Dự án bất động sản hai bên đường Hàm Nghi tại thành phố Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà có quy mô gần 150ha và tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD từ nguồn vốn chủ đầu tư và vốn huy động.
MUỐN LÀM NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC
Ngày 14/9/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh có Công văn số 2802/SKHĐT-DNĐT tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh xử lý đề nghị khảo sát, thực hiện dự án bất động sản tại đường Hàm Nghi, phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (Tập đoàn Hoành Sơn).
Nhận được thông tin, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh không xem xét đề nghị khảo sát, thực hiện dự án bất động sản tại đường Hàm Nghi của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn do không thuộc thẩm quyền cho phép của UBND tỉnh và các quy hoạch liên quan đang trong quá trình điều chỉnh, chưa đủ điều kiện để đề xuất thực hiện dự án.
Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản chỉ đạo liên quan đến đề xuất dự án bất động sản hai bên đường Hàm Nghi tại thành phố Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà. UBND tỉnh đã thống nhất với ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh về việc không xem xét đề nghị khảo sát, thực hiện dự án bất động sản tại đường Hàm Nghi của Tập đoàn Hoành Sơn.
Trước đó, năm 2020, tỉnh Hà Tĩnh đã công bố danh mục đầu tư mời gọi nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án bất động sản hai bên đường Hàm Nghi. Ngày 7/5/2020, Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức lễ mở thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị Hàm Nghi, thành phố Hà Tĩnh .
Theo kết quả mở thầu, có 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Vinhomes và Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh và Phát triển thương mại Việt An nộp hồ sơ đăng ký tham gia thực hiện dự án và được công nhận là nhà đầu tư trúng sơ tuyển.
Song đến năm 2023, 2 doanh nghiệp trúng sơ tuyển dự án có văn bản xác nhận không tiếp tục tham gia dự thầu dự án, nên UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 963/QĐ-UBND về việc huỷ kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án bất động sản hai bên đường Hàm Nghi tại thành phố Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà.
Được biết, dự án có quy mô gần 150ha và tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD từ nguồn vốn chủ đầu tư và vốn huy động. Dự án bao gồm các khu chức năng như khu nhà ở, đất ở, công trình công cộng hỗn hợp, cụm tiện ích, diện tích cây xanh, mặt nước, bãi đỗ xe và hạ tầng kỹ thuật khác.
Tiêu chí quy hoạch cho dự án về đất ở thấp tầng có mật độ xây dựng 90%, cao tối đa là 4 tầng; đất ở cao tầng có mật độ xây dựng 37%, cao tối đa 38 tầng; đất ở tái định cư có mật độ xây dựng 80%, cao tối đa 4 tầng; đất hỗn hợp có mật độ xây dựng 40%, cao tối đa 27 tầng.
Dự án Khu đô thị Hàm Nghi là dự án nằm trong lộ trình triển khai các khu vực phát triển đô thị theo chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Tĩnh đến năm 2030.
LÀ DOANH NGHIỆP NỢ THUẾ TOP ĐẦU CỦA TỈNH
Mặc dù, muốn đăng ký làm dự án “tỷ đô”, nhưng Tập đoàn Hoành Sơn đang là doanh nghiệp đội sổ về nợ thuế tại tỉnh Hà Tĩnh. Theo số liệu từ Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh, tính hết kỳ thuế tháng 1/2023, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 429 doanh nghiệp nợ thuế, tổng số các doanh nghiệp đang nợ thuế tại tỉnh Hà Tĩnh lên đến 833,797 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đang nợ thuế với tổng số tiền lên đến 110,4 tỷ đồng, chiếm hơn 13% tổng số tiền nợ thuế trên toàn tỉnh. Trước đó, tính đến tháng 11/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn cũng đã nợ thuế với số tiền 109,142 tỷ đồng và trở thành doanh nghiệp nợ thuế lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (mã số thuế: 3000244065) được thành lập ngày 19/1/2001, người đại diện pháp luật là ông Phạm Hoành Sơn, sinh năm 1972. Ngoài ra, người này còn là đại diện các doanh nghiệp sau: Công ty Cổ phần Cao su Sao vàng; Công ty Cổ phần Bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh; Công ty Cổ phần Thương mại Khoáng sản Quốc tế Group; Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia rượu và Nước giải khát Sao vàng.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn thuộc top đầu doanh nghiệp ở miền Trung, hoạt động đa ngành nghề như thương mại, vận tải, khoáng sản, đầu tư dự án.
Doanh nghiệp này đã thực hiện nhiều dự án lớn như dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng, 4.415 tỷ đồng; nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, 1.458 tỷ đồng; dự án khu công nghiệp Cổng Khánh 2 và nhà máy Bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh; Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn 1.410 tỷ đồng...
Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn còn nhiều dự án “bỏ ngỏ”, cụ thể dự án cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (bến số 4), thuộc cảng Vũng Áng được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 5/2015. Sau nhiều lần gia hạn tiến độ, hiện nay dự án vẫn chưa hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động theo tiến độ đăng ký.
Bên cạnh đó, dự án cảng Phước An, tại Đồng Nai cũng được triển khai năm 2009, nhưng đến nay chưa thể đi vào hoạt động. Còn dự án trung tâm thương mại Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh cũng chỉ xây dựng được phần thô và ngừng thi công.
Vào hồi tháng 3/2023, liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn – Công ty TNHH Nhà máy điện Xekong đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị về việc đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D từ cửa khẩu quốc tế La Lay đến cảng Mỹ Thủy và đầu tư xây dựng cụm cảng Mỹ Thủy cùng khu dịch vụ hậu cần cảng.
Dự án có tổng mức đầu tư trên 3.433 tỷ đồng và chia làm 3 giai đoạn. Dự kiến dự án sẽ hình thành tuyến đường song song với Hành lang kinh tế Đông – Tây, tăng cường giao thương hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế La Lay, kết nối khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với khu vực Nam Lào, Đông Thái Lan và hình thành tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.
Mặt khác, dự án sẽ tạo ra tuyến đường kết nối đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông với Quốc lộ 1, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện tiếp cận và lưu thông trên đường cao tốc.
Đồng thời, dự án góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, đáp ứng nhu cầu giao lưu, hợp tác thương mại, xuất nhập khẩu. Ngoài ra, liên danh trên đã đề xuất ý tưởng đầu tư xây dựng hệ thống cầu cảng để thuận tiện cho việc vận chuyển, bốc xếp hàng hóa…