Mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc liệu có khả thi?

Từ năm 2021 đến nay, Việt Nam đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822km…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác của nước ta là 1.822km
Tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác của nước ta là 1.822km

Số liệu này được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trình bày trong báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến kỳ họp thứ 4.

Cụ thể, về xây dựng đường cao tốc, Phó Thủ tướng cho biết, từ năm 2021 đến nay, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822km.

Trong khi đó, theo Nghị quyết Đại hội XIII, Việt Nam dự kiến đến hết năm 2025 hoàn thành và vượt mục tiêu 3.000km đường cao tốc.

Như vậy, muốn hoàn thành kế hoạch, trong 2 năm tiếp theo, Việt Nam phải hoàn thành 1.178km đường cao tốc, trung bình mỗi năm sẽ phải hoàn thành 589km cao tốc, gần bằng tổng số km cao tốc đưa vào sử dụng trong gần 3 năm qua.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, mục tiêu là con số 3.000km đường cao tốc vào cuối năm 2025 là điều khả thi. Bởi vì, nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã và đang vào giai đoạn nước rút. Cùng với đó, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cũng đang rục rịch khởi công.

Quay lại với bản báo cáo của Phó Thủ tướng, Chính phủ cũng trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án giao thông trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục khởi công toàn bộ các dự án được Quốc hội thông qua; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công các dự án giao thông; xây dựng quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc.

Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn; xây dựng; tài nguyên và môi trường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện, ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện VIII) và đang tập trung hoàn thiện Kế hoạch thực hiện; kịp thời triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về các đập, hồ chứa thủy điện.

Cùng với đó, các bộ ngành liên quan đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, hiệu quả cao; kim ngạch xuất khẩu nông sản 10 tháng năm 2023 đạt 43,08 tỷ USD, xuất siêu 9,3 tỷ USD; dự kiến cả năm 2023 đạt 43 triệu tấn lúa, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, các cân đối lớn và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý phát triển đô thị, xây dựng, quản lý nhà và thị trường bất động sản. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Phê duyệt, tích cực triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về quy hoạch, xây dựng, quản lý, vận hành nhà chung cư…

Về các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, các giải pháp về công tác quy hoạch, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tín dụng và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng bảo đảm tập trung có trọng tâm, trọng điểm, không để dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công được tăng cường; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; thu hút vốn FDI, ODA và vốn vay ưu đãi đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đã thành lập 5 Tổ công tác và 26 đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở các địa phương.

Về các lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động - thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo sửa đổi đồng bộ cơ chế quản lý, tài chính, phương thức đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Đối với các lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xác định rõ nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thi hành là một nhiệm vụ trọng tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo kịp thời thể chế hóa những chủ trương, định hướng chính sách, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; chú trọng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm