Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước, hồ sơ mời thầu được phát hành trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Nguồn vốn được trích từ ngân sách Nhà nước.
So với giá bình quân của đợt 1, giá gạo thời điểm này đã tăng cao hơn. Dự kiến, ngân sách phải chi thêm 1.100 - 1.470 đồng cho mỗi một cân gạo.
Ước tính để mua 182.300 tấn gạo dự trữ quốc gia năm nay, ngân sách sẽ phải tốn thêm khoảng 200 tỉ đồng, gấp 7 lần so với 27,8 tỉ đồng mà 22 cục DTNN tịch thu tiền bảo lãnh dự thầu của 26 nhà thầu hủy hợp đồng của đợt 1.
Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp đã từ chối ký hợp đồng cấp gạo dự trữ quốc gia theo đơn giá mời thầu đợt 1 vào ngày 12/3, chấp nhận bị thu số tiền đảm bảo dự thầu, nhưng lại có tên trong danh sách xuất khẩu gạo tháng 4/2020 lên tới cả ngàn tấn, thậm chí chục ngàn tấn.
Để ngăn chặn việc từ chối hợp đồng như đợt đấu thầu gạo vừa rồi, một loạt cục DTNN đã thông báo nâng giá trị đảm bảo trong hồ sơ mời thầu. Cụ thể, tỉ lệ đặt cọc được nâng từ 3% lên 5% giá trị gói thầu.
Trường hợp hết thời hạn giao hàng mà bên B không giao đủ số lượng hàng thì bị phạt bằng 5% giá trị giao thiếu thay cho mức 1,5 - 3% như quy định trước đó.