Mòn mỏi chờ sáp nhập, PGBank kinh doanh thế nào trong quý I/2017?

Dường như mọi hoạt động kinh doanh tại PGBank - ngân hàng nhiều năm chờ sáp nhập vào VietinBank đều đang khá cầm chừng.
Mòn mỏi chờ sáp nhập, PGBank kinh doanh thế nào trong quý I/2017?

Theo BCTC quý I/2017 của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGbank), tính đến ngày 31/3/2017, tổng tài sản của ngân hàng đạt 29.366 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cuối năm 2016. Vốn điều lệ của ngân hàng vẫn là 3.000 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là 1.200 tỷ, chiếm 40%.

Cho vay khách hàng đạt 18.295 tỷ đồng tăng 4,3%; tiền gửi của khách hàng tăng chưa đầy 2% đạt 18.660 tỷ đồng.

Về chất lượng cho vay, tỷ lệ nợ xấu của PGBank tính đến 31/3/2017 là 2,55% tăng hơn so với mức 2,47% của cuối 2016. Tổng số nợ xấu của ngân hàng là 466 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm trước.

Trong quý I, thu nhập lãi thuần của PGBank đạt 172 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động kinh doanh hầu hết đều giảm. Lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ giảm nhẹ 2%, đạt gần 3 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối chuyển từ lãi 2,9 tỷ đồng trong quý I/2016 sang lỗ 0,9 tỷ đồng trong quý I/2017; lãi thuần từ hoạt động khác giảm một nửa chỉ đạt 12,6 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của PGBank đạt 75,5 tỷ đồng, giảm 15,8%. Mặc dù chi phí dự phòng được cắt gọt mạnh 29%, còn hơn 22 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế của PGBank vẫn giảm hơn 8%, đạt 53,2 tỷ đồng. Sau thuế, lợi nhuận còn 42,6 tỷ đồng, giảm 5,7%.

Mòn mỏi chờ sáp nhập

Thương vụ sáp nhập giữa PGBank vào VietinBank đã nhen nhóm từ năm 2013, nhưng cho đến nay hai bên vẫn chưa thể "góp gạo thổi cơm chung".

Lý do của sự chưa thành, theo phía VietinBank là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu phải tính toán lại tỷ lệ hoán đổi.

Trước đó tại đại hội cổ đông thường niên 2015, hai bên đã gửi tới cổ đông tờ trình về kế hoạch sáp nhập tỷ lệ 1: 0,9, theo đó 1 cổ phần PGBank sẽ đổi 0,9 VietinBank. Các cổ đông hai bên đã đồng thuận và ủy quyền cho HĐQT đàm phán về thời gian cũng như các thủ tục sáp nhập.

Nhưng 3 năm đã qua, cuộc đàm phán vẫn chưa đến hồi kết.

Những năm qua, hoạt động của PGBank khá cầm chừng. Trong năm 2016, hầu hết các chỉ tiêu về kinh doanh đại hội giao cho đều không thành công, và theo lý giải của lãnh đạo ngân hàng là do quá trình sáp nhập kéo dài, rồi do ảnh hưởng của nhân sự, không được đầu tư mở rộng hệ thống, đầu tư công nghệ thông tin, rồi phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng các khoản vay…

Mỏi mòn chờ sáp nhập trong khi cổ phiếu thì khó giao dịch, các cổ đông của PGBank tại đại hội thường niên cuối tháng 4 vừa qua đã yêu cầu lãnh đạo ngân hàng phải có thái độ dứt khoát với VietinBank và NHNN rằng có sáp nhập hay là không. Nếu sáp nhập thì phải đẩy nhanh tiến độ. Nếu không sáp nhập thì ngân hàng phải chủ động đưa ra phương án khác theo hướng tái cơ cấu.

Đáp lại lời cổ đông, ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch PGBank khẳng định ngân hàng đã đặt mục tiêu là tái cơ cấu chứ không phải sáp nhập. Trong các phương án tái cơ cấu thì sáp nhập là một trong những phương án tốt. Về phía VietinBank, đúng là do có sự thay đổi về lãnh đạo của VietinBank cũng như thay đổi ban làm dự án sáp nhập cũng có thay đổi nên khiến cho thời gian kéo dài.

Lãnh đạo ngân hàng khẳng định việc sáp nhập về nguyên tắc là không có vướng mắc mà chỉ có vướng về tỷ lệ hoán đổi. Các cổ đông đã ủy quyền cho HĐQT đàm phán với tỷ lệ hoán đổi tốt nhất thì lãnh đạo ngân hàng phải có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cổ đông.

Theo Kim Tiền/Trí thức trẻ

>> ĐHĐCĐ PGBank: Cổ đông mất kiên nhẫn và những hệ lụy từ chuyện sáp nhập vào Vietinbank

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...