Theo phân tích từ các tổ chức trên, nhập khẩu khí đốt của Nga có thể được cắt giảm 66% bằng cách triển khai chương trình “Fit for 55” (Giảm phát thải 55% cho tới năm 2030) của EU cũng như đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời, tiết kiệm năng lượng và điện khí hóa. Con số này tương đương với việc cắt giảm 101 tỷ mét khối khí tự nhiên. Hiện nay, cần phải có một sự cải tiến khẩn cấp trong chính sách để đạt được tiến độ triển khai cần thiết.
Do đó, để đảm bảo an ninh nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga không đòi hỏi phải xây dựng cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt mới trong EU như các kho cảng LNG. Chỉ cần sử dụng 51 tỷ mét khối khí đốt từ nguồn thay thế được nhập khẩu thông qua cơ sở hạ tầng hiện có là đủ.
Bên cạnh đó, các biện pháp trên sẽ cho phép EU đạt được mức giảm nhu cầu khí đốt cần thiết mà không làm chậm lại việc cắt giảm sản xuất điện từ than đá.
Sắp tới đây, tại phiên họp của Hội đồng châu Âu vào ngày 24 và 25/3, các nước thành viên EU sẽ thảo luận về phản ứng của châu Âu đối với việc Nga tấn công Ukraine, bao gồm cả những tác động đối với lĩnh vực năng lượng của EU. Cuộc họp này diễn ra theo đề xuất của kế hoạch hành động chung châu Âu vì nguồn năng lượng có thể tiếp cận được, đảm bảo và bền vững (REPowerEU) của Ủy ban Châu Âu nhằm giảm lượng tiêu thụ khí đốt của Nga, điều sẽ được chứng minh trong vài tuần tới.
Ủy ban châu Âu gần đây đã thông báo rằng họ có thể chấm dứt nhập khẩu khí đốt từ Nga vào năm 2027 (thông tin chi tiết sẽ được công bố vào tháng 5). Dự kiến các nước EU có thể đạt được mục tiêu này vào năm 2025 và với nguồn khí đốt thay thế ít hơn (51 so với 60 tỷ mét khối).
Đánh giá về vấn đề này, Sarah Brown, Nhà phân tích cấp cao về Khí hậu và Năng lượng, tổ chức Ember cho biết, năng lượng tái tạo tự sản xuất tạo ra một lối thoát để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào khí đốt của Nga ở châu Âu. EU có thể tự ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2025, nhanh hơn so với mục tiêu mà REPowerEU công bố gần đây là năm 2027. EU có thể thực hiện điều này mà không làm chậm lại việc cắt giảm điện than, hoặc thay thế sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bằng một loại nhiên liệu khác, thông qua việc triển khai nhanh chóng các giải pháp năng lượng sạch.
“Cần phải có hành động ngay lập tức và cam kết lớn trên toàn EU để đạt được cả mục tiêu hiện tại về năng lượng tái tạo của Fit for 55 cũng như đẩy mạnh việc triển khai năng lượng gió và năng lượng mặt trời cần thiết”, Nhà phân tích cấp cao này nói.
Còn ông Jan Rosenow, Giám đốc Chương trình Châu Âu, RAP nhìn nhận, việc sử dụng khí đốt nhiều nhất ở châu Âu là để sưởi ấm các tòa nhà. Sử dụng các biện pháp cách nhiệt và chuyển đổi từ các lò sưởi hơi sang hệ thống bơm nhiệt là chìa khóa để giảm nhu cầu khí đốt trong các tòa nhà. Điều này sẽ đòi hỏi các mục tiêu tiết kiệm năng lượng chặt chẽ hơn và các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu tham vọng hơn cho các tòa nhà.
Đồng thời vị Giám đốc này kêu gọi, châu Âu cần ngừng trợ cấp công cho các lò hơi sử dụng khí đốt và cần luân chuyển nguồn quỹ đó cho các công nghệ sưởi ấm sử dụng năng lượng sạch như hệ thống bơm nhiệt. Cần phải nhanh chóng chấm dứt việc lắp đặt các lò sưởi hơi sử dụng khí đốt trong các tòa nhà mới.
Đưa ra giải pháp để vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng, Marta Lovisolo, Cố vấn Chính sách về Hệ thống Năng lượng Tái tạo tại Bellona cho rằng, cách để EU có thể vượt qua các cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là phải tuân theo Thỏa thuận Xanh. Bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào việc triển khai năng lượng tái tạo và sử dụng điện hiệu quả, EU có thể giải quyết đồng thời các mối đe dọa về khí hậu và an ninh.
“Việc biến EU thành thị trường cho LNG đến từ những nơi như Mỹ và Canada sẽ chỉ gây trì hoãn và làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện tại, cả về sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch cũng như các mục tiêu khí hậu. Việc tăng gấp đôi hệ thống năng lượng tái tạo có thể mang lại một giải pháp lâu dài và ổn định", Marta Lovisolo nhấn mạnh.