỏng các hạn chế về xã hội và kinh tế.

Căng thẳng lời giải

Có nhiều tín hiệu lạc quan hơn từ châu Á. Chính phủ Thái Lan đã quyết định nới lỏng kiểm soát đối với người nước ngoài từ ngày 1.4 nhưng vẫn gia hạn (lần thứ 11) sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc đến ngày 31.5 để hạn chế lây lan của dịch bệnh. Thái Lan hy vọng sẽ chỉ áp dụng các biện pháp cách ly đối với người đến từ một số khu vực cụ thể sau ngày 1.10.2021. Việc cách ly sẽ được thay thế bằng các hình thức theo dõi, giám sát chặt chẽ tại các sân bay, các tuyến đầu mối giao thông, các điểm du lịch và cộng đồng.

Cho đến nay Việt Nam là một trong những nước được coi là thành công nhất trong khống chế đại dịch COVID-19 nhờ những biện pháp quyết liệt. Ngoài 2 lần giãn cách xã hội trên diện rộng do phát hiện dịch bùng phát tại Hà Nội,TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, mới đây nhất là giãn cách cục bộ ở Hải Dương và một số địa điểm tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương... về cơ bản cuộc sống vẫn được duy trì “bình thường” dù luôn trong tình trạng cảnh giác cao.

Tuy nhiên, những hạn chế xã hội (hủy bỏ các sự kiện đông người, đóng cửa nhà hàng, gần như không mở cửa hàng không quốc tế v.v.) đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của Việt Nam. Theo một khảo sát của VCCI, gần 87,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” do dịch COVID-19. Khoảng 11% tự đánh giá không bị ảnh hưởng và gần 2% doanh nghiệp hưởng lợi hay tự đánh giá nhận được ảnh hưởng tích cực. Các ngành dịch vụ, du lịch, giao thông, sản xuất dù được kêu gọi hỗ trợ “giải cứu” từ nội lực người dân trong nước nhưng không đủ đề bù đắp vào chỗ trống do các khách hàng, đối tác quốc tế để lại.

Mở cửa thời Covid: Bài toán nan giải ảnh 2

Như nhiều quốc gia, Việt Nam cũng đang đứng trước một câu hỏi vô cùng nan giải: Có mở cửa nền kinh tế với quốc tế hay không? Sự thành công trong khống chế dịch bệnh phần nào chịu ảnh hưởng của quyết định đóng cửa hàng không, giao thông quốc tế. Một số ngành kinh tế, đặc biệt xuất khẩu (Việt Nam xuất siệu trong 6 tháng qua), đã hưởng lợi phần nào và đang xuất hiện một làn sóng tìm kiếm cơ hội đầu tư, chuyển xưởng sản xuất sang Việt Nam. Mở thế nào? Mở đến đâu? Một bài toán vô cùng khó khăn cho Việt Nam và sẽ phải có sự cân đối giữa an toàn của người dân và sống còn của nền kinh tế (đang bị ảnh hưởng đi xuống từ từ). Có thể nói, chúng ta đang đứng trước một vấn đề như dân gian đang hài hước với nhau: “Chết ngay hay chết từ từ?”.

Ngoại trừ nước Anh có kế hoạch rõ ràng nhất để xóa bỏ từng bước hạn chế và hy vọng mở lại toàn bộ nền kinh tế sau ngày 21.6, phần lớn các nước trên thế giới đều đang tìm kiếm câu trả lời cho quyết định khó khăn này.

Có thể bạn quan tâm