Ngân hàng Nhà nước chủ động thêm "room" tín dụng cho đơn vị tăng trưởng tốt

Dù đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 6,63% so với cuối năm 2023 nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn chủ động nới room tín dụng cho nhiều đơn vị...

Ngân hàng Nhà nước chủ động thêm "room" tín dụng cho đơn vị tăng trưởng tốt

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo vừa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng.

Theo đó, cơ quan này đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch.

Cụ thể, kể từ ngày 28/8/2024, tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng.

"Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước mà các tổ chức tín dụng không cần phải đề nghị", Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Được biết, đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 6,63% so với cuối năm 2023. Như vậy, dù tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm cũng như so với cùng kỳ năm trước nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn chủ động nới room cho nhiều đơn vị.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tín dụng tăng chậm do một số nguyên nhân như nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ vốn là động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế vẫn còn gặp khó khăn nhất định. Tín dụng cho lĩnh vực bất động sản vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Cũng về vấn đề tăng trưởng tín dụng, Công ty Chứng khoán VPBankS đưa ra lo ngại, mục tiêu 14 - 15% của cả năm 2024 là thách thức lớn do tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức quá cao. Các ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao trong nửa đầu năm là các ngân hàng bán buôn như: LPB, TCB và các ngân hàng bán lẻ có thế mạnh ở khu vực miền nam như ACB, HDB.

Tuy nhiên, VPBankS nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14,83% năm nay có thể đạt được khi kỳ vọng vào mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh vào nửa cuối năm và kỳ vọng thêm vào việc Fed hạ lãi suất, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ “đi ngược” thế giới của Việt Nam.

Quay lại với thông cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh việc nới room, cơ quan này yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng và các quy định về cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ.

Việc tăng trưởng tín dụng phải an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động. Các tổ chức tín dụng cần hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và tăng cường triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục cho vay, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay.

Hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng phải theo đúng quy định của pháp luật, tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng, đảm bảo chất lượng tín dụng.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...