Tuy nhiên, biện pháp và lộ trình khắc phục mà HNG đưa ra rất chung chung khiến cho cổ đông không khỏi lo lắng, không biết khi nào cổ phiếu HNG mới thoát diện cảnh báo.
Cụ thể, trước đó, ngày 12/04/2022, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM có văn bản tiếp tục giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu HNG, đồng thời yêu cầu công ty đưa ra biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo.
Lý do là theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 của HNG, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2021 là -1.119,43 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2021 là -3.426,49 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả kinh doanh bết bát này, HNG cho biết: Dịch bệnh Covid 19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp nói chung và lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của HNG nói riêng.
Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, phân bón tăng 160%, bao bì đóng gói trái cây tăng 25% so với đầu năm 2021. Tình trạng thiếu hụt container lạnh để xuất khẩu trái cây, các hãng tàu thường xuyên hủy chuyến và kéo dài thời gian vận chuyển dẫn đến chi phi bán hàng tăng hơn 20% so với năm 2020.
Trong năm 2021, Chính phủ Trung Quốc vẫn siết chặt việc kiểm soát hàng hóa nhập khẩu để phòng chống Covid, thời gian thông quan tại các cảng bị kéo dài làm tăng chi phí và giảm chất lượng trái cây.
Chính phủ Lào vẫn áp dụng các biện pháp giãn cách, hạn chế đi lại giữa các tỉnh và người nhập cảnh từ nước ngoài dẫn đến các nông trường của HNG thiếu nhân công lao động người địa phương, thiếu cán bộ kỹ thuật và nhà thầu thi công từ Việt Nam, thời gian nhập cảnh cách ly ảnh hưởng công việc và tăng chi phí.
Bên cạnh đó, tháng 10/2021, do ảnh hưởng của mưa lớn và tình trạng xả đập thủy điện Sekaman, gây ngập lụt làm thiệt hại 876 ha chuối tại khu vực Namkong - Phuvong.
Vì vậy, năm 2021, kết quả kinh doanh của HNG không mấy khả quan với sản lượng trái cây đạt 79.247 tấn, hoàn thành 73% so với kế hoạch đề ra, trong đó chuối 75.612 tấn, dứa 2.669 tấn, xoài 73 tấn và trái cây khác 893 tấn. Sản lượng mủ cao su đạt 6.556 tấn mủ sơ chế, hoàn thành 100% so với kế hoạch.
Doanh thu thuần đạt 1.199 tỷ đồng, hoàn thành 82% kế hoạch đề ra, trong đó doanh thu từ trái cây 840 tỷ đồng, mủ cao su 260 tỷ đồng, vật tư nông nghiệp và cung cấp dịch vụ 99 tỷ đồng. Lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 304 tỷ đồng.
Đồng thời, năm 2021 công ty đã ghi nhận và hạch toán các khoản chi phí đã phát sinh từ năm 2020 trở về trước là 815 tỷ đồng.
Vì vậy, báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 của HNG, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2021 là -1.119,43 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2021 là -3.426,49 tỷ đồng.
Nguyên nhân thì nhiều nhưng HNG lại đưa ra biện pháp và lộ trình khắc phục rất chung chung, mơ hồ. Cụ thể, trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng để quy hoạch tổng thể và hình thành các Khu liên hợp nông nghiệp, HNG đưa ra các mục tiêu đầu tư và sản xuất kinh doanh cho giai đoạn 2022 – 2023, gồm: Cải tạo, nâng cấp các vườn cây ăn trái phù hợp quy hoạch; Tiếp tục chuyển đổi các vườn cây ăn trái và cao su không hiệu quả sang trồng chuối, dứa, xoài và chăn nuôi bò;
Đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật (thủy lợi, điện, giao thông), các công trình trên đất (xưởng đóng gói, tổng kho, nhà ở công nhân, văn phòng và nhà ở cán bộ công nhân viên); máy móc thiết bị cơ giới hoá; Đầu tư chuồng trại, chăn nuôi bò, sản xuất phân hữu cơ.
Với lộ trình khắc phục này và tình trạng kinh doanh kém tươi của HNG với kế hoạch doanh thu là 1.731 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lỗ 2.713 tỷ đồng thì ngày cổ phiếu HNG thoát diện cảnh báo chắc còn xa.