Không rõ quan niệm đến ngày thất tịch phải ăn chè đậu đỏ và đi chùa để cầu duyên có từ bao giờ nhưng những năm gần đây, giới trẻ truyền tai nhau rằng ăn đậu đỏ vào ngày lễ Thất tịch là một cách để cầu nhân duyên may mắn.
Ngày lễ Thất tịch tại Việt Nam còn được biết đến là ngày “ông Ngâu, bà Ngâu”. Dân gian hay truyền tai nhau câu ca dao tục ngữ dành riêng cho ngày này: “Ông trời tháng 7 mưa ngâu, Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền”.
Các cặp đôi tại Việt Nam thường sẽ đến chùa để cầu duyên và mong cho tình yêu của họ sẽ bền lâu và vĩnh cửu như Ngưu Lang và Chức Nữ.
Thực tế đây không phải cổ tục của Việt Nam, song vào ngày này vẫn có nhiều bạn trẻ tìm mua chè đậu đỏ hoặc đi chùa với hy vọng sớm tìm được một nửa phù hợp với mình.
Lễ Thất tịch hằng năm diễn ra vào mùng 7/7 Âm lịch. Vào ngày này, các cặp đôi thường đến chùa để cầu mong cho tình yêu sẽ được hạnh phúc viên mãn; những người độc thân đi chùa cầu may để sớm tìm được ý trung nhân. Ngoài ra, đây cũng là dịp để mọi người cầu sức khỏe, tài lộc và bình an cho bản thân và gia đình.
Từ sáng sớm, Nguyễn Minh Trang (22 tuổi, Hà Nội) đã chuẩn bị đồ lễ sẵn ở nhà để mang tới chùa Hà cầu duyên lành. Từ khi lên đại học, đây là thói quen hàng năm của cô gái trẻ vào Thất tịch hàng năm.
“Mình đi chùa để cầu bình an và cũng cầu mong sớm có người yêu như ý muốn”, Minh Trang chia sẻ. Sau khi đi chùa về, Minh Trang ghé vào quán chè để mua một ly chè đậu đỏ.
Theo quan niệm dân gian của nhiều nước phương Đông, đậu đỏ được xem là một vật mang lại nhiều may mắn bởi màu đỏ tượng trưng cho sự tốt lành, vui vẻ, hạnh phúc. Mọi người cho rằng sự may mắn ấy cũng "ứng" với chuyện tình duyên nếu đậu đỏ được ăn vào ngày Thất tịch; món chè đậu đỏ sẽ giúp tình yêu đôi lứa thêm bền vững, người độc thân sẽ sớm tìm được ý trung nhân.
Theo ghi nhận, trong ngày 22/8 (tức 7/7 âm lịch năm nay) , nhiều cửa hàng chè trên địa bàn thành phố Hà Nội có lượng khách tăng cao, trong đó phần lớn là các bạn thanh niên trẻ. Giá các loại chè đậu đỏ dao động trong khoảng từ 25.000 đến 50.000 đồng/hộp tùy kích cỡ.
Để thu hút khách hàng, chủ cửa hàng còn chế biến thêm nhiều món chè đậu đỏ mix nhiều vị để ly chè được bắt mắt và bán được nhiều hơn. Anh Cao Tuấn (chủ cửa hàng chè tại quận Cầu Giấy) cho biết: “Từ hôm qua, cửa hàng mình đã có nhiều đơn đặt hàng chè đậu đỏ cho ngày thất tịch. Vì vậy, cửa hàng đã nấu 3 nồi chè để phục vụ các thượng đế được chu đáo.”
Là shipper quanh quận Thanh Xuân, anh Hoàng Tuyên chia sẻ: “Từ sáng sớm mình có những đơn hàng chè đậu đỏ. Có đơn hẳn 50 cốc do công ty đặt chung”.
Tháng 7 Âm lịch là thời gian mọi người hay đi lễ chùa vì đây là mùa Vu lan báo hiếu và Xá tội vong nhân. Với các bạn trẻ, lễ thất tịch cũng là lý do để họ đến chùa dịp này. Nhiều người tin rằng nếu đi lễ chùa cầu duyên, cầu uyên ương bên nhau trọn đời trong ngày đoàn tụ của Ngưu lang, Chức nữ thì những điều mong cầu sẽ dễ được ứng nghiệm.
Vì vậy, ngoài việc ăn chè đậu đỏ, các bạn trẻ cũng đổ xô đi chùa để cầu tình duyên được viên mãn. Tại chùa Hà, từ sáng sớm đã có rất nhiều bạn trẻ đến đây để dâng lễ cầu duyên, “xin vía lấy chồng như ý muốn”. Từ lâu nay, chùa Hà vốn được biết đến là ngôi chùa thiêng cầu gì được nấy. Không riêng gì Thất tịch, vào dịp rằm hay mồng 1 đầu tháng, nhiều người dân Hà Nội đều có thói quen tới chùa Hà cầu bình an.
Để việc cầu nguyện được linh ứng hơn, các cô gái còn đặt thầy viết riêng cho một tờ sớ. Mỗi tờ sớ sẽ ghi đầy đủ tên tuổi, ước nguyện và địa chỉ của mỗi người. Ngoài ra, mỗi bạn trẻ còn được phát cho một tờ văn mẫu khấn. Các thủ tục lễ cũng được hướng dẫn chu đáo.
Dù năm nay, ngày thất tịch rơi vào ngày trong tuần, nhưng chị Mai Thị Thanh (25 tuổi) cũng nghe theo lời mách của các anh chị đồng nghiệp đến chùa Hà từ sáng sớm với ước mong sớm có người yêu. Chị Thanh chia sẻ: “ Mình đến chùa từ sớm để kịp về đi làm. Tuy nhiên, mình thấy đã có rất nhiều bạn trẻ, cả trai và gái cũng đến chùa từ rất sớm.”
Càng về trưa, lượng khách đến chùa ngày càng đông. Hầu như ai cũng mong muốn có thể “đi một về hai” như truyền thuyết.
Vào ngày thất tịch, nhiều đôi bạn trẻ đang yêu cũng dành tặng nhau những món quà nhỏ để mong tình duyên suôn sẻ, gắn kết bền lâu. Do đó, thị trường quà tặng cũng rất sôi nổi trong dịp thất tịch này. Các mặt hàng quà tặng “phủ sóng” các gian hàng online. Các sản phẩm như vòng tay, bộ mỹ phẩm, ốp điện thoại, khung ảnh, bùa cầu may... có giá dao động từ vài trăm nghìn đến khoảng một triệu đồng, là những món quà ý nghĩa để mỗi người thể hiện tình cảm với nửa kia của mình.