Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Golden Palace A tỷ lệ 1/500 tại lô đất ký hiệu KS-VP-NO dự án Tổ hợp Mỹ Đình Pearl, trên địa bàn phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm. Diện tích lô đất điều chỉnh quy hoạch là gần 3,8ha.
Theo Quyết định trên, nội dung điều chỉnh, giữ nguyên ranh giới, quy mô diện tích lô đất; giữ nguyên khối chung cư (ký hiệu 3A và 3B) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng và khối Tổ hợp khách sạn, thương mại dịch vụ, văn phòng và nhà ở kết hợp thương mại đang triển khai thi công (ký hiệu số 1).
Đáng chú ý, đối với khối văn phòng (ký hiệu số 2) đề xuất điều chỉnh giảm diện tích xây dựng được duyệt từ hơn 1.790m2 xuống còn 1.493m2; tăng tầng cao từ 28 tầng lên thành 38 tầng; tăng tổng diện tích sàn từ hơn 40.012m2 lên thành gần 54.000m2, đồng thời đề xuất điều chỉnh chức năng từ "Văn phòng" sang thành "Thương mại dịch vụ, văn phòng kết hợp căn hộ".
Theo đó, mật độ xây dựng toàn dự án sau điều chỉnh là 24,06%. Hệ số sử dụng đất là 6,45 lần. Dân số dự án đề xuất tăng thêm 848 người (tổng dân số toàn dự án sau điều chỉnh là khoảng 3.988 người).
Đây không phải là dự án duy nhất trong thời gian qua điều chỉnh nâng tầng, "nhồi" thêm căn hộ và cư dân. Trước đó, cùng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng đã ký 2 quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Mỹ Đình II và Xây dựng cải tạo chỉnh trang hai bên tuyến đường Phạm Hùng.
Cụ thể: Theo Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Mỹ Đình II tỷ lệ 1/500 được duyệt, ô đất CC1 tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm được xác định chức năng đất công cộng thành phố và khu vực có các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: Diện tích đất khoảng 7.782m2 (bao gồm cả đường giao thông); diện tích xây dựng 3.610m2; mật độ xây dựng 46,4%; tầng cao bình quân 5,3 tầng (công trình cao 5 - 9 tầng); hệ số sử dụng đất 2,45 lần.
Tuy nhiên, theo quyết định điều chỉnh mới, Hà Nội giữ nguyên phạm vi ranh giới của ô đất theo quy hoạch được duyệt, đề xuất điều chỉnh thành ô đất ký hiệu NO có chức năng đất ở (gồm nhà ở chung cư kết hợp dịch vụ, thương mại, nhà trẻ và nhà ở liên kế) với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: Diện tích đường giao thông 674,8m2; diện tích đất thực hiện dự án 7,106,7m2; mật độ xây dựng 50%; hệ số sử dụng đất 6 lần; tầng cao công trình 6 và 21 tầng; tầng hầm 1 - 3 tầng; dân số 700 người.
Tương tự, tại Quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng cải tạo chỉnh trang hai bên tuyến đường Phạm Hùng, tỷ lệ 1/500 (đoạn từ đường Xuân Thủy đến Trần Duy Hưng) tại ô đất 4.500m2 ký hiệu N6.3. Theo đó, điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc và điều chỉnh công năng xây dựng công trình tại ô đất từ Trung tâm giao lưu và phát triển văn hóa cộng đồng sang xây dựng công trình khách sạn, văn phòng, thương mại và văn hóa cộng đồng với tầng cao 30 tầng (tăng 15 tầng so với quy hoạch cũ), 4 tầng hầm, tổng diện tích sàn hơn 54.000m2.
Đôi nét về Dự án Mỹ Đình Pearl
Năm 2010, Công ty BĐS Dầu khí Việt Nam (PV-SSG) được thành lập với 5 cổ đông sáng lập gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm 6% cổ phần, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) chiếm 25% cổ phần, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI) chiếm 10% cổ phần, Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) chiếm 10% cổ phần và Công ty Cổ phần Tập đoàn SSG chiếm 49% cổ phần.
Liên doanh PV-SSG khi đó được lập ra để thực hiện dự án Tổ hợp khách sạn Dầu khí Việt Nam, tiêu chuẩn 5 sao. Sau đó, dự án này được đổi tên thành Mỹ Đình Pearl (Hà Nội). Dự án có quy mô 3 khối là khách sạn cao cấp (cao 30 tầng và 2 tầng hầm), căn hộ cao cấp (cao 30 tầng và 2 tầng hầm) và khối văn phòng cho thuê (cao 24 tầng và 2 tầng hầm), xây dựng trên diện tích 3.82 ha.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài trì trệ và thực hiện quy định các doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư ngoài ngành, lần lượt các doanh nghiệp PVN, PVC, PVI đều thoái vốn. Với việc các đối tác bỏ dở giữa chừng, SSG nâng dần số cổ phần sở hữu của mình tại dự án này lên 81%.
Mỹ Đình Pearl được giới thiệu là một dự án cao cấp với những căn hộ hiện đại cùng nhiều ưu điểm nổi trội. Được SSG đặt mục tiêu, kỳ vọng là sản phẩm đầu tiên để đơn vị này chinh phục thị trường Thủ đô.
Thế nhưng, thời gian qua dự án này lại mắc phải không ít vấn đề liên quan đến pháp lý. Cụ thể, ngày 6/11/2014, Sở Xây dựng Hà Nội ban hành Quyết định số 8999/SXD-QLCP cho phép PV-SSG được xây dựng công trình tạm nhằm phục vụ thi công công trình chính. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại xây dựng thành ngôi nhà 2 tầng kiên cố và sân tập golf rất quy mô.
Sau này, khi SSG nắm quyền chi phối dự án, Mỹ Đình Pearl tiếp tục gặp hàng loạt điều tiếng liên quan đến chất lượng công trình, rồi sai phạm trong trật tự xây dựng,…Hay mới đây nhất, vào tháng 8/2021, dự án Mỹ Đình Pearl tiếp tục xảy ra lùm xùm liên quan đến nước sinh hoạt.
Hơn nữa, những thông tin khác nhau về việc điều chỉnh quy mô dự án, lúc 2 tháp căn hộ cao 38 tầng với 984 căn hộ, lúc là 2 tháp căn hộ 30 tầng, lúc lại điều chỉnh lên 36 tầng,....cũng khiến giới đầu tư cảm thấy hoang mang.