Mỗi ngày người dân gửi hơn 1.770 tỷ đồng vào ngân hàng

Trong 6 tháng đầu năm, lượng tiền mới người dân gửi vào hệ thống ngân hàng lên tới 320.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với mức tăng ròng của cả năm 2021.
Mỗi ngày người dân gửi hơn 1.770 tỷ đồng vào ngân hàng

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến hết tháng 6, tiền gửi từ dân cư vào ngân hàng tiếp tục tăng, đạt gần 5,62 triệu tỷ đồng, tăng 6,02%, cao gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng tháng 6, người dân đã gửi thêm gần 50.470 tỷ đồng vào ngân hàng. Tính chung 6 tháng đầu năm, người dân đã gửi ròng gần 320.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng. Với dữ liệu này, bình quân mỗi ngày kênh ngân hàng "hút" trên 1.770 tỷ đồng từ nhóm khách hàng dân cư.

Lãi suất huy động tăng liên tục từ đầu năm là một trong những yếu tố khiến ngân hàng trở thành kênh hút vốn mạnh từ người dân, sau thời gian dài dòng tiền đổ vào chứng khoán, bất động sản.

Mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy và online của các nhà băng đều nhích tăng trong nửa đầu tháng 8, nhất là ở các kỳ hạn gửi dài.

Chẳng hạn, lãi suất tiền gửi 12 tháng tại các ngân hàng phổ biến 5,5-6,6% một năm, tăng 0,1 điểm phần trăm. Với kỳ hạn gửi trên 24 tháng, mức lãi dao động 6,3 - 6,7% một năm, tăng 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước.

Một số nhà băng còn đưa lãi suất trên 7% với kỳ hạn gửi từ 12 tháng trở lên, như CBBank trả 7,45% cho tiền gửi 12 tháng tại quầy và 7,5% cho khách gửi online.

Lãi suất huy động tiếp tục tăng trong thời gian tới là dự báo chung của nhiều công ty chứng khoán. Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm có thể tăng thêm 0,3-0,5 điểm phần trăm trong nửa cuối năm nay. Còn Công ty Chứng khoán Vietcombank dự báo cả năm lãi suất sẽ tăng thêm 1-1,5% điểm phần trăm.

Cũng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6, số dư tiền gửi trong hệ thống ngân hàng của các tổ chức, doanh nghiệp ghi nhận gần 5,85 triệu tỷ đồng, tăng trên 3,6% so với đầu năm nay. Nhóm khách hàng này đã gửi thêm gần 42.000 tỷ đồng vào ngân hàng trong tháng 6.

Tính chung nửa đầu năm, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,78% so với đầu năm, tăng 0,8% so với cùng kỳ 2021. Điều này nhờ các kênh gửi tiền từ người dân, doanh nghiệp và lượng giấy tờ có giá phát hành do các tổ chức tín dụng khác mua nhích tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Dịp cận Tết là cơ hội cho các loại hình kinh doanh tiền mới, tiền có seri đẹp, tiền lưu niệm độc lạ để làm lì xì hoặc quà Tết, nhưng những dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng...

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Từ tháng 1/2025, các ngân hàng sẽ chính thức không còn áp dụng Thông tư 02 khi văn bản này hết hiệu lực vào cuối tháng 12/2024, nhiều nghi vấn đặt ra rằng điều này có ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng trong tương lai hay không...