Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư công năm 2022, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến 30/11/2022 là 339.188,54 tỷ đồng, đạt 52,37% kế hoạch và đạt 58,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước là 330.173,94 tỷ đồng, đạt 53,85% kế hoạch. Vốn nước ngoài là 9.014,59 tỷ đồng, đạt 26,06% kế hoạch.
Ước thanh toán cả năm 2022, tỷ lệ giải ngân là 435.689,97 tỷ đồng, đạt 67,27% kế hoạch, đạt 75,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước là 424.052,69 tỷ đồng, đạt 69,16% kế hoạch và đạt 77,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn nước ngoài là 11.637,28 tỷ đồng, đạt 33,65% kế hoạch.
Nhận xét về tình hình giải ngân năm nay, Bộ Tài chính cho biết, so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 75,11%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (77,30%). Giải ngân vốn trong nước đạt 77,74%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 83,66%) nhưng giải ngân vốn nước ngoài lại đạt tỷ lệ 33,65% cao hơn cùng kỳ năm 2021 (đạt 26,77%).
Tuy nhiên, xét về "sự tích cực" giải ngân vốn đầu tư công, năm nay, đã có 12 Bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 80% (năm 2021, chỉ có 7 bộ và 20 địa phương).
Năm nay cũng có nhiều đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt mức "hoàn hảo" gồm Hội Nhà văn (100%), Thanh tra Chính phủ (100%), Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam (100%). Trong khi năm 2021 chỉ có Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt Nam đạt được tỷ lệ này.
Ngoài ra, có đến 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 90% gồm Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (99,47%), Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (92,62%), Ninh Bình (96,7%), Hà Nam (94,3%), Bình Định (93,6%), Kiên Giang (90,6%), Phú Thọ (90,3%). Trong khi năm 2021, số địa phương có thể đạt mức giải ngân này chỉ là 5.
Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công của cả nước sẽ lên đến 700.000 tỷ đồng. Các bộ và địa phương sẽ phải tìm ra nhiều giải pháp để khơi thông bế tắc cho dòng vốn này.